Agribank:

Tăng cường mắt xích liên kết trong phát triển tổ vay vốn ở địa bàn nông thôn

PV.

Nhờ áp dụng thành công mô hình tổ vay vốn, Agribank không những tăng trưởng mạnh mẽ dư nợ cho vay nông nghiệp, tiết kiệm chi phí và nhân lực mà tỷ lệ nợ xấu cũng rất thấp.

 Người dân có bát ăn bát để nhờ hiệu quả của mô hình tổ vay vốn
Người dân có bát ăn bát để nhờ hiệu quả của mô hình tổ vay vốn

Sau 05 năm phối hợp với Trung ương Hội Nông dân Việt Nam, Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam triển khai Nghị quyết liên tịch, đến nay, hệ thống tổ vay vốn của Agribank được triển khai khắp các thôn, bản, vùng sâu, vùng xa trên mọi miền Tổ quốc, trở thành kênh dẫn vốn và quản lý vốn hiệu quả, giúp người nông dân từng bước phát triển sản xuất kinh doanh, có cơ hội đổi đời và làm giàu trên mảnh đất quê hương.

Cánh tay nối dài của ngân hàng đến nông dân

Với lợi thế gần dân, hiểu dân, các tổ vay vốn ở các địa phương thời gian qua đã giúp cho người nông dân được tiếp cận gần hơn với các dịch vụ vốn vay ngân hàng.

Thông qua mô hình tổ vay vốn cơ sở, vốn của ngân hàng đến đúng địa chỉ, giúp nhiều đối tượng vay có cơ hội thoát nghèo, vươn lên làm giàu. Vì thế, tổ vay vốn được ví như “cánh tay nối dài” của hệ thống ngân hàng. 

Cho đến nay, trong hệ thống tổ chức tín dụng, Agribank là Ngân hàng Thương mại triển khai cho vay thông qua số lượng tổ vay vốn nhiều nhất. Kết quả khả quan này có phần đóng góp lớn của các tổ vay vốn thông qua Hội Nông dân, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam.

Chỉ tính sau hơn 05 năm triển khai thực hiện thỏa thuận giữa Agribank với Trung ương Hội Nông dân Việt Nam, Trung ương Hội liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, đến nay hệ thống tổ vay vốn của Agribank được triển khai tại 53 chi nhánh với 35.935 tổ đang hoạt động với trên 939.000 thành viên tham gia.

Tổng dư nợ Agribank cho vay thông qua tổ vay vốn đạt 44.400 tỷ đồng, nợ xấu chiếm 0,2%. Bình quân mỗi tổ có 23 tổ viên, dư nợ bình quân mỗi tổ quản lý 995 triệu đồng.

Nhiều chi nhánh trong hệ thống Agribank triển khai mô hình cho vay thông qua tổ vay vốn hiệu quả như: Bắc Giang, Nam Định, Ninh Bình, Bình Thuận, Gia Lai, Hà Tây, Hà Tĩnh, Phú Yên, Tây Ninh, Thái Bình, Thanh Hóa, Tiền Giang, Quảng Trị…

Mô hình tổ vay vốn hiệu quả đã tạo ra nhiều cơ hội, tranh thủ được sự đồng tình, ủng hộ của cấp ủy, chính quyền địa phương và tổ chức đoàn thể các cấp.

Từ thực tế hoạt động, mô hình tổ vay vốn luôn được đánh giá cao về hiệu quả nhờ chuyển tải đồng vốn đến tay bà con nông dân một cách thuận lợi và nhanh chóng nhất, sử dụng vốn vay và thanh toán nợ, lãi đúng thời hạn, không xảy ra tình trạng chiếm dụng vốn, nợ đọng vốn vay, đồng thời tránh được những tiêu cực hoặc tình trạng “cò” tín dụng ở nông thôn.

Tổ vay vốn còn là nơi để bà con nông dân gửi gắm niềm tin, chia sẻ kinh nghiệm sản xuất kinh doanh…  Qua đó, các hộ trong tổ nhóm liên kết giúp đỡ nhau trong sản xuất, sử dụng vốn có hiệu quả để nâng cao thu nhập, tạo tính cộng đồng ngày càng gắn bó, tạo niềm tin của người dân đối với các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước.

Thành công từ sự gắn kết

Xây dựng mối quan hệ gắn bó, lâu dài từ thời điểm năm 1997, Agribank đã củng cố mối quan hệ mật thiết với Trung ương Hội Nông dân Việt Nam và Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam thông qua Nghị quyết Liên tịch số 2308/NQLT-1999 ngày 09/10/1999 với Trung ương Hội Nông dân Việt Nam và Nghị quyết Liên tịch số 02/NQLT/2000 ngày 05/10/2000 với Trung ương Hội liên hiệp Phụ nữ Việt Nam.

Để kịp thời triển khai thực hiện chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn theo Nghị định 41/2010/NĐ-CP ngày 12/4/2010 của Chính phủ một cách sâu rộng, có hiệu quả Agribank đã ký kết văn bản thỏa thuận liên ngành số 799 ngày 19/10/2010 phối hợp với Trung ương Hội Nông dân Việt Nam và văn bản thỏa thuận số 15 ngày 15/11/2010 phối hợp với Trung ương Hội liên hiệp Phụ nữ  Việt Nam.

Theo đó, Agribank chi nhánh tỉnh, huyện đã thống nhất nội dung và ký kết văn bản thỏa thuận với Hội Nông dân, Hội liên hiệp Phụ nữ cùng cấp để triển khai thực hiện Nghị định số 41/2010/NĐ-CP tại địa phương.

Ngày 09 tháng 6 năm 2015 Chính phủ ban hành Nghị định số 55/2015/NĐ-CP về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn thay thế Nghị định 41/2010/NĐ-CP ngày 12/4/2010.

Để phù hợp với Nghị định mới, ngày 31/7/2015 Agribank ban hành văn bản số 515/QĐ-HĐTV-HSX về Quy chế cấp tín dụng phục vụ chính sách phát triển nông nghiệp, nông thôn theo Nghị định 55/2015/NĐ-CP của Chính phủ, đồng thời ngày 07/10/2015 Agribank đã có văn bản số 3734/HĐTV-HSX gửi Bí thư tỉnh ủy và Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh với nội dung đề nghị Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân tỉnh tiếp tục quan tâm, chỉ đạo, giúp đỡ Agribank trong việc triển khai các chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn.

Agribank cũng ban hành những quy định về hạn mức tín dụng, điều chỉnh thời hạn và số tiền vay là những điều kiện phù hợp nhằm đáp ứng nhu cầu vốn vay của khách hàng tham gia tổ vay vốn, giúp cho khâu thủ tục hồ sơ vay vốn trở nên đơn giản, gọn nhẹ hơn.

Trong những năm qua, các cấp Hội Nông dân và Hội Phụ nữ tại nhiều địa phương đã tích cực phối hợp tuyên truyền, thành lập các tổ vay vốn ở cơ sở theo địa bàn dân cư giúp cho hội viên, nông dân, phụ nữ có điều kiện tiếp cận nguồn vốn để phát triển kinh tế gia đình. Mô hình này được triển khai hiệu quả cho thấy sự gắn kết chặt chẽ giữa Agribank với các cấp ủy, chính quyền địa phương trong phối hợp triển khai chủ trương, chính sách của Đảng, Chính phủ, …

Trao đổi với ông Hoàng Văn Lưu - Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Thanh Hóa được biết, từ tỉnh đến xã thành lập ban chỉ đạo do 01 đồng chí Phó Chủ tịch UBND làm trưởng ban.

Nhờ đó đã nắm bắt được sát tình hình, nhu cầu cần vốn của nhân dân cũng như hướng dẫn kịp thời cho người dân sử dụng vốn vay đạt được hiệu quả cao nhất.

Các hộ nông dân nhờ tiếp cận được nguồn vốn ngân hàng, từ chỗ sản xuất, chăn nuôi với quy mô nhỏ, giờ đây đã phát triển với quy mô sản xuất hàng hóa lớn hơn, xuất hiện ngày càng nhiều mô hình sản xuất, kinh doanh theo mô hình trang trại, góp phần đẩy nhanh quá trình phát triển kinh tế nông nghiệp, nông thôn.

Củng cố điểm tựa cho người dân 

Agribank là Ngân hàng vào cuộc nhanh chóng và tích cực nhất triển khai mô hình tổ vay vốn. Bởi ngay sau khi Ngân hàng Nhà nước và Trung ương Hội Nông dân Việt Nam ký kết Nghị quyết về việc phối hợp thực hiện chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn theo Nghị định 41/2010/NĐ-CP của Chính phủ (hiện nay đã được thay thế bởi Nghị định số 55/2015/NĐ-CP ngày 09 tháng 06 năm 2015 của Chính phủ về chính sách tín dụng phát triển nông nghiệp, nông thôn), Agribank đã có những bước đi bài bản.

Cùng với việc triển khai ký Thỏa thuận liên ngành với Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam và Trung ương Hội Nông dân Việt Nam, Agribank đã kịp thời ban hành các văn bản có liên quan về hướng dẫn cho vay thông qua tổ vay vốn và được các chi nhánh trong toàn hệ thống quán triệt, triển khai cụ thể tại các địa phương.

Có thể thấy, hoạt động cho vay hộ sản xuất, kinh doanh qua tổ vay vốn đã góp phần tích cực vào việc phát triển kinh tế của địa phương. Tuy nhiên, đây là nguồn vốn vay tín dụng phát triển nông nghiệp, nông thôn ở vùng khó khăn nên các cấp Hội cũng như người nông dân, hội viên Hội Nông dân và Hội Phụ nữ đều mong muốn có cơ chế đặc thù cho các hội viên trong việc thẩm định vay vốn, đơn giản hóa các thủ tục hành chính, tạo điều kiện để hội viên tiếp cận nguồn vốn nhanh nhất.

Nhằm tăng cường sự phối hợp chặt chẽ và kịp thời xử lý các khó khăn, vướng mắc để hệ thống tổ vay vốn và các chi nhánh nơi cho vay triển khai cho vay qua tổ ngày càng có hiệu quả, Agribank và Trung ương Hội Nông dân việt Nam và Trung ương Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam ký lại thỏa thuận giữa hai bên về việc tổ chức thực hiện Nghị định số 55/2015/NĐ-CP ngày 09 tháng 06 năm 2015 của Chính phủ về chính sách tín dụng phát triển nông nghiệp, nông thôn.

Mục đích của việc ký kết thỏa thuận liên ngành lần này là hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi cho hộ gia đình là hội viên Hội Nông dân Việt Nam và Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam vay vốn và sử dụng các dịch vụ tại Agribank để phát triển sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, tiêu dùng nhằm nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống.

Đây là cơ hội giúp cho hội viên Hội Nông dân Việt Nam và Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam nêu cao tinh thần đoàn kết, hợp tác, giúp đỡ nhau trong việc sử dụng vốn vay đúng mục đích, có hiệu quả.

Thông qua việc ký kết thỏa thuận này, Agribank góp phần tăng lượng khách hàng, mở rộng đầu tư phát triển nông nghiệp, nông thôn, nâng cao năng lực tài chính, chất lượng tín dụng, hiệu quả kinh doanh và quảng bá thương hiệu. Việc nâng quan hệ hợp tác giữa Agribank với Hội Nông dân và Hội Phụ nữ lên một tầm cao mới, là điều kiện thuận lợi để các bên triển khai các cơ chế, chính sách tín dụng về phát triển NNNT của Đảng và Nhà nước một cách sâu rộng, có hiệu quả, góp phần thực hiện thành công Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp của Chính phủ.