Tăng cường phòng ngừa trấn áp tội phạm trong lĩnh vực quản lý thuế và hóa đơn

PV. (t/h)

Việc triển khai hóa đơn điện tử (HĐĐT) trên toàn quốc đã góp phần làm thay đổi phương thức quản lý, cách thức phục vụ người dân của cơ quan thuế nói riêng và cơ quan quản lý nhà nước nói chung. Tuy nhiên, hiện nay, các loại tội phạm kinh tế, tham nhũng, buôn lậu đã và đang dần có sự “thích ứng” với việc sử dụng các phương thức, thủ đoạn phạm tội mới, tình hình mua bán, sử dụng trái phép hóa đơn vẫn đang có chiều hướng diễn biến ngày một phức tạp.

Hội thảo khoa học “Quản lý, phát hành, sử dụng hóa đơn điện tử - Những vấn đề đặt ra trong công tác phòng ngừa, điều tra tội phạm về kinh tế, tham nhũng, buôn lậu trong tình hình hiện nay”  (ngày 24/5)
Hội thảo khoa học “Quản lý, phát hành, sử dụng hóa đơn điện tử - Những vấn đề đặt ra trong công tác phòng ngừa, điều tra tội phạm về kinh tế, tham nhũng, buôn lậu trong tình hình hiện nay” (ngày 24/5)

Phát biểu tại Hội thảo khoa học “Quản lý, phát hành, sử dụng hóa đơn điện tử - Những vấn đề đặt ra trong công tác phòng ngừa, điều tra tội phạm về kinh tế, tham nhũng, buôn lậu trong tình hình hiện nay” do Học viện Cảnh sát Nhân dân phối hợp với Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu (Bộ Công an) và Tổng cục Thuế (Bộ Tài chính) tổ chức ngày 24/5, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế Mai Sơn cho rằng, việc triển khai HĐĐT trên toàn quốc đã góp phần làm thay đổi phương thức quản lý, cách thức phục vụ người dân của cơ quan thuế nói riêng và cơ quan quản lý nhà nước nói chung theo hướng tự động và ngăn chặn kịp thời hóa đơn của các doanh nghiệp (DN) bỏ trốn, mất tích; phòng chống tình trạng gian lận thuế, trốn thuế... từ đó tạo lập môi trường kinh doanh lành mạnh, bình đẳng.

Theo Phó Tổng cục trưởng Mai Sơn, thực hiện quy định tại Luật Quản lý thuế, Nghị định số 123/2020/NĐ-CP, từ ngày 1/7/2022, các DN, tổ chức và cá nhân kinh doanh đã chuyển đổi sang sử dụng HĐĐT thay cho hóa đơn giấy truyền thống. Sau gần 2 năm triển khai, tính đến nay đã có 100% DN, tổ chức và hộ, cá nhân kinh doanh hạch toán theo phương pháp kê khai chuyển đổi sang sử dụng HĐĐT. Thống kê đến thời điểm này, cơ quan thuế đã tiếp nhận và xử lý gần 7,2 tỷ hóa đơn (gồm hơn 2 tỷ hóa đơn có mã và gần 5,2 tỷ hóa đơn không mã). Hệ thống HĐĐT đã vận hành ổn định, thông suốt 24/7 và đem lại lợi ích thiết thực cho người dân và DN.

Tuy nhiên, trong thời gian qua vẫn còn một số DN, tổ chức, cá nhân đã thực hiện những hành vi vi phạm pháp luật, thành lập DN không để sản xuất kinh doanh mà để thực hiện hành vi bán hóa đơn khống để thu lợi bất chính, một số DN thực hiện hành vi mua hóa đơn không hợp pháp để chiếm đoạt thuế của Nhà nước và nhiều các mục đích khác nhau mang một số đặc điểm cơ bản như: Kê khai khấu trừ thuế giá trị gia tăng (GTGT) đầu vào, giảm số thuế GTGT phải nộp ngân sách nhà nước (NSNN); Sử dụng hóa đơn để hợp thức hóa cho hàng hóa trôi nổi, hợp thức hoá hàng buôn lậu, tham ô, lập khống chi phí phát sinh, làm giảm chi phí dẫn đến giảm thu nhập chịu thuế và thuế TNDN phải nộp NSNN; Sử dụng hóa đơn đầu vào để tăng số thuế được hoàn...

Trước tình hình trên, trong thời gian qua, Tổng cục Thuế đã chỉ đạo cơ quan Thuế các cấp tăng cường quản lý thuế, thanh tra, kiểm tra việc thực hiện pháp luật thuế của người nộp thuế; Tăng cường phối hợp với cơ quan chức năng trong công tác phòng, chống tội phạm trong lĩnh vực thuế như các hành vi trốn thuế, lừa đảo chiếm đoạt tiền hoàn thuế; mua, bán và sử dụng trái phép hoá đơn; chống thất thu cho NSNN, đảm bảo công bằng xã hội.

Thống kê, chỉ tính riêng năm 2023, cơ quan thuế cũng đã chuyển hồ sơ sang cơ quan Công an kiến nghị điều tra, khởi tố: 88 hồ sơ; và cũng nhận được 4.416 yêu cầu cung cấp hồ sơ của cơ quan Công an đề nghị cung cấp hồ sơ, tài liệu liên quan đến lĩnh vực thuế của người nộp thuế phục vụ công tác quản lý, trấn áp tội phạm kinh tế của cơ quan Công an. Sau khi tiếp nhận đề nghị, cơ quan thuế đã kịp thời phối hợp cung cấp hồ sơ cho cơ quan Công an theo đúng quy định.

Trong đó, có thể kể đến một số vụ án điển hình trong công tác phối hợp giữa 2 cơ quan như: Vụ án mua bán hóa đơn GTGT không hợp pháp do Nguyễn Minh Tú cầm đầu, Vụ án mua bán hóa đơn của đối tượng Trương Xuân Đước; vụ án Hoàng Đặng Ngọc Mỹ Trang và đồng phạm can tội “In, phát hành, mua bán trái phép hóa đơn” và “Trốn thuế”...

Hiện nay, cơ quan Thuế đã xây dựng Bộ tiêu chí đánh giá rủi ro về HĐĐT, phát triển các ứng dụng công nghệ thông tin để xử lý các dữ liệu về HĐĐT, hỗ trợ nhận diện được người nộp thuế có rủi ro cao về sử dụng HĐĐT để đưa ra cảnh báo, xử lý nếu có vi phạm hoặc chuyển sang cơ quan Công an đối với trường hợp thuộc diện rủi ro cao có dấu hiệu tội phạm để phối hợp điều tra và xử lý nếu phát hiện vi phạm.

Thượng tá, PGS.TS. Phạm Tiến Dũng - Trưởng Khoa Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu, môi trường (Học viện Cảnh sát Nhân dân) cũng cảnh báo, các loại tội phạm kinh tế, tham nhũng, buôn lậu đã và đang dần có sự “thích ứng” với việc sử dụng các phương thức, thủ đoạn phạm tội mới, tình hình mua bán, sử dụng trái phép hóa đơn vẫn đang có chiều hướng diễn biến ngày một phức tạp. Không chỉ vậy, tình trạng mua bán, sử dụng hóa đơn bất hợp pháp còn là nguyên nhân dẫn đến sự phức tạp của tình hình về tội phạm kinh tế, tham nhũng, buôn lậu.

Trước tình hình đó, Phó Tổng cục trưởng Mai Sơn cho biết, trong thời gian tới, Tổng cục Thuế tiếp tục chỉ đạo cơ quan thuế các cấp bám sát nội dung về việc thực hiện Chương trình phối hợp số 01/CTPH-BTC-BCA ngày 28/12/2022 giữa Bộ trưởng Bộ Tài chính và Bộ trưởng Bộ Công an tiếp tục triển khai Thông tư liên tịch số 85/2016/TTLT-BTC-BCA ngày 20/6/2016 quy định về phối hợp công tác bảo vệ an ninh quốc gia và bảo đảm trật tự, an toàn xã hội trong lĩnh vực tài chính giai đoạn 2022-2025; tiếp tục tăng cường phối hợp trao đổi thông tin, tài liệu, dữ liệu, kết quả khởi tố điều tra,… giữa 2 cơ quan một cách kịp thời trong việc phòng ngừa trấn áp tội phạm trong lĩnh vực quản lý thuế và hóa đơn.