Vốn vay tín dụng chính sách tạo đòn bẩy cho người dân thoát nghèo

Theo Tâm Bình/Báo Đồng Khởi

Trong những năm qua, bằng sự nỗ lực vươn lên của chính hộ gia đình và sự “tiếp sức” kịp thời từ nguồn vốn ưu đãi của Ngân hàng Chính sách xã hội (CSXH) Chi nhánh tỉnh Bến Tre, hàng ngàn hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác trên địa bàn tỉnh có thêm “đòn bẩy” tạo ra sinh kế bền vững, đẩy mạnh phát triển sản xuất, kinh doanh, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống. Nhiều hộ vươn lên ổn định cuộc sống, góp phần thúc đẩy thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội, xây dựng nông thôn mới.

Cán bộ Ngân hàng CSXH Chi nhánh tỉnh giải ngân tín dụng cho hộ dân tại xã Phú Nhuận, TP. Bến Tre. Ảnh: Tâm Bình
Cán bộ Ngân hàng CSXH Chi nhánh tỉnh giải ngân tín dụng cho hộ dân tại xã Phú Nhuận, TP. Bến Tre. Ảnh: Tâm Bình

Tạo sinh kế bền vững

Với hộ gia đình anh Phạm Anh Tân (sinh năm 1974), ngụ Ấp 1, xã Phú Nhuận, TP. Bến Tre, nguồn vốn vay ưu đãi như “chiếc phao cứu sinh” giúp gia đình anh vượt qua khó khăn. Trước đây, kinh tế gia đình anh chỉ trông chờ vào vài gốc bưởi già cỗi và 5 con dê để nuôi lấy thịt.

Do không có vốn đầu tư chăm sóc, mở rộng chuồng trại chăn nuôi nên kinh tế gia đình eo hẹp, cảnh nghèo “thiếu trước hụt sau” cứ thế đeo bám nhiều năm. Năm 2020, thông qua kênh ủy thác của Hội Nông dân (HND) xã, anh Tân vay 50 triệu đồng để phát triển mô hình chăn nuôi dê thịt và dê sinh sản.

Có vốn vay với lãi suất thấp, gia đình anh Tân an tâm làm ăn, mở rộng, xây dựng chuồng trại kiên cố để tăng sản lượng đàn dê. Anh Tân vui mừng nói, nguồn vốn chính sách thực sự là “điểm tựa”, là “đòn bẩy” cho những hộ khó khăn về vốn như tôi vươn lên làm giàu chính đáng. Từ hộ chăn nuôi dê nhỏ lẻ, vài con, hiện anh Tâm có tổng đàn dê hơn 90 con (trong đó có khoảng 30 con dê sinh sản), mang về nguồn thu nhập ổn định trung bình 120 triệu đồng mỗi năm sau khi đã trừ chi phí.

Trong cuộc bình xét vay vốn gần đây của Chi HND Ấp 1, xã Phú Nhuận, bà Đặng Thị Liền (sinh 1968) đã được giải ngân 20 triệu đồng để cải tạo 4.000m2 dừa xiêm. Bà Liền chia sẻ, hiện tại giá dừa đang xuống thấp nhưng giá phân bón, công lao động lại tăng cao, người dân gặp khó khăn trong việc cải tạo vườn cây để phục hồi sản xuất cho vụ mùa sau. Nhờ có nguồn tín dụng chính sách được giải ngân, nông dân giảm nỗi lo phải “vay nóng” bên ngoài để làm ăn.

Bà Liền cho hay, tất cả giao dịch về hồ sơ, nhận vốn, đóng lãi, trả nợ đều được thực hiện ở điểm giao dịch tại UBND xã Phú Nhuận vào ngày cố định hàng tháng, ngay cả cuối tuần hay nghỉ lễ. Khoảng cách gần, thủ tục đơn giản, minh bạch, lãi suất thấp lại được giao dịch trực tiếp với các giao dịch viên giúp người dân tiết kiệm về thời gian và an tâm hơn.

Chủ tịch HND xã Phú Nhuận Nguyễn Thị Em cho biết: Với phương châm “Trao cần câu, không trao con cá”, các hoạt động tín dụng CSXH đã “tiếp vốn” đến tận tay các hộ nghèo, hộ cận nghèo và đối tượng chính sách, tạo động lực cho các hộ phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập, thoát nghèo bền vững. Để tạo điều kiện cho các đối tượng cần vốn làm ăn tiệm cận với các nguồn vốn chính sách, Ngân hàng CSXH Chi nhánh tỉnh đã tăng cường nâng cao chất lượng hoạt động ủy thác qua các tổ chức như HND, Hội Phụ nữ, Hội Cựu chiến binh, Đoàn Thanh niên… Từ đó, kịp thời giải ngân vốn vay giúp các hộ nghèo, khó khăn, gia đình chính sách đầu tư sản xuất. Riêng HND xã Phú Nhuận, hiện có tổng dư nợ hơn 5 tỷ đồng, với hơn 200 hộ vay.

Sử dụng vốn vay hiệu quả

Theo Chủ tịch HND xã Phú Nhuận, là tổ chức chính trị được ủy thác cho hội viên vay vốn ưu đãi với số lượng lớn, HND địa phương tích cực làm tốt công tác tuyên truyền, từ đó giúp các hộ nắm bắt đầy đủ chính sách và thuận lợi khi tiếp cận nguồn vốn vay. Quy trình bình xét cho vay được tổ chức công khai, dân chủ tại các tổ tiết kiệm và vay vốn trên địa bàn xã do hội quản lý. Qua đó thẩm định điều kiện và mục đích cho từng trường hợp để xét vay từ 10 - 50 triệu đồng/hộ vay.

Theo bà Nguyễn Thị Em, đa phần người dân trên địa bàn vay để chăn nuôi, trồng trọt, sản xuất nông nghiệp, mua bán nhỏ. Sau thời gian giải ngân vốn vay, các đơn vị liên quan sẽ phối hợp đến tìm hiểu thực tế từng hoàn cảnh, kiểm tra nguồn vốn, tổ chức các buổi tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật, phương thức làm ăn, giới thiệu, kết nối tạo chuỗi sản xuất, thị trường tiêu thụ giúp các hộ vay sử dụng vốn thật sự hiệu quả.

Theo thống kê, tính đến hết tháng 5/2022, Ngân hàng CSXH Chi nhánh  tỉnh đã giải ngân 657,8 tỷ đồng vốn tín dụng ưu đãi cho 19.352 hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách khác. Trong đó, để tập trung cho vay vốn phục vụ sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm tăng thu nhập, Ngân hàng CSXH Chi nhánh tỉnh đã phối hợp với chính quyền, đoàn thể cơ sở triển khai rà soát nhu cầu vay vốn của hộ nghèo, hộ cận nghèo qua điều tra theo chuẩn mới giai đoạn 2022 - 2025 và hộ mới thoát nghèo.

Cụ thể, đã giải quyết cho 1.607 hộ nghèo vay 76,9 tỷ đồng và 2.283 hộ cận nghèo vay 118,6 tỷ đồng, giải ngân cho 1.076 hộ mới thoát nghèo với tổng số tiền 56 tỷ đồng. Đối với các xã thuộc vùng khó khăn, Ngân hàng CSXH Chi nhánh tỉnh triển khai cho vay 1.713 hộ sản xuất, kinh doanh vùng khó khăn vay tổng số tiền 74,5 tỷ đồng,

Phó giám đốc Ngân hàng CSXH Chi nhánh tỉnh Nguyễn Mạnh Hoài đánh giá, trong thời gian qua, đơn vị phối hợp với chính quyền, đoàn thể để nguồn vốn vay đến đúng đối tượng thụ hưởng, đúng người có nhu cầu vay; đồng thời, người vay sử dụng vốn đúng mục đích và phát huy hiệu quả, góp phần tạo việc làm, tăng thu nhập, cải thiện cuộc sống.

Việc triển khai kịp thời, hiệu quả các chương trình tín dụng chính sách là một trong những giải pháp góp phần ngăn chặn và hạn chế người dân tiếp cận vay “tín dụng đen”, đảm bảo an ninh, trật tự xã hội tại địa phương. Từ đó, giúp cho địa phương thực hiện tốt chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững và xây dựng nông thôn mới.

Nguyễn Mạnh Hoài - Phó giám đốc Ngân hàng CSXH Chi nhánh tỉnh Bến Tre “Trong thời gian tới, Ngân hàng CSXH Chi nhánh tỉnh sẽ đẩy mạnh tuyên truyền các chính sách tín dụng ưu đãi rộng rãi trong nhân dân để người dân nắm chính sách và tham gia thụ hưởng chính sách khi có nhu cầu. Ngoài ra, sẽ phối hợp với các sở, ban ngành, đoàn thể, địa phương rà soát, khảo sát nắm bắt nhu cầu; xây dựng kế hoạch cho vay đáp ứng kịp thời nhu cầu vay của hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác. Tiếp tục triển khai tốt hơn hoạt động giao dịch tuyến xã; nâng cao chất lượng hoạt động ủy thác qua các tổ chức chính trị - xã hội và chất lượng hoạt động tổ tiết kiệm và vay vốn; tăng cường quan tâm đến các xã, phường chưa có nhiều người dân tiếp cận tín dụng chính sách”.