Tăng cường giám sát đảm bảo an toàn hệ thống ngân hàng Việt Nam
Thời gian qua, hệ thống ngân hàng Việt Nam đã từng bước đổi mới và định hướng phát triển phù hợp với quá trình tự do hóa tài chính, góp phần quan trọng đối với sự ổn định và phát triển kinh tế đất nước. Tuy nhiên, sự phát triển của khu vực ngân hàng nói riêng và thị trường tài chính nói chung kéo theo không ít rủi ro tiềm ẩn. Thực tế này đặt ra yêu cầu cấp bách về việc tăng cường công tác giám sát nhằm đảm bảo an toàn hệ thống ngân hàng của Việt Nam.
Vai trò công tác giám sát, đảm bảo an toàn hệ thống ngân hàng
Cùng với sự phát triển của nền kinh tế thị trường, hoạt động kinh doanh ngân hàng ngày càng mở rộng và phát triển mạnh mẽ, khiến các ngân hàng thương mại (NHTM) luôn phải đối mặt với rủi ro như phá sản hay đóng cửa hoạt động, từ đó có thể gây ra hậu quả nghiêm trọng cho nền kinh tế. Do vậy, mọi hoạt động kinh doanh ngân hàng phải cần được giám sát chặt chẽ nhằm đảm bảo sự an toàn lành mạnh cho toàn hệ thống, thông qua các biện pháp hoặc công cụ khác nhau, bao gồm:
Thứ nhất, các quy định an toàn cho hoạt động của hệ thống NHTM:
- Các quy định an toàn hoạt động của tổ chức tín dụng (TCTD) gồm: Tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu để đảm bảo khả năng bù đắp các tổn thất không định trước bằng vốn tự có; Tỷ lệ khả năng chi trả để đảm bảo cho ngân hàng có đủ thanh khoản khi xảy ra rủi ro xuất phát từ sự mất cân đối về kỳ hạn, nguồn vốn và sử dụng vốn; Giới hạn cấp tín dụng cho một khách hàng và người có liên quan để hạn chế rủi ro do việc tập trung tín dụng; Giới hạn góp vốn, mua cổ phần để đảm bảo tránh ngân hàng mở rộng hoạt động sang các lĩnh vực phi tài chính.
- Quy định về phân loại nợ, trích lập dự phòng rủi ro để đánh giá chất lượng tài sản “Có”, có bổ sung quản lý, điều chỉnh cơ cấu danh mục đầu tư hợp lý; Đảm bảo trích lập dự phòng đầy đủ nguồn tài chính để bù đắp các tổn thất, xác định năng lực, mức độ lành mạnh về tài chính của các TCTD.
- Quy định về quản lý rủi ro nhằm đưa các yêu cầu về quản lý rủi ro chính đối với TCTD, trong đó yêu cầu về trách nhiệm của bộ máy quản trị, điều hành đối với các rủi ro; Quy trình quản lý rủi ro, các công cụ đo lường rủi ro và các biện pháp quản lý rủi ro.
- Quy định về quản trị, điều hành gồm các quy định về cơ cấu tổ chức, quyền hạn và trách nhiệm của HĐQT/HĐTV, Ban Kiểm soát, Ban điều hành của TCTD để hạn chế sự lạm quyền, tập trung quyền lực quá mức trong việc quản trị, điều hành TCTD. Ngoài ra, còn có các quy định về kiểm toán nội bộ và hệ thống kiểm soát nội bộ theo các nguyên tắc đảm bảo an toàn, tránh hiện tượng thông tin không cân xứng, xung đột lợi ích và hành vi gây tổn hại cho hoạt động của TCTD.
- Các chuẩn mực kế toán nhằm đảm bảo việc hạch toán kế toán, lập báo cáo tài chính phản ánh trung trực tình hình tài chính, chất lượng tài sản và kết quả kinh doanh của TCTD. Các báo cáo tài chính phải được kiểm toán bởi tổ chức kiểm toán độc lập. Bên cạnh đó, quy định về chế độ báo cáo, công khai thông tin nhằm đảm bảo có đầy đủ thông tin, số liệu để phục vụ cho việc thanh tra, giám sát cũng như phân tích hoạt động của các TCTD nói riêng và toàn hệ thống TCTD nói chung.
Thứ hai, thanh tra, giám sát một cách hiệu quả, đảm bảo an toàn vĩ mô và an toàn vi mô gồm:
- Giám sát an toàn vĩ mô nhằm đảm bảo sự an toàn cho toàn hệ thống TCTD, tránh những bất ổn định tài chính, tránh tác động tiêu cực đến tăng trưởng của nền kinh tế. Theo đó, giám sát sự tương tác giữa các TCTD và thị trường; Tập trung vào các rủi ro chung của hệ thống của TCTD (top-down) theo các biến động kinh tế gây nên sự mất an toàn, đổ vỡ đối với toàn hệ thống TCTD.
- Thanh tra, giám sát an toàn vi mô nhằm đảm bảo an toàn cho hoạt động của từng TCTD, bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng (gồm người gửi tiền, nhà đầu tư vào TCTD) trên cơ sở kết hợp thanh tra trên cơ sở rủi ro và thanh tra tuân thủ; tập trung vào các rủi ro của từng TCTD (bottom-up).
- Đánh giá tổng thể mức độ an toàn hệ thống TCTD trên cơ sở kết hợp giữa giám sát an toàn vĩ mô và giám sát an toàn vi mô. Xây dựng và phát triển hệ thống cảnh báo sớm về mức độ an toàn của toàn hệ thống TCTD nhằm mục đích hỗ trợ thực thi các biện pháp phòng tránh khủng hoảng.
Thực trạng giám sát ngân hàng tại Việt Nam
Tại Việt Nam, công tác giám sát ngân hàng được thực hiện từ những năm 1990 do Thanh tra Ngân hàng Nhà nước (NHNN) tiến hành nhằm gián tiếp kiểm tra thông qua tổng hợp, phân tích, đánh giá các báo cáo tình hình hoạt động theo định kỳ của các TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài hoạt động tại Việt Nam; Tiến hành giám sát thường xuyên phát hiện kịp thời các vi phạm, thông báo yêu cầu các TCTD khắc phục ngay và có biện pháp xử lý kịp thời nghiêm túc các vi phạm theo quy định của pháp luật. Luật NHNN năm 1997 quy định Thanh tra ngân hàng là tổ chức thanh tra chuyên ngành về ngân hàng vừa làm chức năng Thanh tra Bộ (giải quyết khiếu nại, tố cáo), vừa làm chức năng thanh tra, giám sát hoạt động đối với các TCTD và hoạt động ngân hàng của các tổ chức khác nhằm đảm bảo an toàn hệ thống các TCTD, bảo vệ quyền lợi người gửi tiền và phục vụ chính sách tiền tệ quốc gia. Quy chế giám sát ngân hàng đối với các TCTD cũng được hình thành qua Quyết định số 398/1999/QĐ-NHNN ngày 9/11/1999 của NHNN về việc ban hành Quy chế giám sát từ xa đối với các TCTD hoạt động tại Việt Nam…
Ngoài ra, các quy định và văn bản quy phạm pháp luật cũng đã được ban hành phục vụ cho công tác thanh tra, giám sát ngân hàng nhằm đảm bảo an toàn hệ thống như Quyết định 493/2005/QĐ-NHNN ngày 22/4/2005 và Quyết định 18/2007/QĐ-NHNN ngày 25/4/2007 về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy định về phân loại nợ, trích lập và sử dụng dự phòng để xử lý rủi ro tín dụng trong hoạt động ngân hàng của TCTD (hiện được thay thế bằng Thông tư 02/2013/TT-NHNN ngày 21/1/2013 và Thông tư 09/2014/TT-NHNN ngày 18/3/2014 về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 02/2013/TT-NHNN về phân loại tài sản có, mức trích, phương pháp trích lập dự phòng rủi ro và việc sử dụng dự phòng để xử lý rủi ro trong hoạt động của TCTD; Quyết định 457/2005/QĐ-NHNN ngày 19/4/2005 quy định về các tỷ lệ bảo đảm an toàn trong hoạt động của TCTD và được thay thế bằng Thông tư 13/2010/TT-NHNN ngày 20/5/2010 và Thông tư 19/2010/TT-NHNN về sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 13/2010/TT-NHNN quy định về các tỷ lệ đảm bảo an toàn trong hoạt động của TCTD). Ngày 20/11/2014, NHNN đã ban hành Thông tư số 36/2014/TT-NHNN về quy định các giới hạn, tỷ lệ bảo đảm an toàn trong hoạt động của các TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài để thay thế các Thông tư 13/2010/TT-NHNN và 19/2010/TT-NHNN, với mức độ bao quát hơn và phù hợp với thông lệ quốc tế…
Để củng cố mô hình thanh tra, giám sát ngân hàng, ngày 27/5/2009, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 83/2009/QĐ-TTg về việc quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng.
Theo đó, thông qua hoạt động giám sát, trong trường hợp phát hiện các vi phạm quy định an toàn hoạt động ngân hàng và quy định của pháp luật có dấu hiệu mất an toàn hoạt động, cơ quan này áp dụng ngay các biện pháp ngăn chặn và xử lý theo thẩm quyền hoặc kiến nghị cơ quan Nhà nước có thẩm quyền xử lý theo quy định của pháp luật.
Mới đây, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 26/2014/NĐ-CP về tổ chức và hoạt động của thanh tra, giám sát ngân hàng và Quyết định số 35/2014/QĐ-TTg về việc quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng, thay thế Quyết định số 83/2009/QĐ-TTg, qua đó đã hoàn chỉnh thêm một bước về tổ chức và hoạt động của thanh tra, giám sát ngân hàng.
Ngoài ra, Luật NHNN năm 2010 được sửa đổi và ban hành tiếp tục là một bước tiến lớn đối với công tác thanh tra, giám sát của NHNN. Trong đó, phương pháp giám sát cũng từng bước được chuyển đổi từ phương pháp giám sát truyền thống (giám sát tuân thủ) sang phương pháp giám sát trên cơ sở rủi ro.
Quy trình giám sát ngân hàng (bao gồm quy trình giám sát an toàn vi mô và vĩ mô) đã được nghiên cứu, xây dựng phù hợp với thông lệ quốc tế và dự kiến ban hành trong thời gian tới.
Ngoài ra, hệ thống các công cụ định lượng phục vụ công tác giám sát an toàn hệ thống đã và đang được cơ quan thanh tra nghiên cứu và ứng dụng phục vụ công tác giám sát an toàn vi mô và giám sát an toàn vĩ mô tại NHNN như: Mô hình dự báo tài chính (FPM); Mô hình đánh giá hiệu quả hoạt động ngân hàng (DEA); Mô hình xếp hạng các TCTD; Bộ chỉ số lành mạnh tài chính (FSI), bộ chỉ số giám sát ngân hàng (BSI)…
Tuy nhiên, Việt Nam hiện vẫn phải đối mặt với không ít thách thức về hệ thống giám sát tài chính. Công nghệ thu thập, xử lý thông tin để phục vụ cho hoạt động giám sát từ xa còn lạc hậu, trong khi hiệu quả hoạt động giám sát tài chính lại phụ thuộc nhiều vào khả năng thu thập thông tin.
Các tiêu chuẩn, chuẩn mực an toàn hoạt động của Việt Nam còn có nhiều sự khác biệt so với thế giới, gây ra khó khăn khi giám sát các tổ chức tài chính quốc tế hoạt động tại Việt Nam. Đặc biệt, các cơ quan giám sát cùng một lúc kiêm nhiệm nhiều chức năng như cấp phép, ban hành cơ chế - chính sách, kiểm tra, thanh tra, giám sát hoạt động của các định chế tài chính nên dễ gây ra xung đột lợi ích và những rủi ro đạo đức trong hoạt động công tác.
Đến nay, vẫn chưa có một quy định chung về cách thức giám sát cho cả hệ thống tài chính, việc giám sát vẫn chưa bao quát được tất cả các lĩnh vực hoạt động của các tập đoàn kinh tế, nhất là tập đoàn tài chính trong nước, các tập đoàn xuyên quốc gia. Đặc biệt, hiện vẫn chưa có một cơ quan giám sát tài chính vĩ mô có đủ thẩm quyền và năng lực để cảnh báo, ngăn ngừa và xử lý hữu hiệu các loại rủi ro của hệ thống tài chính đất nước.
Việc giám sát các định chế tài chính ngày càng trở nên phức tạp, khó khăn đòi hỏi các cơ quan giám sát phải có tầm nhìn toàn cầu và sự phối hợp chặt chẽ trong việc quản lý, cũng như tạo điều kiện cho thị trường tài chính phát triển. Sự phối hợp này phải xuyên suốt từ khâu lập chiến lược phát triển tổng thể thị trường tài chính, sự hợp tác xuyên suốt trong việc quản lý, xử lý những vấn đề của thị trường (nhất là lĩnh vực chứng khoán ngân hàng), cho đến việc giám sát một cách có hiệu quả các đối tượng tham gia và các hoạt động tham gia đan xen trên thị trường.
Đề xuất một số giải pháp
Nhằm nâng cao hơn nữa hiệu quả hoạt động giám sát, theo kịp những yêu cầu và thông lệ quốc tế ngày càng khắt khe, trong thời gian tới, cần thực hiện một số giải pháp như sau:
Một là, xây dựng hệ thống “Giám sát an toàn vĩ mô”, cung cấp tất cả các thông tin cụ thể về một TCTD trong hệ thống, từ các thông tin tổng hợp nhất như: bảng cân đối kế toán; báo cáo tài chính… đến những thông tin về khách hàng đã thu thập được; Tổng hợp chi tiết, cung cấp cho Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng các góc nhìn khác nhau về TCTD đó...
Hai là, xây dựng hệ thống “Cảnh báo sớm khủng hoảng”, đưa ra các cảnh báo về rủi ro đối với một hoặc một nhóm các TCTD ngay cả khi thực hiện thanh tra tại chỗ TCTD đó. Các thông tin được sử dụng để phân tích và đưa ra các cảnh báo sớm chính là các thông tin, chỉ tiêu vi mô thu thập từ các TCTD, cũng như các thông tin chi tiết về khách hàng của TCTD.
Ba là, xây dựng hệ thống “Giám sát, xếp hạng TCTD theo chuẩn CAMELS”, thực hiện và tiến hành đánh giá xếp hạng TCTD theo sáu thành phần: Tỉ lệ an toàn vốn tối thiểu; Chất lượng tài sản, Quản lý, Lợi nhuận, Thanh khoản, và Khả năng ứng phó với rủi ro thị trường.
Bốn là, tiếp tục hoàn thiện mô hình tổ chức, thanh tra, giám sát ngân hàng theo hướng nâng cao tính tập trung, thống nhất từ Trung ương đến địa phương và tăng cường phối hợp với các cơ quan quản lý, giám sát có liên quan ở trong nước và quốc tế. Phát triển hệ thống thanh tra, giám sát ngân hàng hữu hiệu có cơ cấu tổ chức hợp lý và có đủ năng lực, nguồn lực để đảm bảo an toàn hệ thống các TCTD.
Năm là, tăng cường số lượng và chất lượng cán bộ thanh tra, giám sát ngân hàng. Đây là yếu tố then chốt quyết định chất lượng, hiệu quả thanh tra, giám sát và tiến trình đổi mới công tác quản lý, giám sát ngân hàng theo thông lệ, chuẩn mực quốc tế; Tạo dựng và phát triển được đội ngũ cán bộ thanh tra, giám sát ngân hàng có năng lực, trình độ chuyên môn cao đáp ứng yêu cầu phát triển của đất nước.
Tài liệu tham khảo:
1. Ngân hàng Nhà nước, Sổ tay giám sát ngân hàng, Cơ quan Thanh tra, Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng (2012);
2. Trần Đăng Phi và Nguyễn Phi Lân, Ứng dụng phương pháp Gauss-Seidel trong xây dựng mô hình giám sát an toàn hoạt động ngân hàng tại Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng, Đề tài khoa học cấp ngành, Ngân hàng Nhà nước (2015);
3. Ủy ban Kinh tế Quốc hội và UNDP tại Việt Nam. Giám sát hệ thống tài chính: Chỉ tiêu và mô hình định lượng, NXB Tri thức (2013).