Công khai nợ của chính quyền địa phương
Đó là một trong những nội dung được quy định tại Nghị định 25/2017/NĐ-CP về báo cáo tài chính nhà nước vừa được Chính phủ ban hành.
Theo Nghị định này, các đơn vị có nhiệm vụ lập báo cáo tài chính nhà nước và các cơ quan, đơn vị, tổ chức có nhiệm vụ cung cấp thông tin để lập báo cáo tài chính nhà nước gồm: Bộ Tài chính; Kho bạc Nhà nước các cấp; cơ quan quản lý, thực hiện thu, chi ngân sách nhà nước các cấp; cơ quan quản lý tài sản, nguồn vốn của Nhà nước các cấp; cơ quan nhà nước, tổ chức có sử dụng ngân sách nhà nước; cơ quan, tổ chức quản lý quỹ tài chính ngân sách nhà nước ngoài ngân sách; đơn vị sự nghiệp công lập.
Trong đó, Bộ Tài chính có nhiệm vụ công khai các thông tin trong báo cáo tài chính nhà nước toàn quốc, bao gồm: tình hình tài sản của Nhà nước; nợ công và các khoản phải trả khác của Nhà nước; nguồn vốn của Nhà nước; tình hình thu nhập, chi phí và kết quả hoạt động tài chính nhà nước; tình hình lưu chuyển tiền tệ nhà nước trên phạm vi toàn quốc; trừ số liệu chi tiết thuộc lĩnh vực quốc phòng, an ninh, dự trữ quốc gia.
Thời hạn công khai Báo cáo tài chính nhà nước toàn quốc là 30 ngày, kể từ ngày Báo cáo tài chính nhà nước toàn quốc được báo cáo trước Quốc hội.
Đối với UBND cấp tỉnh, Nghị định yêu cầu phải công khai các thông tin về tình hình tài sản của Nhà nước, nợ chính quyền địa phương, các khoản phải trả khác của Nhà nước; nguồn vốn của Nhà nước; tình hình thu nhập, chi phí và kết quả hoạt động tài chính nhà nước; tình hình lưu chuyển tiền tệ nhà nước trên phạm vi tỉnh; trừ số liệu chi tiết thuộc lĩnh vực quốc phòng, an ninh, dự trữ quốc gia. Thời hạn để UBND tỉnh công khai báo cáo tài chính nhà nước tỉnh là 30 ngày, kể từ ngày Báo cáo tài chính nhà nước tỉnh được báo cáo trước HĐND tỉnh.