Tăng cường phối hợp trong đấu tranh phòng, chống mua bán tiền giả

Theo Nguyễn Lê/nhandan.vn

Thời gian qua, tình trạng sản xuất, mua bán tiền giả diễn ra tại nhiều địa phương ảnh hưởng đến an ninh tiền tệ và gây bức xúc trong dư luận xã hội. Nhiều vụ sản xuất và mua bán tiền giả đã bị phát hiện, bắt giữ và xét xử với các bản án nghiêm khắc. Tuy nhiên, hoạt động tội phạm này vẫn có chiều hướng gia tăng, đòi hỏi các cơ quan chức năng cần vào cuộc mạnh mẽ hơn nữa, nhất là tăng cường công tác phối hợp, điều tra nhằm ngăn chặn hữu hiệu.

Tiền giả do cơ quan chức năng thu giữ. Ảnh: dangcongsan.vn
Tiền giả do cơ quan chức năng thu giữ. Ảnh: dangcongsan.vn

Ngày 3/10/2022, Công an tỉnh Thanh Hóa khởi tố bị can, bắt tạm giam Quách Thị Huyền, 46 tuổi và Lê Quốc Bảo, 36 tuổi, đều trú tại TP. Hồ Chí Minh để điều tra về tội tàng trữ, lưu hành tiền giả. Trước đó, khoảng 19 giờ ngày 3/9/2022, Huyền và Bảo đi xe ô-tô từ tỉnh Hòa Bình sang địa phận thôn Tân Long, xã Cẩm Long, huyện Cẩm Thủy (Thanh Hóa), vào một quán ven đường dùng tiền giả mệnh giá 500.000 đồng mua hàng với giá 130.000 đồng để nhận lại 370.000 đồng tiền thật. Công an thu trên xe của hai nghi phạm hơn 200 triệu đồng tiền giả.

Khám xét chỗ ở của hai người này tại TP. Hồ Chí Minh, cơ quan chức năng thu thêm một tỷ đồng tiền giả. Mở rộng chuyên án, Công an tỉnh Thanh Hóa phối hợp Công an tỉnh Hòa Bình thu thêm 2,3 tỷ đồng tiền giả đều loại mệnh giá 500 nghìn đồng, được Huyền giấu tại xã Yên Trị, huyện Yên Thủy (Hòa Bình). Theo điều tra ban đầu, nhiều người dân khu vực miền núi các tỉnh Hòa Bình, Thanh Hoá đã bị hai đối tượng trên lừa gạt bằng thủ đoạn mua hàng.

Mặc dù nhiều vụ án đã được điều tra và đưa ra xét xử với những hình phạt nghiêm khắc, nhưng tình hình sản xuất, mua bán tiền giả với số lượng lớn vẫn diễn ra tại nhiều địa phương. Ngày 23/8/2022, TAND TP. Hồ Chí Minh đã mở phiên sơ thẩm xét xử và tuyên phạt Diệp Ðình Minh (sinh năm 1991, ngụ tại Bình Thuận) 19 năm tù về tội "Làm, lưu hành tiền giả", Hồ Hoàng Long (sinh năm 1979, ngụ tại Ðồng Nai) 17 năm tù, Hồ Văn Hoàng Giang (sinh năm 1992, ngụ tại huyện Hóc Môn) 13 năm tù cùng về tội "Lưu hành tiền giả".

Liên quan vụ án, bị cáo Võ Văn Sang (sinh năm 1985, ngụ tại Kiên Giang) bị phạt bốn năm tù về tội "Tàng trữ tiền giả". Các bị cáo buộc phải nộp lại tiền thu lợi bất chính. Quá trình điều tra xác định, đầu năm 2021, Diệp Ðình Minh tìm hiểu và biết được cách thức làm tiền giả nên đã mua các dụng cụ, phương tiện như máy scan mầu, máy ép nhiệt, máy cắt giấy... để sản xuất tiền giả. Trong khoảng thời gian từ cuối tháng 10/2021 cho đến khi bị bắt, Minh đã làm và bán cho Hồ Hoàng Long, Hồ Văn Hoàng Giang và Nguyên (không rõ lai lịch) hơn 525 triệu đồng tiền giả với giá 72,5 triệu đồng.

Các đối tượng mua bán tiền giả thường giao dịch qua tài khoản mạng xã hội để thống nhất số lượng, giá cả, phương thức giao dịch và phương thức thanh toán; sử dụng tài khoản ảo, sim rác để che giấu nhân thân, lai lịch...

Theo cơ quan chức năng, tội phạm sản xuất, mua bán tiền giả vẫn đang diễn biến phức tạp. Các đối tượng thường sử dụng tài khoản Facebook, Zalo, trang Fanpage… đăng tải thông tin quảng cáo, mua bán tiền giả công khai trên không gian mạng với đủ mệnh giá. Chỉ cần tìm kiếm với một số từ khóa như "tiền giả", "triệu giả", "polime", "T.I.Ề.N.G.I.Ả"..., người dùng mạng xã hội có thể dễ dàng tìm thấy thông tin quảng cáo, rao bán tiền giả. Thủ đoạn các đối tượng thường sử dụng là dùng kỹ thuật quay phim, chụp ảnh để quảng cáo, tạo niềm tin với người hám lợi, muốn sử dụng những đồng tiền giả, bằng những nội dung như: "mua một triệu đồng tiền thật được 10 triệu đồng tiền giả", "tiền giả giống tiền thật đến 99%", "tiêu dùng thoải mái không lo phát hiện"… nhằm lừa đảo, chiếm đoạt tài sản của người dân. Các đối tượng mua bán tiền giả thường giao dịch qua tài khoản mạng xã hội để thống nhất số lượng, giá cả, phương thức giao dịch và phương thức thanh toán; sử dụng tài khoản ảo, sim rác để che giấu nhân thân, lai lịch gây khó khăn cho công tác điều tra, xử lý.

Bộ Công an khuyến cáo người dân tuyệt đối không được sản xuất, tàng trữ, vận chuyển, lưu hành tiền giả, vì đây là những hành vi vi phạm pháp luật hình sự. Căn cứ theo Ðiều 207 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017), người vi phạm có thể bị phạt tù từ ba năm đến 12 năm; phạm tội trong trường hợp tiền giả có giá trị tương ứng từ 50 triệu đồng trở lên thì bị phạt tù từ 10 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân. Khi người dân phát hiện tiền giả và các hành vi như làm, tàng trữ, vận chuyển, lưu hành tiền giả, đề nghị thông báo kịp thời đến cơ quan chức năng (công an, biên phòng, hải quan…); đồng thời, giao nộp tiền giả cho các cơ quan chức năng nêu trên hoặc Ngân hàng Nhà nước nơi gần nhất để xử lý theo quy định của pháp luật.

Theo các chuyên gia trong lĩnh vực tài chính, để công tác phòng, chống tiền giả, bảo vệ tiền Việt Nam đạt hiệu quả cao và toàn diện, cần thiết bổ sung thêm lực lượng chức năng tham gia và tăng cường trách nhiệm của các bộ, ngành, tổ chức, cá nhân trong công tác phòng, chống tiền giả và bảo vệ tiền Việt Nam.

Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cho biết, thực tiễn công tác phòng, chống tiền giả cho thấy, phạm vi hoạt động của tội phạm làm tiền giả ngày càng rộng, bao gồm cả nội địa và khu vực biên giới đất liền và vùng biển.

Tuy nhiên, trong văn bản quy phạm pháp luật điều chỉnh công tác phòng, chống tiền giả và bảo vệ tiền Việt Nam (Quyết định số 130/2003/QÐ-TTg ngày 30/6/2003 của Thủ tướng Chính phủ về việc bảo vệ tiền Việt Nam) chỉ quy định công tác phối hợp giữa lực lượng công an, bộ đội biên phòng và lực lượng hải quan. Do vậy, cần nghiên cứu, bổ sung trách nhiệm tham gia của lực lượng quân đội nhân dân, như lực lượng cảnh sát biển, lực lượng điều tra hình sự quân đội... nhằm tăng cường phối hợp giữa các đơn vị chức năng của cơ quan công an, lực lượng quân đội nhân dân, cơ quan hải quan và Ngân hàng Nhà nước Việt Nam trong công tác phòng, chống tiền giả, góp phần hạn chế rủi ro về tiền giả cho các tổ chức, cá nhân giao dịch trong xã hội và bảo vệ giá trị đồng tiền Việt Nam.