Tăng cường khả năng tiếp cận vốn ngân hàng cho doanh nghiệp nhỏ và vừa

Bài đăng trên Tạp chí Tài chính kỳ 1 tháng 11/2019

Khu vực doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa có vai trò quan trọng đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của mỗi quốc gia. Tuy nhiên, các báo cáo điều tra về hoạt động doanh nghiệp cho thấy, khu vực này đang gặp nhiều rào cản so với các doanh nghiệp có quy mô lớn. Trong những năm qua, Việt Nam đã chứng kiến sự phát triển ấn tượng của các doanh nghiệp nhỏ và vừa. Mặc dù, có vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội, nhưng khu vực doanh nghiệp nhà nước vẫn còn gặp không ít khó khăn trong quá trình duy trì và phát triển. Một trong những trở ngại lớn là khả năng tiếp cận vốn vay từ nguồn chính thức của đối tượng này.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Tiếp cận tín dụng đối với sự tồn tại và phát triển của doanh nghiệp nhỏ và vừa

Nhiều nghiên cứu cho thấy, trong những năm qua, doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) đóng vai trò quan trọng đối với sự phát triển kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, trong quá trình hoạt động, các DNNVV cũng gặp phải nhiều rào cản so với các DN có quy mô lớn. Theo điều tra của Beck và Demirguc-Kunt  (2006) về Môi trường kinh doanh được tiến hành tại 80 quốc gia trong giai đoạn 1999 - 2000, rào cản lớn nhất đối với các DN (bao gồm tất cả DN với các quy mô khác nhau) là tài chính. Wang (2016) cũng có kết luận tương tự khi phân tích dữ liệu từ bộ số liệu điều tra về DN của Ngân hàng Thế giới tiến hành điều tra tại 119 quốc gia trên thế giới.

Ở Việt Nam, thông qua khảo sát 996 DN, Ngân hàng Thế giới (năm 2015) ghi nhận: Tiếp cận tài chính là nhân tố cản trở kinh doanh lớn nhất của DN Việt Nam, với 22% số DN Việt Nam lựa chọn yếu tố này, cao gấp đôi DN khu vực Đông Á - Thái Bình Dương. Tương tự, kết quả khảo sát 2.600 DNNVV thuộc ngành công nghiệp chế biến, chế tạo được thực hiện bởi Viện Nghiên cứu và Quản lý kinh tế Trung ương, UNU-WIDER và Viện Nghiên cứu Lao động và Xã hội (2016) cho thấy, mặc dù chỉ số tiếp cận tín dụng được cải thiện nhưng các DN vẫn cho rằng, vốn và tiếp cận tài chính là trở ngại lớn nhất trong hoạt động sản xuất kinh doanh.

Bên cạnh đó, theo số liệu từ Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia (Hình 1), mặc dù tỷ trọng cung ứng vốn cho nền kinh tế thông qua kênh thị trường tài chính tăng từ 21,6% trong năm 2012 lên mức 36,9% vào cuối năm 2018, tuy nhiên, tỷ lệ này vẫn còn thấp nếu so với tỷ trọng cung ứng vốn cho nền kinh tế từ các tổ chức tín dụng (TCTD). Cụ thể, đến hết năm 2018, tỷ lệ cung ứng vốn từ các TCTD đạt mức 63,1%, và số liệu này phản ánh thực trạng lệ thuộc vào nguồn vốn vay TCTD của phần lớn các DN nói chung và DNNVV nói riêng.

Trong những năm qua, Việt Nam đã chứng kiến sự phát triển ấn tượng của các DNNVV. Cả nước hiện có khoảng 600.000 DNNVV, chiếm khoảng 97% số DN đang hoạt động, hàng năm tạo ra gần 60% việc làm, 44,8% doanh thu, đóng góp khoảng 40% GDP và 29,3% cho ngân sách nhà nước. Mặc dù,  có vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội, nhưng khu vực DNNN vẫn còn gặp không ít khó khăn trong quá trình duy trì và phát triển. Một trong những trở ngại lớn là khả năng tiếp cận vốn vay từ nguồn chính thức của đối tượng này.

Xác định được tầm quan trọng của việc tiếp cận tín dụng đối với sự tồn tại và phát triển của DNNVV, thời gian qua, Chính phủ, các bộ ngành chức năng và Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã có nhiều chính sách hỗ trợ cho đối tượng này. Cụ thể, về mặt pháp lý, Luật Hỗ trợ DNNVV đã được Quốc hội ban hành vào tháng 6/2017, trong đó quy định rõ việc hỗ trợ tiếp cận tín dụng cho các DNNVV thông qua chính sách tăng dư nợ cho vay theo từng thời kỳ và cấp bảo lãnh tín dụng tại Quỹ Bảo lãnh tín dụng DNNVV. Về nguồn cung vốn, các TCTD cũng tích cực và chủ động tiếp cận khu vực DNNVV để cho vay và báo cáo định kỳ thực trạng và khó khăn liên quan để tìm giải pháp khắc phục.

Khung chính sách, pháp luật về tín dụng và hỗ trợ tín dụng đối với DNNVV từng bước được hoàn thiện theo hướng tạo thuận lợi hơn, nhằm tháo gỡ khó khăn cho DN phát triển. Các cơ chế hỗ trợ tiếp cận tín dụng qua hệ thống NHTM cũng dần hoàn thiện, nhằm tăng khả năng tiếp cận tín dụng cho DNNVV. Theo Vụ Tín dụng các ngành kinh tế (NHNN), tính đến cuối tháng 12/2018, tín dụng đối với lĩnh vực DNNVV đạt trên 1,3 triệu tỷ đồng, tăng 15,57% so với cuối năm 2017.

Tăng cường khả năng tiếp cận vốn ngân hàng cho doanh nghiệp nhỏ và vừa - Ảnh 1

Số liệu báo cáo từ các TCTD đến hết tháng 2/2019 cho thấy, tín dụng đối với lĩnh vực DNNVV đạt trên 1,3 triệu tỷ đồng, tăng 9,32% so với cùng kỳ năm 2018. Tính đến cuối tháng 6/2019, dư nợ cho vay DNNVV tăng 6,03% (năm 2018 tăng 15,57%, chiếm 18,2%). Cùng với các kênh trên, khá nhiều chương trình, dự án hỗ trợ tín dụng nói chung và hỗ trợ tín dụng cho DNNVV nói riêng đã được xây dựng và triển khai như: Chương trình ưu đãi tài chính cho ngành công nghiệp hỗ trợ; Chương trình bảo lãnh vay vốn cho dự án sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả tại các DNNVV từ Quỹ Phát triển khoa học và công nghệ quốc gia…

Những vấn đề đặt ra

Mặc dù, cơ chế chính sách đã cơ bản hoàn thiện, tạo điều kiện thuận lợi cho DNNVV trong tiếp cận nguồn vốn tín dụng, tuy nhiên, đánh giá thực tế cho thấy, khu vực DNNVV vẫn khó tiếp cận vốn vay ngân hàng. Theo thống kê của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, khả năng tiếp cận tín dụng của DNNVV qua hệ thống các NHTM còn hạn chế, có đến 70% DNNVV hiện chưa tiếp cận được nguồn vốn tín dụng ngân hàng. Trong đó, hơn 30% DNNVV không thể tiếp cận nguồn vốn ngân hàng và 30% DN khác cho biết, rất khó tiếp cận nguồn vốn này. Gần 70% DNNVV còn lại phải tiếp tục sử dụng nguồn vốn tự có hoặc vay từ nguồn vốn khác với chi phí rất cao, nhiều rủi ro. Tỷ lệ dư nợ cho DNNVV chiếm trung bình khoảng 22 - 25% tổng dư nợ cho vay toàn bộ nền kinh tế trong giai đoạn 2012 - 2017…

Theo đánh giá của các chuyên gia, khu vực DNNVV khó tiếp cận vốn vay ngân hàng là do các nguyên nhân chủ yếu sau:

Về phía các DNNVV

- Mức độ minh bạch thông tin của DNNVV chưa đáp ứng được kỳ vọng của các nhà đầu tư trên thị trường tài chính; thiếu cơ sở dữ liệu đáng tin cậy về DN, đặc biệt là các thông tin về kết quả hoạt động kinh doanh của các DNNVV. Vì vậy, thiếu cơ sở cho các ngân hàng, TCTD đánh giá, thẩm định hồ sơ vay vốn của các DNNVV.

- Trình độ phát triển của các DNNVV còn thấp. Do hạn chế về quy mô và nguồn vốn, nhiều DNNVV vẫn áp dụng công nghệ lạc hậu, trình độ quản trị kém, năng suất lao động thấp, chưa chú trọng đến công tác xây dựng thương hiệu, không quan tâm đến công tác truyền thông và quan hệ với các nhà đầu tư chứng khoán, chưa chú trọng đến công tác đa dạng hoá các nguồn vốn kinh doanh... Những yếu tố trên đã cộng hưởng và làm hạn chế cho năng lực cạnh tranh, khiến DNNVV ít nhận được sự quan tâm đầu tư của các nhà đầu tư chứng khoán.

- DNNNV thường thiếu tài sản đảm bảo, chưa có thói quen mua bảo hiểm rủi ro, thiếu hiểu biết về cơ chế, chính sách, sản phẩm - dịch vụ và các gói của các định chế tài chính, các chương trình bảo lãnh, hỗ trợ của chính phủ/hiệp hội.

Về phía các tổ chức tín dụng

- Các TCTD chưa có các sản phẩm dịch vụ chuyên biệt cho nhóm khách hàng DNNVV, các sản phẩm chưa đa dạng, linh hoạt, thủ tục tín dụng còn rườm rà, phức tạp cũng là một trong những “rào cản” khiến TCTD chưa thể giải ngân.

- Sự đa dạng và quy mô vốn của các nhà đầu tư tổ chức tại Việt Nam còn thấp, dữ liệu tại Việt Nam cho thấy số lượng, chủng loại và quy mô vốn hoạt động của các quỹ đầu tư hiện vẫn còn rất khiêm tốn.

- Các loại hình định chế tài chính trung gian khác phát triển chậm, phạm vi và quy mô hoạt động vẫn còn nhỏ và chủ yếu chỉ tập trung vào các DN lớn đang niêm yết. Điều này phần nào cũng ảnh hưởng đến khả năng đa dạng hoá các kênh huy động vốn của phần lớn các DNNVV.

Đề xuất, giải pháp

Để giải quyết bài toán về vốn cho DNNVV hiện nay, cần tập trung thực hiện một số giải pháp, như sau:

Thứ nhất, Chính phủ cần thành lập nhiều tổ chức chuyên trách hỗ trợ các DNNVV trên nhiều lĩnh vực. Các tổ chức chuyên trách này hỗ trợ các DNNVV vượt qua các khó khăn về tài chính, công nghệ, nguồn nhân lực, thị trường, chất lượng sản phẩm… theo hướng khuyến khích DNNVV phát triển. Các chính sách khuyến khích, hỗ trợ cần được thực hiện nhất quán, linh hoạt, có hiệu quả và xuyên suốt quá trình phát triển của hệ thống DNNVV.

Thứ hai, có cơ chế chia sẻ thông tin của các bên liên quan, bao gồm cả các cơ quan thuế, đăng ký DN, thông tin tín dụng ngân hàng..., giúp các ngân hàng và DNNVV chia sẻ, minh bạch thông tin; phục vụ việc đánh giá, xếp hạng tín nhiệm DNNVV tốt hơn.

Thứ ba, việc  thực hiện hỗ trợ tín dụng không nên triển khai một cách đại trà, cần có chọn lọc, có trọng tâm, trọng điểm. Việc hỗ trợ DNNVV tiếp cận tín dụng cần được nhìn nhận như một cấu phần trong hệ thống hỗ trợ tổng thể cho DNNVV. Nếu việc hỗ trợ tín dụng tiến hành riêng lẻ, không kèm theo các chương trình hỗ trợ khác như nâng cao năng lực, đào tạo, ưu đãi thuế, tài chính và các chương trình cải thiện môi trường kinh doanh thì hiệu quả sẽ tương đối giới hạn.

Theo Vụ Tín dụng các ngành kinh tế (Ngân hàng Nhà nước), tính đến cuối tháng 12/2018, tín dụng đối với lĩnh vực doanh nghiệp nhỏ và vừa đạt trên 1,3 triệu tỷ đồng, tăng 15,57% so với cuối năm 2017. Số liệu báo cáo từ các tổ chức tín dụng đến hết tháng 2/2019 cho thấy, tín dụng đối với lĩnh vực doanh nghiệp nhỏ và vừa đạt trên 1,3 triệu tỷ đồng, tăng 9,32% so với cùng kỳ năm 2018. Tính đến cuối tháng 6/2019, dư nợ cho vay doanh nghiệp nhỏ và vừa tăng 6,03% (năm 2018 tăng 15,57%, chiếm 18,2%).

Thứ tư, trong thời đại Cách mạng công nghiệp 4.0 để hỗ trợ DNNVV tiếp cận các nguồn tài chính, tín dụng cần tích cực triển khai các giải pháp công nghệ mới nhằm giảm chi phí, nâng cao hiệu quả và tính minh bạch của chương trình. Cần nghiên cứu và tạo điều kiện cho sự phát triển của những loại hình định chế tài chính trung gian mới như: Ngân hàng đầu tư, Quỹ đầu tư mạo hiểm, Quỹ đầu tư DNNVV. Kinh nghiệm cho thấy, tại các thị trường tài chính phát triển, các loại hình định chế tài chính trung gian phi ngân hàng phát triển rất mạnh và là nơi thu xếp vốn chủ yếu cho các DN khởi nghiệp và những DNNVV mới thành lập trong những lĩnh vực sáng tạo cao, đột phá. Việc phát triển các loại hình định chế tài chính trung gian nêu trên sẽ tạo điều kiện kết nối trực tiếp những ý tưởng kinh doanh mới của các DN khởi nghiệp với các nhà đầu tư trên thị trường tài chính, từ đó giải quyết bài toán vốn cho các DNNVV.

Thứ năm, tiếp tục phát huy hơn nữa vai trò huy động vốn của thị trường chứng khoán trong việc cung ứng vốn trung dài hạn cho các DNNVV. Đặc biệt, cần đẩy mạnh quá trình phát triển thị trường trái phiếu DN. Hiện nay, có rất ít DN khai thác được nguồn vốn này và vì vậy dư địa phát triển của thị trường trái phiếu DN là rất lớn.

Thứ sáu, các DNNVV cần phải khắc phục tình trạng kém minh bạch thông tin để xây dựng niềm tin với không chỉ các TCTD mà còn với các nhà đầu tư tài chính, các quỹ đầu tư chứng khoán và các định chế tài chính trung gian khác. Khi các nhà đầu tư trên thị trường tài chính có đầy đủ thông tin phục vụ cho việc quản trị rủi ro, họ sẽ mạnh dạn đầu tư vào các chứng khoán do DNNVV phát hành, qua đó tạo vốn cho các DNNVV, giúp các DNNVV từng bước đa dạng hoá được các nguồn vốn phục vục cho quá trình phát triển của mình.  

Tài liệu tham khảo:

Chính phủ (2016), Báo cáo kinh nghiệm quốc tế về hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa;

Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Cục Phát triển doanh nghiệp, Kế hoạch phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa lần 2;

CIEM (2018), Đổi mới phương thức hỗ trợ tín dụng cho doanh nghiệp nhỏ và vừa: Kinh nghiệm quốc tế và một số kiến nghị cho Việt Nam;

Quỹ Hỗ trợ Phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa (2017), “Hoạt động hỗ trợ tài chính đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa của Quỹ Phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa sau 01 năm chính thức hoạt động”;

Nguyễn Thế Bính (2013), Kinh nghiệm quốc tế về chính sách hỗ trợ phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa và bài học cho Việt Nam.