Chấp thuận tăng vốn điều lệ 3 ngân hàng
Ngân hàng Nhà nước đã chấp thuận việc tăng vốn điều lệ của Ngân hàng TMCP Phương Đông, Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng và Ngân hàng TMCP Bắc Á.
Cụ thể, Ngân hàng Nhà nước chấp thuận việc Ngân hàng TMCP Phương Đông tăng vốn điều lệ từ 3.547 tỷ đồng lên 4.500 tỷ đồng theo Phương án tăng vốn điều lệ đã được Đại hội đồng cổ đông thông qua tại Nghị quyết số 02/2015/NQ-ĐHĐCĐ ngày 25/4/2015, số 03/2015/NQ-ĐHĐCĐ ngày 01/10/2015.
Ngân hàng nhà nước yêu cầu Ngân hàng TMCP Phương Đông có trách nhiệm thực hiện các thủ tục pháp lý, chế độ thông tin, báo cáo liên quan đến việc việc tăng vốn theo quy định của pháp luật; yêu cầu các cổ đông khi tham gia mua hoặc thực hiện quyền mua cổ phần phải tuân thủ các quy định của pháp luật hiện hành có liên quan. Trường hợp phát hành cổ phần cho nhà đầu tư dẫn đến nhà đầu tư trở thành cổ đông hoặc phát hành cổ phần cho nhà đầu tư nước ngoài, Ngân hàng TMCP Phương Đông phải trình Ngân hàng Nhà nước xem xét, có ý kiến trước khi thực hiện.
Ngân hàng Nhà nước cũng chấp thuận việc Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng tăng vốn điều lệ từ 8.056 tỷ đồng lên 9.181 tỷ đồng theo Phương án tăng vốn điều lệ đã được Đại hội đồng cổ đông Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng thông qua.
Đồng thời, chấp thuận việc Ngân hàng TMCP Bắc Á tăng vốn điều lệ từ 4.400 tỷ đồng lên 5.000 tỷ đồng theo Phương án tăng vốn điều lệ đã được Đại hội đồng cổ đông Ngân hàng TMCP Bắc Á thông qua.
Ngân hàng Nhà nước yêu cầu Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng, Ngân hàng TMCP Bắc Á thực hiện việc tăng vốn theo quy định của pháp luật; giám sát, đảm bảo kịp thời điều chỉnh kế hoạch tăng trưởng tín dụng phù hợp với chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng năm 2015 theo chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước.
Sau khi hoàn tất việc tăng vốn, Ngân hàng TMCP Phương Đông, Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng, Ngân hàng TMCP Bắc Á có trách nhiệm nộp hồ sơ đề nghị sửa đổi mức vốn điều lệ tại Giấy phép hoạt động cho Ngân hàng Nhà nước (qua Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng).
Các văn bản này có hiệu lực trong thời hạn 12 tháng kể từ ngày ký. Trường hợp việc tăng vốn điều lệ chưa hoàn tất trong thời hạn cho phép, nếu Đại hội đồng cổ đông Ngân hàng TMCP Phương Đông, Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng, Ngân hàng TMCP Bắc Á thông qua việc thay đổi phương án tăng vốn điều lệ đã được Ngân hàng Nhà nước chấp thuận, các văn bản này hết hiệu lực pháp lý.