Theo Dự thảo Luật Quản lý, sử dụng tài sản công dự kiến sẽ được Bộ Tài chính thừa ủy quyền Thủ tướng Chính phủ trình Quốc hội khóa XIV tại Kỳ họp thứ 3 (dự kiến diễn ra từ ngày 22/5 đến ngày 21/6/2017), việc quản lý, sử dụng tài sản công sẽ được giám sát bởi cộng đồng, trừ các tài sản thuộc bí mật nhà nước theo quy định của pháp luật về bảo vệ bí mật nhà nước.
Theo đó, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam chủ trì, phối hợp với các tổ chức thành viên của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các cơ quan có liên quan tổ chức việc giám sát của cộng đồng đối với tài sản công.
Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp hoặc thông qua các thành viên của Mặt trận có trách nhiệm tiếp nhận thông tin, đề nghị giám sát của nhân dân; Chủ trì xây dựng kế hoạch và tổ chức giám sát tài sản công theo kế hoạch và quy định của pháp luật.
Theo Dự thảo Luật Quản lý, sử dụng tài sản công, nội dung giám sát sẽ bao gồm: Việc chấp hành các quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công; Tình hình đầu tư xây dựng, mua sắm, giao, thuê, sử dụng, thu hồi, điều chuyển, thanh lý, tiêu hủy và các hình thức xử lý khác đối với tài sản công; Tình hình khai thác nguồn lực tài chính từ tài sản công; và Việc thực hiện công khai tài sản công.
Dự thảo Luật cũng quy định rõ về hình thức giám sát, gồm 3 hình thức cơ bản: Nghiên cứu, xem xét văn bản của cơ quan nhà nước có thẩm quyền về lĩnh vực quản lý, sử dụng tài sản công liên quan đến quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân để có ý kiến với cơ quan nhà nước có thẩm quyền; Tổ chức đoàn giám sát; và Tham gia giám sát với cơ quan, tổ chức có thẩm quyền.
Trước đó, tại thảo luận tại hội trường về Dự thảo Luật quản lý, sử dụng tài sản nhà nước (chiều 10/11/2016), các đại biểu Quốc hội cũng cho ý kiến về vấn đề cộng động giám sát đối với tài sản công. Theo đó, việc quy định nội dung giám sát của cộng đồng đối với tài sản công là cần thiết nhằm tăng sự công khai, minh bạch trong việc quản lý, sử dụng tài sản nhà nước.
Một số đại biểu cho rằng, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị xã hội cần được trao quyền có thể yêu cầu các đơn vị được giám sát cung cấp thông tin tài liệu liên quan đến việc giám sát, đồng thời được tham gia phản biện các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến quản lý và sử dụng tài sản công.
Theo Đại biểu Trần Hoàng Ngân (TP.Hồ Chí Minh), các hệ thống chính trị, người dân, Mặt trận Tổ Quốc, Quốc hội... cần giám sát và phân định tài sản công, đồng thời công khai, minh bạch về hệ thống các loại tài sản công để người dân biết và giám sát tài sản công được sử dụng như thế nào.
Đại biểu Hà Thị Lan (Bắc Giang) cho rằng để thực hiện giám sát của cộng đồng cần phải công khai, minh bạch tiêu chuẩn, định mức, sử dụng tài sản trên cơ sở ý kiến của người dân. Đồng thời, tổ chức giám sát của cơ quan quản lý tài sản và cơ quan quản lý nhà nước cũng cần phải công khai việc khắc phục xử lý vi phạm về quản lý, sử dụng tài sản công.
Như vậy, Dự thảo Luật Quản lý, sử dụng tài sản công lần này đã đáp ứng được kỳ vọng của người dân khi quy định rõ về giám sát của cộng đồng đối với việc quản lý, sử dụng tài sản công, góp phần bảo đảm việc sử dụng, khai thác tài sản đúng mục đích, tiết kiệm, hiệu quả, công khai, minh bạch, nâng cao trách nhiệm giải trình.