Tăng cảnh báo sớm về phòng vệ thương mại
Tính đến hết tháng 7/2021, hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam đã là đối tượng của 207 vụ việc điều tra phòng vệ thương mại của nước ngoài. Phó Cục trưởng Cục Phòng vệ thương mại, Bộ Công thương Chu Thắng Trung cho biết, sẽ tiếp tục tăng cường cảnh báo sớm các vụ kiện phòng vệ thương mại và triển khai các hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp.
207 vụ việc bị điều tra
Phóng viên: Ngày càng có nhiều hàng hóa Việt Nam “vướng” vào các vụ việc điều tra phòng vệ thương mại (PVTM) của nước ngoài, điều này ảnh hưởng như thế nào đến xuất khẩu, thưa ông?
Ông Chu Thắng Trung: Thời gian qua, Việt Nam chủ động và tích cực tham gia vào các thiết chế kinh tế đa phương và khu vực cũng như các hiệp định tự do thương mại thế hệ mới. Kim ngạch xuất khẩu tăng bình quân 11,7% trong giai đoạn 2016 - 2020, đạt 281,5 tỷ USD năm 2020.
Tuy nhiên, hàng hóa xuất khẩu ngày càng phải đối mặt nhiều hơn với các vụ việc điều tra, áp dụng biện pháp PVTM của nước ngoài. Tính đến hết tháng 7.2021, hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam đã là đối tượng của 207 vụ việc điều tra.
Hàng hóa bị áp dụng thuế PVTM ở mức cao sẽ làm giảm lợi thế cạnh tranh, dẫn đến nguy cơ mất một phần hoặc toàn bộ thị trường xuất khẩu. Bên cạnh đó, doanh nghiệp cũng thêm gánh nặng tài chính do phải bố trí thời gian và nguồn lực để xử lý, đáp ứng các yêu cầu của cơ quan điều tra nước ngoài.
Phóng viên: Vì sao hàng Việt phải đối mặt nhiều hơn với các vụ việc điều tra, áp dụng biện pháp PVTM?
Ông Chu Thắng Trung: Quy mô xuất khẩu tăng trưởng mạnh cho thấy năng lực của nhiều ngành nước ta đã cao hơn, hàng hóa đã thâm nhập được và giá cả cạnh tranh tại nhiều thị trường. Nhiều mặt hàng đã tạo ra sức ép cạnh tranh lớn tại thị trường nước nhập khẩu, khiến ngành sản xuất tại các nước này đề nghị Chính phủ họ điều tra áp dụng các biện pháp PVTM. Vì vậy, khả năng các doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam trở thành đối tượng bị điều tra, áp dụng các biện pháp PVTM của nước ngoài là rất lớn.
Dù phải đối mặt với nhiều vụ kiện, điều tra nhưng năng lực của doanh nghiệp Việt Nam chưa được nâng cao vì đa số là các doanh nghiệp vừa và nhỏ, hiểu biết về PVTM chưa sâu nên còn bị động. Khi không đáp ứng được những yêu cầu khắt khe thì khả năng cao nhận kết quả bất lợi, ảnh hưởng lớn đến hoạt động xuất khẩu.
Đã sớm có cảnh báo về PVTM
Phóng viên: Vậy, vai trò của công tác cảnh báo sản phẩm có nguy cơ điều tra PVTM được thể hiện như thế nào?
Ông Chu Thắng Trung: Để hỗ trợ doanh nghiệp, Thủ tướng đã ban hành Quyết định 316/QĐ-TTg phê duyệt Đề án xây dựng và vận hành hiệu quả hệ thống cảnh báo sớm về PVTM.
Việc cảnh báo trước những mặt hàng xuất khẩu có nguy cơ bị nước ngoài điều tra PVTM giúp các doanh nghiệp có sự chuẩn bị trước, cơ quan chức năng sẽ hỗ trợ doanh nghiệp có trọng tâm, trọng điểm hơn.
Hiện, Bộ Công thương đang theo dõi biến động xuất khẩu của 36 mặt hàng và định kỳ đưa ra danh sách cảnh báo để sớm triển khai các hoạt động cụ thể. Thông qua công tác cảnh báo sớm, các bộ, ngành, địa phương và doanh nghiệp không bị động trong công tác ứng phó với các biện pháp PVTM.
Bộ đã sớm tiếp cận với các doanh nghiệp trong ngành để cung cấp thông tin, giúp các doanh nghiệp hiểu được các nguyên tắc, quy trình điều tra… Nhờ đó, các doanh nghiệp có thời gian chuẩn bị để đáp ứng đầy đủ, chính xác nhất các yêu cầu của cơ quan điều tra nước ngoài.
Phóng viên: Tại phiên họp Chính phủ vừa qua, Thủ tướng Phạm Minh Chính chỉ đạo phải sớm có những biện pháp phù hợp để đẩy nhanh xuất khẩu, kiểm soát nhập siêu. Theo ông, việc có những cảnh báo sớm về PVTM có phải là biện pháp nhằm hướng đến xuất khẩu bền vững?
Ông Chu Thắng Trung: Đúng như vậy! Quán triệt chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, lãnh đạo Bộ Công thương đã chỉ đạo Cục Phòng vệ thương mại phối hợp với các cơ quan liên quan thực hiện một số giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp để giảm thiểu tác động của các biện pháp PVTM đến kết quả xuất khẩu.
Bộ sẽ tiếp tục triển khai công tác cảnh báo sớm các vụ kiện PVTM; chủ động phòng ngừa và ứng phó với các vụ kiện PVTM của nước ngoài, hướng tới mục tiêu xuất khẩu bền vững. Bộ sẽ trực tiếp can thiệp, trao đổi với cơ quan điều tra PVTM của nước ngoài khi phát hiện trong hoạt động điều tra có điểm chưa phù hợp.
Nếu dấu hiệu vi phạm các quy định của WTO là rõ ràng và biện pháp PVTM được nước ngoài áp dụng gây bất lợi lớn đối với doanh nghiệp Việt Nam, Bộ có thể cân nhắc việc đưa vấn đề ra giải quyết theo cơ chế giải quyết tranh chấp của WTO.
Phóng viên: Xin cảm ơn ông!