Tăng cường kiểm soát chi ngân sách nhà nước
Kiểm soát đối với chi thường xuyên luôn được Kho bạc Nhà nước ưu tiên trong thực hiện nhiệm vụ được giao. Cùng với đó, Kho bạc Nhà nước các cấp cũng tăng cường kiểm soát chi mua sắm tài sản nhà nước, thanh toán vốn đầu tư từ nguồn ngân sách... với phương châm vừa chặt chẽ, đúng tiêu chuẩn, định mức, vừa tạo điều kiện để đẩy nhanh công tác giải ngân vốn, nhất là vốn đầu tư công.
Kiểm soát chặt chi thường xuyên
Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài chính, Kho bạc Nhà nước (KBNN) đã chỉ đạo, quán triệt các đơn vị trong toàn hệ thống nghiêm túc triển khai nhiều giải pháp đồng bộ để tăng cường kiểm soát chi năm 2017.
Trong tổng chi NSNN, chi thường xuyên hiện vẫn chiếm tỷ lệ lớn, do đó, việc kiểm soát chi đối với các khoản chi thường xuyên luôn được ưu tiên hàng đầu. Theo KBNN, việc kiểm soát thanh toán các khoản chi thường xuyên NSNN được thực hiện với nhiều nguyên tắc. Trước tiên, các khoản chi phải có dự toán được cấp có thẩm quyền phê duyệt, đúng nội dung, mục đích, đúng định mức tiêu chuẩn theo quy định của pháp luật.
Đối với các khoản kinh phí mua sắm, sửa chữa đã bố trí trong dự toán ngân sách giao đầu năm nhưng đến ngày 30/6/2017 chưa triển khai thực hiện hoặc chưa phê duyệt dự toán hoặc chưa phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu, KBNN nơi giao dịch tạm dừng thanh toán, đồng thời tổng hợp báo cáo về KBNN bằng văn bản trước ngày 3 hàng tháng để tổng hợp báo cáo Bộ Tài chính.
Bên cạnh đó, KBNN các tỉnh chỉ đạo các đơn vị thuộc và trực thuộc thực hiện kiểm soát các khoản chi bằng tiền mặt; hướng dẫn các đơn vị sử dụng ngân sách, chủ đầu tư, ban quản lý dự án đăng ký nhu cầu rút tiền mặt với KBNN và kiên quyết từ chối thanh toán các khoản chi bằng tiền mặt do đơn vị sử dụng ngân sách, chủ đầu tư, ban quản lý dự án đề nghị không đúng đối tượng.
Trong kiểm soát chi mua sắm tài sản nhà nước, việc kiểm soát thanh toán các khoản chi càng được thực hiện chặt chẽ hơn căn cứ theo định mức, tiêu chuẩn, kế hoạch và tuân thủ theo những quy định về mua sắm tập trung, hồ sơ thanh toán,... Đơn cử, đối với việc mua xe ô tô chuyên dùng của các cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc Trung ương quản lý bao gồm các cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, KBNN nơi giao dịch căn cứ vào định mức xe ô tô chuyên dùng do Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan Trung ương ban hành và văn bản thống nhất ý kiến của Bộ Tài chính.
Trường hợp Bộ Công an đã ban hành các văn bản quy phạm pháp luật quy định về tiêu chuẩn, định mức xe ô tô chuyên dùng của các cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc và trực thuộc, đơn vị không phải gửi đến KBNN nơi giao dịch văn bản thống nhất ý kiến của Bộ Tài chính. Đối với các cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc địa phương quản lý, KBNN nơi giao dịch căn cứ vào định mức xe ô tô chuyên dùng do Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành và văn bản thống nhất ý kiến của Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh. KBNN nơi giao dịch không thực hiện thanh toán đối với kinh phí mua xe ô tô từ nguồn vốn vay nước ngoài trong khuôn khổ các chương trình/dự án sử dụng vốn vay ODA, vốn vay ưu đãi, vốn vay thương mại (trừ trường hợp dự án đã được quy định mua ô tô trong Hiệp định).
Chủ động cùng chủ đầu tư đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công
Đầu tháng 8/2017, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 70/NQ-CP về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công. Để đảm bảo công tác kiểm soát thanh toán vốn đầu tư được kịp thời, đúng quy định, góp phần đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công năm 2017 theo Nghị quyết này của Chính phủ, nhiều giải pháp cũng đã được thực hiện.
KBNN cho biết, các dự án khởi công mới thuộc kế hoạch năm 2017 sử dụng vốn cân đối ngân sách địa phương, vốn trái phiếu Chính phủ, vốn ODA và vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài, các dự án thuộc chương trình mục tiêu quốc gia, vốn đầu tư từ nguồn thu sử dụng đất, vốn từ nguồn thu để lại cho đầu tư nhưng chưa đưa vào cân đối NSNN chỉ được thanh toán khi có quyết định của cấp có thẩm quyền phê duyệt dự án đầu tư hoặc báo cáo kinh tế kỹ thuật đến ngày 30/9/2017, trừ trường hợp được Thủ tướng Chính phủ cho phép. Các dự án khác thực hiện theo quy định hiện hành.
Đối với dự án không thuộc đối tượng tiết kiệm 10% tổng mức đầu tư theo Nghị quyết số 70, KBNN kiểm soát thanh toán cho dự án theo đề nghị của chủ đầu tư, trên cơ sở kế hoạch vốn được cấp có thẩm quyền giao, tổng mức đầu tư đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt hoặc tổng mức đầu tư đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt điều chỉnh (nếu có) và theo đúng quy định của pháp luật hiện hành. Đối với dự án thuộc đối tượng tiết kiệm 10% tổng mức đầu tư, KBNN kiểm soát thanh toán trong phạm vi kế hoạch vốn được giao và theo văn bản phê duyệt điều chỉnh tổng mức đầu tư, hoặc tiết kiệm tổng mức đầu tư của cấp có thẩm quyền (nếu có).
Trong công tác kiểm soát chi các chương trình, dự án sử dụng vốn ODA và vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ thuộc kế hoạch năm 2017, khi nhận được giấy đề nghị hạch toán ghi thu ghi chi của chủ dự án, KBNN các tỉnh khẩn trương thực hiện kiểm soát, ký chấp nhận đề nghị ghi thu ghi chi và kịp thời hạch toán ghi thu ghi chi cho chương trình, dự án vào hệ thống TABMIS.
Với các dự án đầu tư thuộc kế hoạch năm trước được cấp có thẩm quyền cho phép kéo dài thời gian thực hiện, thanh toán sang năm 2017, KBNN các cấp kiểm soát thanh toán theo đúng danh mục dự án và mức vốn được Bộ Kế hoạch và Đầu tư thông báo được phép kéo dài.
Về thời gian, KBNN các tỉnh chỉ đạo cán bộ kiểm soát chi nâng cao tinh thần trách nhiệm trong thực hiện nhiệm vụ, thực hiện kiểm soát hồ sơ ngay khi chủ đầu tư, ban quản lý dự án gửi đến theo quy định; tuyệt đối không được để tồn đọng bất kỳ hồ sơ thanh toán nào tại KBNN mà không rõ lý do; đối với các dự án đủ điều kiện giải ngân, phải đảm bảo thời gian kiểm soát thanh toán chậm nhất là 3 ngày làm việc.
Cùng với đó, KBNN các cấp thường xuyên đôn đốc các chủ đầu tư thực hiện đúng quy định về việc tạm ứng và thu hồi vốn tạm ứng; phối hợp với chủ đầu tư thực hiện kiểm tra vốn đã tạm ứng để thu hồi những khoản tồn đọng chưa sử dụng hoặc sử dụng không đúng mục đích; chủ động phối hợp với chủ đầu tư kịp thời tháo gỡ các vướng mắc, khó khăn nhằm đẩy nhanh tiến độ giải ngân và thu hồi vốn tạm ứng nhằm giảm số dư tạm ứng vốn đầu tư tại KBNN.