Tận dụng cơ hội xuất khẩu sang thị trường ASEAN
Bên cạnh EU, Trung Quốc, Mỹ và Nhật Bản, ASEAN là một trong năm đối tác thương mại lớn và quan trọng nhất của Việt Nam. Bởi vậy, làm sao để tận dụng tối đa thị trường xuất khẩu hấp dẫn này là yêu cầu cấp thiết hiện nay của Việt Nam.
Đối tác thương mại quan trọng
Theo Vụ Kinh tế Dịch vụ - Bộ Kế hoạch và Đầu tư, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam vào ASEAN thời gian qua không ngừng tăng trưởng. Theo đó, kim ngạch xuất khẩu sang thị trường này đã tăng từ 1,1 tỷ USD năm 1995 lên 5,7 tỷ USD năm 2005 (gấp 5,2 lần sau 10 năm); và từ 5,7 tỷ USD năm 2005 lên 18,2 tỷ USD năm 2015 (gấp 3,2 lần sau 10 năm).
Từ chỗ chỉ xuất khẩu chủ yếu sang ASEAN hai mặt hàng chính là dầu thô và gạo, đến nay, nhiều mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam đã gia tăng kim ngạch xuất khẩu vào thị trường ASEAN như: điện thoại các loại và linh kiện; máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện; sắt thép các loại; máy móc thiết bị dụng cụ và phụ tùng khác; dệt may; thủy sản; cà phê; cao su…
Tuy nhiên, 8 tháng đầu năm 2016, kim ngạch xuất khẩu vào ASEAN chỉ đạt 11,14 tỷ USD, giảm 9,9% so với cùng kỳ. Trong số 9 nước đối tác ASEAN, 8 tháng đầu năm, Việt Nam chỉ đạt tăng trưởng xuất khẩu dương với 3 nước gồm Myanmar (ước tăng 22,3% so với cùng kỳ), Philippin (15,7%) và Thái Lan (9,5%).
Vụ Kinh tế Dịch vụ cho rằng, của việc giảm sút trên là do tính tương đồng trong cơ cấu hàng xuất khẩu và những rào cản phi thương mại khiến các sản phẩm xuất khẩu của Việt Nam gặp khó khăn khi tìm chỗ đứng tại các thị trường này.
Bên cạnh đó, nếu so với các sản phẩm cùng loại của Thái Lan hay Singapore, nhiều sản phẩm của Việt Nam vẫn chưa cạnh tranh được về giá và sự đa dạng chủng loại hàng hóa.
Khai thác tối đa thị trường xuất khẩu
Xác định ASEAN là một trong những thị trường xuất khẩu quan trọng, vấn đề quan trọng lúc này là nâng cao hơn nữa năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp Việt Nam trong hoạt động thương mại ở thị trường ASEAN. Đặc biệt là linh hoạt, nhạy bén và nắm bắt những cơ hội mà Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) mang lại.
Theo đó, các doanh nghiệp cần phát triển mạnh các hệ thống phân phối hàng Việt Nam ở trong nước và từng bước mở rộng ra nước ngoài để nâng cao tính chủ động và hiệu quả xuất khẩu.
Đồng thời, cần chuyển dịch cơ cấu hàng hóa xuất khẩu một cách hợp lý theo hướng hiện đại, nâng nhanh tỉ trọng các sản phẩm xuất khẩu có giá trị gia tăng cao, sản phẩm chế biến sâu, các sản phẩm có hàm lượng công nghệ cao, các sản phẩm kinh tế xanh, thân thiện với môi trường... để đáp ứng nhu cầu của những thị trường “ngách” trong từng thị trường thành viên ASEAN.
Theo Vụ Kinh tế Dịch vụ, Việt Nam cần có định hướng phát triển thị trường xuất khẩu theo ba nhóm thị trường, bao gồm: nhóm thị trường trung chuyển hàng xuất khẩu của Việt Nam (đại diện là thị trường Singapore); nhóm thị trường cần sự bù đắp bởi hàng xuất khẩu của Việt Nam ở cả khía cạnh số lượng, chủng loại, mẫu mã, tính độc đáo và tính thời vụ; nhóm thị trường gần gũi về mặt địa lý và mới nổi (như Lào, Campuchia).