Tăng cường công tác bảo vệ người tiêu dùng
Theo báo cáo của Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng (Bộ Công Thương), điểm nhấn của công tác bảo vệ quyền người tiêu dùng 2017 là đã tạo được một nền tảng, cơ sở bảo vệ người tiêu dùng thông qua hàng loạt các văn bản được ban hành.
Trong năm 2017, Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng đã ban hành quyết định điều tra đối với 19 vụ việc liên quan đến 12 hành vi cạnh tranh không lành mạnh, trong đó có 18 vụ việc đã ban hành quyết định xử lý (thu ngân sách Nhà nước tổng số tiền phạt là 2.691.000.000 đồng) và 1 vụ việc đang trong quá trình điều tra. Trong 19 vụ việc được điều tra và xử lý, có 1 vụ việc liên quan đến hành vi quảng cáo so sánh trực tiếp, 8 vụ việc liên quan đến hành vi quảng cáo đưa thông tin gian dối hoặc gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng, 10 vụ việc liên quan đến hành vi vi phạm pháp luật trong hoạt động bán hàng đa cấp.
Bên cạnh đó, Cục cũng tiếp nhận khoảng 20 vụ việc khác liên quan đến hành vi cạnh tranh không lành mạnh như xâm phạm bí mật kinh doanh, gièm pha doanh nghiệp khác, gây rối hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp khác, chỉ dẫn gây nhầm lẫn, khuyến mại nhằm cạnh tranh không lành mạnh nhưng không tiến hành điều tra do các bên chủ động giải quyết thông qua thương lượng, hòa giải hoặc các bên khiếu nại không cung cấp được chứng cứ chứng minh khiếu nại là có cơ sở.
Điển hình là tháng 12/2016, Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng nhận được đơn khiếu nại của Công ty TNHH Kim Lợi Đại Thành cho rằng, Công ty TNHH Woosung Việt Nam đã tổ chức hội nghị khách hàng, trong đó có so sánh trực tiếp sản phẩm của mình với sản phẩm của Công ty TNHH Kim Lợi Đại Thành. Tháng 1/2017, Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng tiến hành điều tra vụ việc.
Kết quả điều tra cho thấy: Bên bị điều tra đã tổ chức sự kiện “sử dụng hiệu quả thức ăn chăn nuôi” tại một nhà hàng ở tỉnh Bến Tre với sự tham gia của hơn 200 khách hàng và hộ nông dân nuôi heo. Tại sự kiện, bên bị điều tra đã phát cho khách hàng các tài liệu “cân heo đối chứng”, trong đó có thông tin so sánh sản phẩm thức ăn chăn nuôi của mình với sản phẩm thức ăn chăn nuôi của của Công ty TNHH Kim Lợi Đại Thành và kết luận sản phẩm của mình có hiệu quả tốt hơn sản phẩm của của Công ty TNHH Kim Lợi Đại Thành.
Căn cứ kết quả điều tra, Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng xác định bên bị điều tra đã thực hiện hành vi quảng cáo nhằm cạnh tranh không lành mạnh dưới hình thức so sánh trực tiếp hàng hóa, dịch vụ của mình với hàng hóa, dịch vụ cùng loại của doanh nghiệp khác, vi phạm quy định tại khoản 1 Điều 45 Luật Cạnh tranh. Theo đó, Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng ban hành quyết định xử lý vụ việc, trong đó phạt Công ty TNHH Woosung Việt Nam với mức phạt 70 triệu đồng.
Cũng trong năm 2017, Cục đã trực tiếp tiến hành kiểm tra đối với 4 doanh nghiệp bán hàng đa cấp, qua đó đã tiến hành xử phạt 950 triệu đồng đối với 3 doanh nghiệp: Công ty TNHH Nhã Khắc Lâm (30 triệu đồng); Công ty Cổ phần Everrichs (620 triệu đồng), Công ty Cổ phần Sản xuất và Thương mại Sen Việt Group (300 triệu đồng); Cục đang báo cáo Lãnh đạo Bộ kết quả kiểm tra đối với 1 doanh nghiệp còn lại (Công ty Cổ phần Tập đoàn Sản xuất Thương mại Quốc tế Greenlife).
Ngoài ra, Cục cũng đã điều tra, xử phạt đối với một số doanh nghiệp khác: Thiên Ngọc Minh Uy (140 triệu đồng); Công ty TNHH Herbalife Việt Nam (140 triệu đồng); Công ty Cổ phần Queenet Quốc tế (240 triệu đồng); Công ty TNHH World Việt Nam (80 triệu đồng); Công ty Người lái xe mặt trời (51 triệu đồng); Công ty TNHH Visi Việt Nam (30 triệu đồng).
Căn cứ kết quả kiểm tra, xử lý vi phạm, Cục đã thu hồi giấy chứng nhận đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp của Công ty Cổ phần Everrichs và Công ty TNHH BHIP. Thực hiện chỉ đạo của Lãnh đạo Bộ Công Thương, Cục đã phối hợp với các cơ quan liên quan tiến hành giám sát việc chấm dứt hoạt động của doanh nghiệp đa cấp có quy mô lớn nhất là Công ty TNHH Thiên Ngọc Minh Uy. Tính đến nay, số lượng doanh nghiệp có giấy chứng nhận đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp đã giảm xuống còn 33 doanh nghiệp, trong đó 2 doanh nghiệp đang tạm dừng hoạt động bán hàng đa cấp.
Trong năm 2017, Cục đã hỗ trợ và giải quyết 1000 yêu cầu, phản ánh của người tiêu dùng thông qua Tổng đài miễn phí về Tư vấn và Hỗ trợ người tiêu dùng 1800 6838 và 314 vụ việc tranh chấp được gửi đến bằng văn bản thông qua các phương thức như email, website, bưu điện hoặc gặp trực tiếp. Bước đầu, sự nỗ lực và cố gắng của Cục đã đạt được những kết quả tích cực trong công tác này.
Theo Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng, công tác bảo vệ người tiêu dùng trong thời gian gần đây đã được quan tâm rất nhiều. Nhiều địa phương đã xây dựng kế hoạch để bảo vệ người tiêu dùng. Tuy nhiên, công tác bảo vệ người tiêu dùng cũng còn tồn tại nhiều hạn chế, trong đó nổi bật nhất vẫn là chuyện thống nhất đầu mối bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng; chưa thực hiện được việc liên kết các đầu mối bảo vệ người tiêu dùng.