Tăng cường quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường trên địa bàn tỉnh Đồng Nai
Bảo vệ môi trường là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, của toàn xã hội, trong đó các cấp chính quyền địa phương, doanh nghiệp, cộng đồng và người dân có vai trò quan trọng. Nhận thức rõ những thách thức, áp lực trong công tác bảo vệ môi trường, UBND tỉnh Đồng Nai đã tập trung chỉ đạo quyết liệt, triển khai đồng bộ các biện pháp cũng như tăng cường quản lý nhà nước để giảm thiểu, khắc phục ô nhiễm môi trường.

UBND tỉnh Đồng Nai vừa ban hành Công văn số 1098/UBND-KTN về việc tiếp tục tăng cường công tác quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường trên địa bàn tỉnh Đồng Nai.
Theo đó, UBND tỉnh Đồng Nai chỉ đạo UBND các huyện, thành phố tiếp tục hoàn thiện hiện trạng hạ tầng kỹ thuật, phương tiện, trang thiết bị thu gom vận chuyển và hoạt động xử lý chất thải rắn sinh hoạt theo Đề án Quản lý chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn Tỉnh đã được UBND tỉnh Đồng Nai phê duyệt tại Quyết định số 3263/QĐ-UBND ngày 13/12/2023.
Trong đó, UBND tỉnh Đồng Nai giao UBND các huyện, thành phố tập trung rà soát lại các trạm trung chuyển theo đề xuất, căn cứ theo tình hình thực tế địa phương, báo cáo UBND Tỉnh điều chỉnh số lượng, tiến độ đầu tư cải tạo các trạm trung chuyển; khẩn trương xây dựng kế hoạch, đề xuất lộ trình đầu tư, xây dựng và đưa vào hoạt động các điểm san tiếp, trạm trung chuyển đảm bảo yêu cầu kỹ thuật; làm việc với Sở Tài chính để cân đối, bố trí kinh phí hoặc huy động nguồn vốn xã hội hóa để đáp ứng công tác quản lý chất thải rắn sinh hoạt; chịu trách nhiệm lựa chọn các tổ chức, cá nhân tham gia vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt, đảm bảo các điều kiện về phương tiện, nhân lực thực hiện vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt sau phân loại của địa phương.
Cùng với đó, UBND các huyện, thành phố vận động các tổ thu gom, cá nhân tham gia thu gom nhỏ lẻ chuyển đổi hình thức hoạt động, thành lập hợp tác xã hoặc doanh nghiệp có pháp nhân để đảm bảo các điều kiện vay vốn hỗ trợ chuyển đổi phương tiện thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt từ nguồn vốn Quỹ Bảo vệ môi trường; đồng thời, chỉ đạo quyết liệt thực hiện việc phân loại chất chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn của các hộ gia đình, khu thương mại - dịch vụ, công sở, khu công cộng và dịch vụ vệ sinh công cộng, cơ sở sản xuất. Qua đó, nhắc nhở và tiến hành xử lý vi phạm đối với các trường hợp không thực hiện phân loại chất thải rắn sinh hoạt hoạt tại nguồn, bỏ rác không đúng nơi quy định.
Đối với các dự án Nhà máy xử lý rác thải sinh hoạt phát điện, Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Đồng Nai đôn đốc các nhà đầu tư đẩy nhanh tiến độ lập báo cáo nghiên cứu khả thi dự án đốt rác phát điện theo hình thức đối tác công tư (PPP) tại Khu xử lý Vĩnh Tân, huyện Vĩnh Cửu; dự án tại Khu xử lý Túc Trưng, huyện Định Quán của Công ty Cổ phần Năng lượng Môi trường Đồng Nai. Còn các sở, ngành có liên quan chủ động phối hợp trong quá trình thực hiện các nhiệm vụ và tập trung hỗ trợ các nhà đầu thực hiện các thủ tục pháp lý; tiếp tục chỉ đạo ưu tiên đẩy nhanh tiến độ các dự án chuyển đổi công nghệ xử lý chất thải còn lại trên địa bàn Tỉnh để sớm đi vào hoạt động...
Sở Kế hoạch và Đầu tư ưu tiên bố trí vốn đầu tư cho các dự án đã được chấp thuận chủ trương đầu tư và đang trong giai đoạn chuẩn bị đầu tư như: Dự án Thoát nước và xử lý nước thải huyện Nhơn Trạch giai đoạn 1, công suất 16.000 m3/ngày đêm; Dự án Tuyến thu gom nước thải từ các hộ dân dẫn về Nhà máy xử lý nước thải sinh hoạt tập trung 3.000 m3/ngày đêm tại phường Hố Nai; Dự án Hệ thống thoát nước và xử lý nước thải sinh hoạt tập trung thị trấn Trảng Bom giai đoạn ưu tiên, công suất 2.000 m3/ngày đêm; Dự án Hệ thống thoát nước và xử lý nước thải sinh hoạt tập trung thị trấn Long Thành giai đoạn ưu tiên, công suất 1.000 m3/ngày đêm...