Tăng cường thu hút đầu tư vào kinh tế du lịch của tỉnh Lâm Đồng
Việc gia nhập Hiệp định Đối tác Kinh tế xuyên Thái Bình Dương (TPP) và Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) mở ra cơ hội thu hút khách du lịch và đưa Việt Nam trở thành điểm đến hấp dẫn của các nhà đầu tư. Tận dụng triển vọng đó cùng với lợi thế và tiềm năng vốn có, Tây Nguyên nói chung và tỉnh Lâm Đồng nói riêng đang tập trung đẩy mạnh phát triển ngành công nghiệp du lịch, đưa du lịch trở thành ngành kinh tế trọng điểm. Tuy nhiên, mục tiêu này đòi hỏi cần có chiến lược thu hút nguồn vốn đầu tư vào lĩnh vực này.
Thực trạng ngành kinh tế du lịch Lâm Đồng
Trong xu thế mở cửa, hội nhập kinh tế quốc tế, Chính phủ luôn xác định du lịch có tầm quan trọng đặc biệt, là “ngành kinh tế mũi nhọn” trong quá trình hiện đại hóa và thúc đẩy tăng trưởng nhanh, bền vững nền kinh tế đất nước. Với Tây Nguyên nói chung và tỉnh Lâm Đồng nói riêng, phát triển du lịch là hướng đi chiến lược, phù hợp với tiềm năng địa phương và là con đường tất yếu của quá trình công nghiệp hoá, hiện đại hóa.
Thống kê cho thấy, đến hết năm 2015, toàn tỉnh Lâm Đồng đã thu hút được 228 dự án du lịch, với tổng số vốn đăng ký khoảng 70.300 tỷ đồng. Các doanh nghiệp kinh doanh du lịch đã tích cực đầu tư nâng cấp sản phẩm dịch vụ, nâng cao chất lượng phục vụ. Đến nay, cơ sở vật chất ngày càng được mở rộng và nâng cấp với 33 khu điểm du lịch, 45 đơn vị kinh doanh lữ hành - vận chuyển, 875 cơ sở lưu trú với 14.058 phòng, đã đáp ứng được nhu cầu của khách du lịch khi đến Lâm Đồng.
Nhịp độ tăng trưởng khách du lịch tại tỉnh Lâm Đồng phát triển đều qua các năm đạt khoảng 11%, lượng khách và doanh thu xã hội từ du lịch năm sau cao hơn năm trước. Giai đoạn từ 2011-2015, tỉnh Lâm Đồng đã đón hơn 17 triệu du khách, trong đó có gần 1 triệu khách quốc tế, thu nhập xã hội từ du lịch đạt khoảng 30 nghìn tỷ đồng, tạo việc làm cho khoảng 10.000 lao động. Ngành kinh tế du lịch phát triển đã tạo điều kiện cho một số ngành khác cùng phát triển và từng bước khẳng định vị thế là ngành động lực của Tỉnh.
Tuy nhiên, thực trạng phát triển du lịch ở tỉnh Lâm Đồng và các tỉnh Tây Nguyên những năm gần đây cho thấy, nhận thức về vai trò của các yếu tố tạo ra sản phẩm du lịch hấp dẫn vẫn chưa rõ ràng, vẫn chưa có sự kết hợp giữa sản phẩm du lịch và kêu gọi vốn đầu tư. Do vậy, để Lâm Đồng ngày càng thu hút nhiều vốn đầu tư từ các nhà đầu tư trong và ngoài nước, qua đó giúp ngành công nghiệp du lịch Lâm Đồng thực sự trở thành “con gà đẻ trứng vàng” cho kinh tế địa phương, đóng góp nhiều hơn cho ngân sách nhà nước, cần nghiên cứu các yếu tố thu hút khách du lịch, trong đó có sản phẩm du lịch bởi trong phát triển ngành công nghiệp du lịch, sản phẩm du lịch quyết định hiệu quả kinh doanh của du lịch. Hiệu quả kinh doanh du lịch càng cao thu hút vốn đầu tư càng lớn. Do vậy, việc đưa ra một mô hình nghiên cứu nhằm nhận diện mối liên hệ giữa sản phẩm du lịch và hiệu quả thu hút vốn đầu tư là vô cùng quan trọng, từ đó có thể gợi mở cho chính quyền địa phương các giải pháp nhằm thu hút vốn đầu tư hiệu quả hơn.
Mô hình và phương pháp nghiên cứu
Mô hình nghiên cứu với giả thuyết là các yếu tố tạo ra sản phẩm du lịch càng tốt, khi đó sản phẩm du lịch sẽ có độ hấp dẫn cao. Điều này sẽ làm gia tăng sức hấp dẫn của các nhà đầu tư trong và ngoài nước khi quyết định đổ vốn đầu tư vào tỉnh Lâm Đồng. Dựa vào bảng đánh giá mức độ kỳ vọng của du khách, tác giả xây dựng mô hình nghiên cứu như sau:
Theo đó, sản phẩm du lịch được tạo ra bởi nhiều yếu tố như: tài nguyên thiên nhiên, tài nguyên nhân văn, cơ sở vật chất - cơ sở hạ tầng, môi trường kinh tế-xã hội. Tất cả yếu tố trên được kết hợp lại sẽ tạo ra một sản phẩm du lịch đặc trưng của từng vùng. Các sản phẩm du lịch dù có khác nhau ở các địa phương, nhưng đều thống nhất ở chỗ có sự phối kết hợp của các yếu tố trên. Do vậy, có thể đưa ra các giả thuyết sau đây: H1 - Các yếu tố tạo ra sản phẩm du lịch tốt có tương quan thuận với sản phẩm du lịch hấp dẫn; H2 - Sản phẩm du lịch hấp dẫn có tương quan thuận với việc hấp dẫn các nhà đầu tư.
Bên cạnh đó, sản phẩm du lịch hấp dẫn sẽ thu hút lượng khách du lịch ngày càng lớn, khiến doanh thu và lợi nhuận của các địa phương ngày càng tăng gia tăng nhờ vào việc duy trì lòng trung thành của du khách. Theo chuyên gia marketing hàng đầu thế giới Philip Kotler, nếu gia tăng thêm được 5% mức độ lòng trung thành của khách du lịch, lợi nhuận thu về cho địa phương có thể gia tăng từ 25 đến 125%. Do đó, tại một địa phương nếu có các sản phẩm du lịch hấp dẫn sẽ tạo ra tỷ suất lợi nhuận cao hơn so với các địa phương không có những sản phẩm du lịch hấp dẫn và đó chính là động lực tốt nhất hấp dẫn các nhà đầu tư tìm đến.
Về phương pháp, nghiên cứu thực hiện thông qua việc sử dụng phương pháp nghiên cứu sơ bộ và định tính với bảng câu hỏi thu thập thông tin về sản phẩm du lịch cho 260 phiếu với 200 du khách trong nước và 60 du khách nước ngoài, tỷ lệ thu được đủ độ tin cậy (84,05%). Dựa trên cơ sở lý thuyết và những mô hình nghiên cứu đề xuất, tác giả tiến hành phỏng vấn trực tiếp, thảo luận nhóm với đối tượng là các nhà quản lý du lịch tại Đà Lạt, du khách tham quan tại Đà Lạt thông qua bảng câu hỏi định tính được chuẩn bị từ trước nhằm xác định, hiệu chỉnh và bổ sung các yếu tố cấu thành sản phẩm du lịch với các tiêu chí như: Tài nguyên thiên nhiên, tài nguyên nhân vân văn, cơ sở vật chất du lịch, cơ sở hạ tầng và yếu tố môi trường kinh tế - xã hội của địa phương, đồng thời tham khảo Ý kiến đánh giá của du khách về các sản phẩm du lịch cần được đa dạng hóa tại địa phương.
Bên cạnh đó, nghiên cứu cũng sử dụng phương pháp nghiên cứu chính thức/nghiên cứu định lượng và được thực hiện thông qua các bước: Thu tập dữ liệu thông qua bảng câu hỏi chính thức đã được phát triển từ quá trình nghiên cứu định tính; Nhập và xử lý bằng phần mềm SPSS 16.0; Sử dụng kết quả nghiên cứu và kỹ thuật phân tích dữ liệu thống kê và nghiên cứu khoa học để điều chỉnh mô hình nghiên cứu; Phân tích mô hình hồi quy đa biến, kiểm định các giả thiết và đưa ra kết luận.
Kết quả nghiên cứu
Qua nghiên cứu trên, có thể thấy khách du lịch đánh giá mức độ quan trọng của các yếu tố của sản phẩm du lịch rất cao, đó là các yếu tố: danh lam thắng cảnh, khí hậu, cơ sở lưu trú, giá cả và đặc biệt là sự thân thiện của dân địa phương, thái độ phục vụ của nhân viên. Từ những số liệu trên đòi hỏi các nhà quản lý cần đưa ra các chiến lược và chính sách phù hợp nhằm tạo ra các sản phẩm du lịch tốt nhất để thỏa mãn khách hàng. Trong đó, bên cạnh việc phát triển sản phẩm du lịch cần phải quan tâm công tác bảo vệ tài nguyên nhân văn và môi trường để đảm bảo sự bình ổn và phát triển bền vững.
Theo kết quả nghiên cứu, khách du lịch đánh giá rất cao về mức độ quan trọng của sản phẩm du lịch. Các sản phẩm đó là: Loại hình du lịch tham quan, các sản phẩm đặc trưng (đặc sản) của địa phương, loại hình du lịch sinh thái, các tour du lịch, du lịch nghỉ dưỡng (điểm trung bình từ 3,35 - 3,91). Với thang đo này, các nhà qui hoạch và nhà quản lý cần phải mạnh dạn đầu tư vào các sản phẩm được đánh giá có mức độ quan trọng cao.
Theo Bảng 2, khảo sát của du khách về đánh giá thực trạng các yếu tố sản phẩm du lịch Lâm Đồng ở mức độ bình thường và kém. Tuy nhiên, yếu tố khí hậu, sự thân thiện của người dân, các công trình kiến trúc và mức độ an toàn là tốt (3,48 - 4,21), đây là những lợi thế của du lịch Đà Lạt – Lâm Đồng cần được phát huy. Đối với các yếu tố như: Trình độ và tính chuyên nghiệp của nhân viên còn rất hạn chế (2,12), dịch vụ vui chơi giải trí thì được đánh giá là rất thấp (2,03). Thực tế ở Lâm Đồng cũng cho thấy, nhiều điểm du lịch chưa có dịch vụ vui chơi giải trí ngoài ngắm cảnh và mua sắm, ý thức bảo vệ môi trường của người dân địa phương thì quá kém (2.03 – 2.15). Đây là vấn đề mà các nhà quản lý và các nhà kinh doanh khai thác du lịch Lâm Đồng phải đặc biệt lưu tâm và xử lý kịp thời.
Kết quả khảo sát ở trên cho thấy, thực trạng về sản phẩm du lịch Lâm Đồng còn rất hạn chế về loại hình như: Du lịch nông nghiệp, du lịch tìm hiểu lịch sử văn hóa còn rất kém, điểm trung bình từ (1,85 - 2,48) và các sản phẩm khác được du khách đánh giá ở mức trung bình. Khách du lịch đánh giá sản phẩm du lịch ở Lâm Đồng còn nghèo nàn, đơn điệu, trùng lắp, chất lượng kém, chưa phong phú. Như vậy, việc đa dạng hóa sản phẩm du lịch, nâng cao chất lượng sản phẩm là việc làm hết sức cần thiết đối với các nhà quản lý du lịch Lâm Đồng.
Một số giải pháp nâng cao hiệu quả thu hút đầu tư
Từ thực tế nghiên cứu, nhằm giúp Tây Nguyên nói chung và tỉnh Lâm Đồng nói riêng thu hút ngày càng nhiều vốn đầu tư vào ngành kinh tế du lịch của các nhà đầu tư trong và ngoài nước, cần chú trọng một số giải pháp sau:
Một là, xác định rõ sản phẩm du lịch chủ lực, tập trung đầu tư ưu tiên và phát triển cho nhóm sản phẩm này. Qua khảo sát cho thấy, sản phẩm nghỉ dưỡng là sản phẩm chủ lực của du lịch Lâm Đồng, sau đó là du lịch sinh thái, tham quan, du lịch MICE (du lịch kết hợp tổ chức hội thảo, hội nghị). Đặc biệt, theo các nhà nghiên cứu du lịch, với việc tham gia cộng đồng kinh tế ASEAN, thì loại hình du lịch sinh thái cần được xem là sản phẩm chủ lực.
Hai là, tăng cường đầu tư cho các sản phẩm du lịch còn yếu kém. Lâm Đồng nên đầu tư mạnh cho du lịch nông nghiệp, nhất là du lịch nông nghiệp công nghệ cao vì là địa phương có tiềm năng và đi đầu trong cả nước về lĩnh vực này. Bên cạnh đó, các sản phẩm du lịch khác như: du lịch MICE, du lịch chữa bệnh, du lịch tâm linh… dù thời gian qua được quan tâm đầu tư nhưng hiệu quả chưa cao, do đó tới đây được chú trọng phát triển bài bản hơn.
Ba là, tạo môi trường đầu tư hiệu quả, đầu tư trọng tâm, trọng điểm, tạo tâm lý an tâm đầu tư lâu dài. Đặc trưng của du lịch Lâm Đồng là tính thời vụ, chính vì vậy công suất sử dụng phòng thấp, điều này làm ảnh hưởng quyết định đầu tư của các nhà đầu tư. Do vậy, cần nghiên cứu các giải pháp để kéo dẫn các hoạt động du lịch liên tục quanh năm, liên tục, từ đó nâng công suất sử dụng phòng. Ngoài việc đa dạng hoá sản phẩm du lịch, cần phải kết nối sản phẩm du lịch bổ sung cho Lâm Đồng những sản phẩm còn hạn chế. Bên cạnh đó, định hướng phải xây dựng để Đà Lạt trở thành đô thị du lịch trung tâm của Nam Bộ, của cả nước, là điểm đến hấp dẫn của cộng đồng ASEAN và thế giới.
Bốn là, cần xây dựng cơ chế thu hút đầu tư du lịch phù hợp với môi trường đầu tư mới. Việc Việt Nam gia nhập Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC), nhất là Hiệp định TPP đã có những tác động sâu sắc, toàn diện tới nền kinh tế nước ta. Nhưng để tận dụng được cơ hội này, tỉnh Lâm Đồng cần xây dựng cơ chế thu hút đầu tư du lịch trong môi trường kinh doanh đảm bảo cho các doanh nghiệp vừa cạnh tranh vừa hợp tác với nhau; Có cơ chế ưu đãi về thuế, phí, đất đai nhằm khuyến khích các nhà đầu tư lâu dài ở tỉnh…
Năm là, cần tiếp tục cải cách hành chính, tạo sự thuận lợi, nhanh gọn về các thủ tục hành chính, giúp chủ đầu tư tiết kiệm thời gian, từ đó tiết kiệm chi phí triển khai. Chú trọng tạo quỹ đất phục vụ phát triển dự án du lịch, đáp ứng yêu cầu về quy mô, vị trí, chi phí và thời gian hoàn thành đền bù, giải phóng mặt bằng, hạ tầng giao thông. Lâu nay, đây là vấn đề mà các nhà đầu tư nước ngoài thường “rất ngại” dù muốn đầu tư vào Việt Nam. Ngoài ra, cần có chính sách đồng bộ trong hỗ trợ chính sách về thu hút, đào tạo lao động có chất lượng và phối hợp các chính sách thu hút du lịch. Thực tế cho thấy, các nhà đầu tư trước khi đầu vốn phát triển kinh doanh du lịch cũng rất chú trọng đến những nơi có nguồn nhân lực chất lượng cao, có thể đáp ứng ngay nhu cầu tuyển dụng lao động mà không cần phải mất công đào tạo lại.
Tài liệu tham khảo:
1. Chính phủ (2013), Quy hoạch tổng thể Phát triển vùng Tây Nguyên đến năm 2020 tầm nhìn đến năm 2030;
2. Chính phủ (2014), Quyết định phê duyệt quy hoạch xây dựng vùng Tây Nguyên đến năm 2030;
3. Ngân hàng Nhà nước, Ban Chỉ đạo Tây Nguyên (2015) Hội nghị Xúc tiến đầu tư Tây Nguyên lần thứ 3;
4. Nguyễn Duy Mậu (2014) Phát triển du lịch Tây Nguyên trong quá trình hội nhập quốc tế - NXB Kinh tế;
5. Lê Thanh - Để du lịch Lâm Đồng hấp dẫn du khách trong và ngoài nước, Tạp chí Tài chính (2015).