Tận dụng CPTPP để thâm nhập các thị trường khó tính là không dễ


Đánh giá tác động tích cực của các FTA, Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam cho hay, sau gần 3 tháng Hiệp định CPTPP chính thức có hiệu lực, xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam vào Australia giảm tới 14,6% trong quý I/2019. Thực tế này cho thấy, việc tận dụng CPTPP để thâm nhập các thị trường khó tính là không dễ.

Theo đánh giá của Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam, tác động tích cực của các FTA, chính sách thuế xuất, nhập khẩu nhiều mặt hàng của các nước tham gia hiệp định đã và đang được cắt giảm hoặc xóa bỏ đã, đang và sẽ tạo lợi thế cạnh tranh cho sản phẩm đồ gỗ và lâm sản xuất khẩu của Việt Nam.

Thấy trước tiềm năng của thị trường Việt Nam, nhiều doanh nghiệp FDI đã đầu tư lớn vào các nhà máy những công nghệ, máy móc tiên tiến để tăng hiệu quả, chất lượng sản phẩm, trong đó chủ yếu là Đài Loan, Nhật Bản, EU và gần đây là Trung Quốc.

Ở chiều ngược lại, doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu gỗ, lâm sản Việt Nam vẫn đối mặt với những thách thức như thiếu hợp tác, liên kết giữa các đơn vị sản xuất, chế biến và xuất khẩu với người trồng rừng để nâng cao chất lượng gỗ rừng trồng; nguyên liệu nhập khẩu ngày càng khan hiếm và đắt đỏ hơn; vật liệu phụ trợ vẫn chủ yếu nhập khẩu, nên giá thành cao… khó tận dụng các cơ hội từ FTA.

Dễ thấy nhất là với Hiệp định CPTPP, sau gần 3 tháng Hiệp định này chính thức có hiệu lực, xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam vào Australia đã giảm tới 14,6% trong quý I/2019, ít nhiều cho thấy việc tận dụng CPTPP để thâm nhập các thị trường khó tính là không dễ.

Số liệu thống kê của Bộ Công Thương cho thấy, tỷ lệ tận dụng giấy chứng nhận xuất xứ ưu đãi để xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam trong các FTA chỉ đạt trung bình 34%, tương đương 33 tỷ USD.

"Trong thời gian tới, Việt Nam cần cân nhắc thấu đáo hơn việc để doanh nghiệp chủ động đáp ứng tiêu chuẩn của thị trường nước ngoài; đồng thời, cần ban hành quy định để hài hòa hóa tiêu chuẩn trong nước với thị trường nước ngoài. Đặc biệt, cần lưu ý số biện pháp phi thuế quan đối với xuất khẩu của Việt Nam đã tăng từ 167 năm 2015 lên 219 năm 2018", ông Nguyễn Anh Dương, Trưởng ban Chính sách kinh tế vĩ mô, Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương cho biết.