Tận dụng cơ hội từ CPTPP: Không thể chậm trễ
Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) có hiệu lực đến nay đã hơn 3 tháng (ngày 14/01/2019), nhưng xem ra các doanh nghiệp chỉ tận dụng được rất ít những cơ hội từ Hiệp định.
Thực tế này bắt nguồn từ nhiều nguyên nhân, trong đó có một nguyên nhân rất đáng lưu tâm là sự chậm trễ trong khâu chuẩn bị.
Xuất khẩu đứng trước thách thức
Bàn về những thách thức trong hoạt động xuất khẩu quý I/2019, ông Nguyễn Anh Dương, Trưởng ban Ban Nghiên cứu tổng hợp thuộc Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) cho rằng, xuất khẩu vẫn tăng trưởng, song có dấu hiệu giảm tốc trong quý I. Xuất khẩu vào các thị trường CPTPP chưa khởi sắc như kỳ vọng, có nguyên nhân lớn từ sự thiếu sẵn sàng trong việc nắm bắt cơ hội của Hiệp định từ cả phía các bộ, ngành cũng như doanh nghiệp.
Ông Nguyễn Anh Dương thông tin, dù Hiệp định đã có hiệu lực được hơn 3 tháng, nhưng đến thời điểm này, chúng ta chưa có Luật sửa đổi các luật và ban hành các hướng dẫn thực hiện Hiệp định. Biểu thuế ưu đãi xuất nhập khẩu, điều doanh nghiệp rất quan tâm vì nó thể hiện lợi ích mà họ sẽ được hưởng, đến thời điểm này vẫn chưa có thông tin chính thức về việc ban hành.
Liên quan đến sự chuẩn bị của cơ quan chức năng đối với việc thực hiện CPTPP, tháng 3/2019, Bộ Công Thương - cơ quan được Chính phủ giao chủ trì, phối hợp với Văn phòng Chính phủ theo dõi, đôn đốc các bộ, ngành và địa phương thực hiện Hiệp định - mới ban hành Kế hoạch triển khai. Tính đến ngày 3/4/2019, Bộ Công Thương cũng mới chỉ nhận được báo cáo của 13 bộ, ngành, cơ quan cấp trung ương và 35 cơ quan cấp địa phương.
Cập nhật tình hình sửa đổi pháp luật để phù hợp với Hiệp định, ông Ngô Chung Khanh, Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên thuộc Bộ Công Thương cho biết, Bộ đang khẩn trương xây dựng và sớm hoàn tất các văn bản pháp luật ở cấp nghị định và thông tư trong lĩnh vực cạnh tranh và phòng vệ thương mại để hướng dẫn…
Nhiều ý kiến cũng cho rằng, vẫn còn nhiều doanh nghiệp đứng ngoài cuộc chơi CPTPP, họ không quan tâm cũng như chưa chuẩn bị cho mình những hành trang đủ vững để nắm bắt cơ hội mở ra.
Nhanh chóng thực hiện các nhiệm vụ liên quan đến CPTPP
Số liệu của CIEM ghi nhận, quý I/2019, doanh nghiệp Việt Nam tận dụng rất ít cơ hội xuất khẩu vào các nước thành viên CPTPP. Mặc dù có CPTPP, nhưng sau nhiều năm Việt Nam luôn tăng trưởng xuất khẩu vào Australia thì trong quý I/2019 xuất khẩu vào thị trường này lại giảm tới 14,6%, ít nhiều cho thấy việc tận dụng CPTPP để thâm nhập các thị trường khó tính là không dễ. Còn các thị trường xuất khẩu khác được cho là nhiều tiềm năng thì giá trị xuất khẩu quý I cũng khiêm tốn như: xuất khẩu vào Canada đạt 864 triệu USD; vào Mexico đạt gần 497 triệu USD…
Với những kết quả bước đầu trong hoạt động xuất khẩu trong quý I có thể thấy, nếu Việt Nam không sớm chuẩn bị tốt, thì lập tức những cơ hội từ CPTPP sẽ biến thành thách thức. Ông Nguyễn Anh Dương cho rằng, để đón bắt tốt cơ hội từ CPTPP hay bất kỳ hiệp định thương mại tự do thế hệ mới nào khác thì việc nhanh chóng triển khai các nhiệm vụ liên quan là quan trọng. “Các kịch bản đặt ra không quan trọng bằng tinh thần chuẩn bị. Đó mới chính là cơ hội”, ông Dương nhấn mạnh.
Lấy ví dụ từ việc xuất khẩu hàng hóa Việt Nam vào các thị trường khó tính gặp khó khăn, chuyên gia này cho rằng, các doanh nghiệp cần quan tâm thấu đáo hơn tới việc đáp ứng các tiêu chuẩn của thị trường nước ngoài. Bên cạnh đó, về phía cơ quan quản lý nhà nước, bên cạnh sự chuẩn bị tốt về cơ chế, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp thì cũng cần tiếp tục tháo gỡ các rào cản, cải thiện môi trường kinh doanh để thúc đẩy xuất khẩu.
Đồng tình với yêu cầu cần sự chủ động vào cuộc của cả Chính phủ và doanh nghiệp với việc thực hiện hiệu quả CPTPP, ông Ngô Chung Khanh nhấn mạnh, nội dung của Hiệp định có khá nhiều vấn đề mà Việt Nam phải lưu ý như: cắt giảm thuế quan đối với hàng hóa, sở hữu trí tuệ, mua sắm chính phủ; doanh nghiệp nhà nước… Nếu Việt Nam không chuẩn bị tốt, thách thức sẽ rất lớn. Đó là sức ép cạnh tranh đối với nền kinh tế và các doanh nghiệp; yêu cầu về cải cách thể chế, các quy định trong nước nhằm phù hợp với các cam kết.
Một số chuyên gia cho rằng, tham gia CPTPP thì không phải chỉ là cuộc chơi của Chính phủ hay các nhà hoạch định chính sách, mà quan trọng nhất chính là đội ngũ doanh nghiệp. Vì vậy, doanh nghiệp cần phải thay đổi tư duy, lấy sức ép về cạnh tranh làm động lực đổi mới và phát triển. CPTPP chắc chắn sẽ mang lại cơ hội cho doanh nghiệp nào chủ động thích ứng với thay đổi.