Xuất khẩu vào CPTPP tăng tới 22,5%
Theo Bộ Công thương, trong 3 tháng đầu năm nay, kim ngạch xuất khẩu các mặt hàng của Việt Nam sang các nước thuộc thị trường CPTPP tăng tới 22,5% (trong đó có tới 90% là sang Canada và Mexico).
Chia sẻ tại Diễn đàn Kinh tế tư nhân Việt Nam 2019 – Phiên hiến kế cho doanh nghiệp bứt phá từ khai thác hiệu quả Hiệp định CPTPP diễn ra sáng nay 2/5 ở Hà Nội, Thứ trưởng Bộ Công thương Trần Quốc Khánh ho biết: Trong 3 tháng đầu năm nay, kim ngạch xuất khẩu của các doanh nghiệp Việt Nam vào các nước trong nội khối CPTPP tăng tới 22,5% và cao hơn cả mức chung toàn ngành.
Theo Thứ trưởng Trần Quốc Khánh, trong thị trường CPTPP, có nhiều tín hiệu mạnh nhất hiện nay là Canada và Mexico. Trong tổng số khoảng 500 giấy chứng nhận xuất xứ để hưởng ưu đãi về thuế cho sản phẩm xuất khẩu vào CPTPP mà Bộ Công thương cấp cho doanh nghiệp trong 3 tháng đầu năm 2019 thì có tới 90% là hàng hóa xuất sang 2 thị trường Canada và Mexico. Điều đó cho thấy, thị trường CPTPP đang mở ra cơ hội, tiềm năng rất lớn cho xuất khẩu của Việt Nam.
CPTPP với 11 nước tham gia, đã có hiệu lực và các doanh nghiệp của Việt Nam sẽ được các nước xóa bỏ ngay đến 78%-95% dòng thuế khi xuất khẩu các loại hàng hóa mà Việt Nam đang có ưu thế như đồ gỗ, da giày, dệt may, thủy sản vào những thị trường của CPTPP.
Tuy nhiên, vấn đề khó khăn nhất mà phiên thảo luận sáng 2/5 nêu ra là để được hưởng mức ưu đãi lớn về thuế suất này thì các sản phẩm mà doanh nghiệp Việt Nam xuất đi phải đảm bảo đúng quy tắc xuất xứ hàng hóa của CPTPP. Cụ thể là các sản phẩm xuất khẩu phải có xuất xứ nội khối CPTPP mới được miễn giảm thuế. Trong khi hiện nay, nguyên liệu để sản xuất các sản phẩm xuất khẩu của Việt Nam chủ yếu nhập khẩu từ các nước bên ngoài CPTPP như Trung Quốc, Hàn Quốc.
Ví dụ như với sản phẩm may mặc xuất khẩu, yêu cầu là từ xơ sợi trở đi, nghĩa là từ công đoạn kéo sợi, dệt nhuộm vải đều phải thực hiện trong khu vực CPTPP. Trong khi các doanh nghiệp Việt đang phải nhập khẩu hơn 60% nguyên phụ liệu ngoài khu vực CPTPP.
Để chủ động được nguồn nguyên liệu ngay từ trong nước, ví dụ như bông vải, xơ sợi là bài toán rất nan giải mà tại diễn đàn, các doanh nghiệp cũng như đại diện các bộ chức năng vẫn chưa thể đưa ra được giải pháp cũng như tiếng nói chung. Trong đó, theo các doanh nghiệp, khó khăn nhất là về nỗi lo môi trường khi phát triển các nhà máy, cơ sở dệt nhuộm tại Việt Nam vì Luật Bảo vệ môi trường của chúng ta rất khắt khe.