Tăng công khai, minh bạch cho nhà đầu tư chiến lược
Bộ Tài chính đang xin ý kiến góp ý vào dự thảo Nghị định về chuyển doanh nghiệp nhà nước thành công ty cổ phần, trong đó quy định rõ việc bán cổ phần cho nhà đầu tư chiến lược theo hướng thực hiện sau cuộc bán đấu giá công khai.
Thông tin trên được công bố tại buổi Họp báo chuyên đề về “Một số nội dung cơ bản của dự thảo Nghị định về chuyển doanh nghiệp nhà nước (DNNN) thành công ty cổ phần”, do Bộ Tài chính tổ chức chiều 16/3/2017.
Bỏ hình thức bán thỏa thuận trước
Một điểm mới đáng chú ý trong dự thảo Nghị định này là tiêu chí lựa chọn và có chính sách bán cổ phần phù hợp cho cổ đông chiến lược đối với DN cổ phần hóa.
Theo quy định hiện hành, nhà đầu tư (NĐT) chiến lược mua cổ phần tại DN cổ phần hóa có nghĩa vụ phải cung cấp các nguồn lực theo cam kết cho DN nhưng không được bán cổ phiếu trong vòng 5 năm. Điều này dẫn tới quyền lợi của các NĐT chiến lược bị hạn chế so với nghĩa vụ phải thực hiện.
Trong khi đó, việc bán cổ phần cho NĐT chiến lược có thể thực hiện thỏa thuận trước cuộc đấu giá công khai ra công chúng. Tiêu chí lựa chọn NĐT chiến lược do ban chỉ đạo cổ phần hóa trình cơ quan có thẩm quyền quyết định phương án cổ phần hóa phê duyệt. Tuy nhiên, quy định này theo đánh giá là chưa đảm bảo tính công khai, minh bạch cũng như dễ dẫn đến thất thoát vốn nhà nước.
Để khắc phục hạn chế trên, dự thảo Nghị định điều chỉnh quy định việc bán cổ phần cho NĐT chiến lược theo hướng thực hiện sau cuộc bán đấu giá công khai (bỏ hình thức bán thỏa thuận trước). Đồng thời, dự thảo Nghị định quy định thay đổi thời gian hạn chế chuyển nhượng cổ phần của nhà đầu tư chiến lược là 3 năm (thay cho 5 năm).
Dự thảo Nghị định cũng quy định cụ thể tiêu chuẩn của NĐT chiến lược phải có kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh 2 năm gần nhất tính đến thời điểm đăng ký mua cổ phần phải có lãi và không có lỗ lũy kế.
Liên quan đến chính sách bán cổ phẩn cho người lao động trong DN cổ phần hóa, theo quy định hiện hành, người lao động tại công ty mẹ được mua cổ phần ưu đãi khi cổ phần hóa công ty mẹ.
Để tạo thuận lợi hơn nữa cho người lao động nắm giữ cổ phần tại DN sau cổ phần, dự thảo Nghị định điều chỉnh theo hướng người lao động có tên trong danh sách thường xuyên của DN tại thời điểm xác định giá trị DN cổ phần hóa, bao gồm cả người lao động tại các công ty con được mua tối đa 100 cổ phần cho mỗi năm thực tế làm việc tại khu vực nhà nước với giá bán bằng 60% giá trị 1 cổ phần tính theo mệnh giá (10.000 đồng/cổ phần).
Ngăn chặn thất thoát vốn và tài sản nhà nước
Một điều chỉnh khác trong dự thảo Nghị định này là xử lý các vấn đề về tài chính trước và trong quá trình cổ phần hóa để ngăn chặn thất thoát vốn và tài sản nhà nước.
Theo đó, đối với cổ phiếu DN cổ phần hóa nhận được mà không phải trả tiền, dự thảo Nghị định quy định rõ căn cứ số lượng cổ phiếu nhận được để ghi tăng vốn nhà nước (theo giá được xác định lại), đồng thời ghi tăng giá trị khoản đầu tư tài chính.
Về xác định giá trị vốn góp của DN cổ phần hóa vào công ty cổ phần đã đăng ký giao dịch trên thị trường giao dịch UPCom mà không có giao dịch trong vòng 30 ngày trước thời điểm xác định giá trị DN được xác định theo phương pháp vốn chủ như các DN chưa niêm yết…
Theo quy định từ trước đến nay, kết quả công bố giá trị DN và giá trị vốn nhà nước của cơ quan có thẩm quyền là cơ sở để xác định quy mô vốn điều lệ, cơ cấu cổ phần phát hành lần đầu và giá khởi điểm để thực hiện đấu giá bán cổ phần. Đồng thời, DN cổ phần hóa phải điều chỉnh số sách kế toán theo kết quả xác định giá trị DN đã công bố.
Tuy nhiên, việc DN cổ phần hóa phải điều chỉnh lại sổ sách theo kết quả định giá lại ngay sẽ tạo ra sức ép lớn cho DN cổ phần mới do phải trích khấu hao dẫn tới tăng chi phí ảnh hưởng đến kết quả kinh doanh, mặc dù toàn bộ khối tài sản này DN vẫn sử dụng như khi là DNNN.
Để khắc phục bất cập này, dự thảo Nghị định điều chỉnh lại theo hướng DN không phải điều chỉnh ngay số liệu sau khi cơ quan đại diện chủ sở hữu công bố giá trị DN mà đến thời điểm được cấp Giấy chứng nhận đăng ký DN lần đầu.
Bên cạnh đó, dự thảo Nghị định bỏ quy định việc tiếp tục đánh giá lại các khoản đầu tư đã xác định trong giá trị DN cổ phần hoá tại thời điểm DN chính thức chuyển thành công ty cổ phần vì tất cả các tài sản của DN (ngoại trừ các tài sản không cần dùng, chờ thanh lý) DN cổ phần hóa đã phải định giá lại để làm cơ sở xác định giá trị DN và các nhà đầu tư đã mua theo giá trị được xác định giá lại tại thời điểm xác định giá trị DN.
Như vậy, với những điểm mới của dự thảo Nghị định về chuyển DNNN thành công ty cổ phần được kỳ vọng sẽ góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động của DN chuyển đổi 100% vốn nhà nước thành công ty cổ phần và ngăn chặn thất thoát vốn và tài sản nhà nước tại DN.
Dự thảo Nghị định về chuyển DNNN thành công ty cổ phần gồm 7 chương, 50 Điều, thay thế Nghị định 59/2011/NĐ-CP ngày 18/7/2011, Nghị định số 189/2013/NĐ-CP ngày 20/11/2013 và Nghị định số 116/2015/NĐ-CP ngày 11/11/2015.