Tăng biện pháp thu hồi nợ đọng thuế
Kết quả thu nội địa trên địa bàn (thông qua Cục Thuế Hà Nội) đạt 57.799 tỷ đồng, bằng 38,6% kế hoạch năm. Trong khi vẫn tiếp tục tập trung khai thác các nguồn thu từ đất… nhưng sức mua trên thị trường bất động sản (BĐS) và các sản phẩm dịch vụ liên quan chưa có lối thoát. Đây là những thách thức không nhỏ trong việc bảo đảm thu ngân sách của Thành phố trong năm nay.
6 tháng đầu năm, chỉ có 7/36 đơn vị thu đạt trên 50% dự toán, các đơn vị còn lại đều đạt thấp, trong đó có một số đơn vị chỉ đạt dưới 30% dự toán, chủ yếu do ảnh hưởng số thu từ tiền sử dụng đất thực hiện quá thấp như Chi Cục Thuế Hoài Đức (23%), Quốc Oai (16%), Mê Linh (19%), Đông Anh (28%), Thanh Trì (24%)... hay như Hai Bà Trưng mới đạt 8% dự toán.
Theo ông Cáp Sĩ Phong - Phó Chủ tịch UBND Quận Hai Bà Trưng, trên địa bàn quận riêng 7 dự án đã chiếm đến hơn 1.000 tỷ đồng nợ thuế đất, như dự án 201 Minh Khai số tiền phải nộp 474 tỷ đồng, dự án 124 Minh Khai (Tổng Công ty lắp máy Việt Nam) số tiền phải nộp 57 tỷ đồng, dự án 155 Mai Hắc Đế số tiền phải nộp 87 tỷ đồng...
Hầu hết các dự án đang làm hồ sơ dãn nộp theo chính sách của Nhà nước và đến thời điểm hiện tại mới có 2 dự án tạm nộp được hơn 20 tỷ đồng. UBND quận đã có giấy mời các chủ dự án lên cùng phòng tài nguyên và môi trường (TN&MT), Chi Cục thuế làm việc trực tiếp, động viên đôn đốc để doanh nghiệp nộp dần, nhưng hầu hết đều trình bày khó khăn, rất khó có khả năng thực hiện nộp trong năm nay.
Trong số những nguyên nhân được đại diện huyện Đông Anh chỉ ra về tình trạng các khoản thu liên quan đến nhà, đất sụt giảm mạnh là do thị trường bất động sản đang bết bát, sức mua trong dân giảm sút làm giảm giao dịch chuyển nhượng tài sản nhà đất, doanh nghiệp không thu được lệ phí mua bán nhà đất, doanh nghiệp không phát sinh được doanh thu, các dự án không bố trí được nguồn nên kết quả thu nợ đạt thấp…
Nguyên nhân của tình trạng thu thuế của khối doanh nghiệp BĐS giảm còn được ngành Thuế cho rằng, các doanh nghiệp ngành xây dựng nộp thuế giá trị gia tăng vãng lai ở nhiều địa phương khác nhau cũng dẫn đến nhập nhằng thiếu nợ. Bên cạnh đó, hiện một số chủ đầu tư xây dựng chung cư thời gian qua bán sỉ sản phẩm cho nhà phân phối căn hộ, theo đó nhà phân phối chỉ trả phần tiền đất còn nhà thô khi nào bán được mới trả nốt.
Về nguyên tắc mỗi lần thu tiền theo tiến độ dự án, doanh nghiệp BĐS phải xuất hóa đơn và kê khai thuế giá trị gia tăng. Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp kinh doanh BĐS hiện không kê khai phần thuế này mà chờ đến khi bán được căn hộ mới nộp đầy đủ các nghĩa vụ thuế nên càng đẩy số nợ thuế trong lĩnh vực BĐS tăng nhanh.
Xử lý nghiêm những trường hợp chây ì
Trong định hướng nhiệm vụ tăng cường các giải pháp đảm bảo nguồn thu những tháng cuối năm, lĩnh vực BĐS là một trong những lĩnh vực được xác định sẽ tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra. Cục Thuế cũng kiến nghị Thành phố chỉ đạo các ngành chức năng đẩy nhanh tiến độ hợp thức hóa quyền sử dụng đất cho các trường hợp chưa có quyết định thuê đất để cơ quan thuế có đầy đủ cơ sở pháp lý thu tiền thuê đất (hạn chế việc tạm tính, tạm thu tiền thuê đất như hiện nay). Xử lý nghiêm những trường hợp dự án chậm triển khai, không thực hiện nghĩa vụ tài chính quá 12 và 24 tháng trên địa bàn Thành phố.
Phó Chủ tịch UBND Thành phố Nguyễn Huy Tưởng nhấn mạnh, Cục Thuế Hà Nội cần chủ động phối hợp với các quận, huyện, các ban, ngành của TP để nâng cao hiệu quả trong việc thu tiền sử dụng đất, tiền thuê đất. Giao cơ quan thuế kiểm tra, rà soát, phân loại nợ để có biện pháp xử lý thu hồi nợ đọng phù hợp. Đối với các dự án có biểu hiện chây ì, các ngành chức năng của TP đề xuất những giải pháp để xử lý cương quyết, thậm chí áp dụng các biện pháp cưỡng chế theo quy định.