“Khai thác” tiềm năng thương mại Việt Nam – EU
Mối quan hệ Việt Nam - Liên minh châu Âu (EU) đang ngày càng phát triển cả về chiều rộng và chiều sâu. Đặc biệt, thương mại được nhận định là trụ cột quan trọng trong quan hệ hai bên với kim ngạch hai chiều tăng liên tục qua các năm.
Thị trường xuất khẩu chủ lực của Việt Nam
Theo thống kê của Vụ Kinh tế Dịch vụ - Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trong giai đoạn 2000 - 2010, kim ngạch xuất khẩu từ Việt Nam sang EU đã tăng 4 lần từ mức 2,85 tỷ USD năm 2000 lên 11,39 tỷ USD năm 2010.
EU là thị trường lớn cho một số mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam như giày dép, may mặc, thủy sản, đồ gỗ, điện tử, hàng tiêu dùng...
Kim ngạch thương mại 2 chiều Việt Nam – EU
(Đơn vị: triệu USD)
|
2010 |
2011 |
2012 |
2013 |
2014 |
2015 |
Xuất khẩu |
11401,3 |
16555,5 |
20317,5 |
20338,9 |
27895,4 |
30937,3 |
Nhập khẩu |
6155,6 |
7238,3 |
7594,3 |
8387,7 |
8842,6 |
10426,4 |
2 chiều |
17586,9 |
23793,8 |
27911,8 |
32726,6 |
36738,1 |
41363,7 |
(Nguốn: Tổng cục Thống kê và Tổng cục Hải Quan)
Năm 2015, kim ngạch xuất khẩu sang EU đạt gần 31 tỷ USD, tăng tới 15% và chiếm 19% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước, hiện đứng thứ 2 về thị trường xuất khẩu của Việt Nam.
Vụ Kinh tế Dịch vụ cho biết, các thị trường Đức, Anh, Hà Lan, Italia, Pháp, Tây Ban Nha, Áo và Bỉ là 8 thị trường lớn nhất thuộc EU nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam đều đạt kim ngạch trên 1 tỷ USD. Tổng trị giá xuất khẩu của Việt Nam sang 8 thị trường này đạt 27,1 tỷ USD, chiếm 87,1% trị giá xuất khẩu của Việt Nam sang EU.
8 tháng đầu năm 2016, Việt Nam xuất siêu sang EU ước đạt 15 tỷ, tăng 13,25% so với cùng kỳ năm 2015, kim ngạch xuất khẩu sang EU ước đạt trên 19 tỷ USD, tăng 9,2% so với cùng kỳ.
Hầu hết kim ngạch xuất khẩu sang các nước EU trong 8 tháng đầu năm 2016 đều đạt tăng trưởng dương, trong đó kim ngạch xuất khẩu sang các nước như Croatia, Bulgari, Slovakia, Slovenia… tăng trưởng trên 30%.
Kim ngạch của các mặt hàng xuất khẩu chủ yếu của Việt Nam sang các nước EU 8 tháng đầu năm hầu hết đều tăng trưởng so với cùng kỳ, cụ thể: Điện thoại các loại và linh kiện (kim ngạch ước đạt khoảng 7 tỷ USD, tăng 9% so với cùng kỳ), Giày dép (ước đạt 2,8 tỷ USD, tăng 6,5%), Dệt may (ước đạt 2,2 tỷ USD, giảm nhẹ so với cùng kỳ)...
Đẩy mạnh quan hệ thương mại Việt Nam – EU
Để tận dụng tối đa thị trường xuất khẩu đầy tiềm năng - EU, Việt Nam cần xây dựng quy hoạch trồng và chế biến các mặt hàng nông sản có khả năng xuất khẩu sang thị trường EU như: cà phê, chè, hạt tiêu, điều, cao su, rau quả.
Đồng thời, cần có các chính sách thu hút các nhà đầu tư EU tham gia vào quá trình sản xuất hàng xuất khẩu tại Việt Nam. Đối với các doanh nghiệp, cần nghiên cứu, lựa chọn phương thức thích hợp thâm nhập vào kênh phân phối trên thị trường EU như: xuất khẩu trực tiếp hoặc có thể liên doanh dưới hình thức sử dụng giấy phép nhãn hiệu hàng hóa.
Các doanh nghiệp Việt cần tăng cường hơn nữa đầu tư và hoàn thiện quản lý theo quản lý chất lượng; phát triển nguồn nhân lực cho hoạt động xuất khẩu.
Đặc biệt, Vụ Kinh tế Dịch vụ cho rằng, cần tiến hành đồng bộ công tác xúc tiến thương mại từ cả hai phía, Nhà nước và doanh nghiệp. Các cơ quan nhà nước cần nhanh chóng xây dựng chiến lược phát triển trên thị trường EU thông qua việc đàm phán, ký kết các hiệp định, thỏa thuận thương mại song phương và đa phương nhằm tạo ra các tiền đề, hành lang pháp lý thuận lợi để đẩy mạnh xuất khẩu.