Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội

Thanh Tú

Ngày 04/01/2023, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định 05/QĐ-TTg về việc phê duyệt Chiến lược phát triển Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) đến năm 2030. Chiến lược nêu rõ quan điểm tín dụng chính sách xã hội là giải pháp quan trọng thực hiện các chủ trương, chính sách, mục tiêu, nhiệm vụ của Đảng, Nhà nước về tăng trưởng kinh tế đi đôi với thực hiện công bằng xã hội, thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia cũng như phát triển kinh tế - xã hội của Đất nước.

Nhà nước tập trung nguồn lực cho Ngân hàng Chính sách xã hội để thực hiện các chương trình tín dụng chính sách xã hội
Nhà nước tập trung nguồn lực cho Ngân hàng Chính sách xã hội để thực hiện các chương trình tín dụng chính sách xã hội

Chiến lược hướng tới Mục tiêu tổng quát nhằm phát triển NHCSXH thành tổ chức có khả năng tự chủ và phát triển ổn định lâu dài, đồng thời duy trì được vai trò là định chế tài chính công thực hiện các chính sách xã hội của Chính phủ, tập trung vào những lĩnh vực mà các tổ chức tài chính hoạt động theo nguyên tắc thị trường không thể đáp ứng hoặc chỉ đáp ứng được một phần. Nhà nước tập trung nguồn lực cho NHCSXH để thực hiện các chương trình tín dụng chính sách xã hội phù hợp với các chương trình mục tiêu quốc gia và các nội dung của chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Chương trình cũng đặt ra mục tiêu cụ thể là thực hiện có hiệu quả mô hình tổ chức và phương thức quản lý tín dụng chính sách đặc thù của NHCSXH. Tăng cường nguồn lực cho NHCSXH để thực hiện các chương trình tín dụng chính sách xã hội. Trong đó: (i) tăng trưởng vốn tín dụng đầu tư phát triển của Nhà nước bình quân hằng năm khoảng 10%; (ii) cơ cấu nguồn vốn theo hướng ổn định, bền vững, hằng năm tăng dần tỷ trọng nguồn vốn có nguồn gốc từ ngân sách nhà nước và nguồn vốn từ phát hành trái phiếu NHCSXH được Chính phủ bảo lãnh.

Bên cạnh đó, thực hiện tốt các chương trình tín dụng chính sách xã hội được Chính phủ giao và các chương trình tín dụng do các địa phương, các tổ chức, đơn vị giao vốn ủy thác; 100% người nghèo và các đối tượng chính sách khác có nhu cầu, đủ điều kiện đều được tiếp cận các sản phẩm, dịch vụ tài chính do NHCSXH cung cấp; Phấn đấu tỷ lệ nợ quá hạn dưới 2%/tổng dư nợ.

Chiến lược nêu rõ, một trong số các nhóm nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm để thực hiện các mục tiêu nói trên là tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội. Các nhiệm vụ, giải pháp cụ thể gồm:

Một là, tiếp tục tổ chức nghiên cứu, phổ biến, quán triệt sâu rộng nội dung Chỉ thị số 40-CT/TW ngày 22/11/2014 và Kết luận số 06-KL/TW ngày 10/6/2021 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội tới 100% các tổ chức, cơ sở đảng nhằm nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên và nhân dân về vị trí, vai trò của tín dụng chính sách xã hội.

Hai là, chủ động đề xuất, tham mưu cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành trung ương, cấp ủy, chính quyền địa phương các cấp, phối hợp chặt chẽ với các tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác trong việc tổ chức triển khai thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW và Kết luận số 06-KL/TW của Ban Bí thư.

Ba là, phát huy vai trò, trách nhiệm giám sát, phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội trong việc thực hiện tín dụng chính sách xã hội.

Bên cạnh nhóm nhiệm vụ, giải pháp về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội, Quyết định số 05/QĐ-TTg cũng nêu rõ các nhóm nhiệm vụ giải pháp khác để thực hiện Chiến lược phát triển NHCSXH đến năm 2030 gồm: Hoàn thiện khuôn khổ pháp lý, cơ chế, chính sách, các quy định liên quan đến tổ chức, hoạt động tín dụng chính sách xã hội của NHCSXH; Tập trung nguồn lực cho NHCSXH để thực hiện có hiệu quả các chương trình tín dụng chính sách xã hội; Triển khai thực hiện tốt các chương trình tín dụng chính sách xã hội được giao; Duy trì và phát huy hiệu quả mô hình tổ chức và phương thức quản lý tín dụng chính sách đặc thù; Nâng cao chất lượng, hiệu lực, hiệu quả hoạt động của hệ thống kiểm tra, giám sát; Đa dạng hóa sản phẩm, dịch vụ với các tính năng hiện đại, chi phí hợp lý, phù hợp với đối tượng khách hàng của NHCSXH; Nâng cao năng lực tài chính đảm bảo sự phát triển ổn định, bền vững của NHCSXH; Chú trọng phát triển nguồn nhân lực theo hướng chất lượng cao đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ…