Tăng giá cao tạo sức hấp dẫn của kênh đầu tư nhà đất
Trong khi giá nhà đất tăng vài chục lần trong vòng một thập kỷ thì giá vàng chỉ tăng chưa đến 10 lần, cho thấy bất động sản vẫn là kênh sinh lời tốt nhất. Dự báo, bất động sản năm 2021 sẽ sớm phục hồi và còn nhiều dư địa để phát triển.
Thị trường bất động sản (BĐS) được đánh giá có nhiều nốt thăng - trầm, nhưng trong giai đoạn nào thì lĩnh vực này cũng vẫn được đánh giá là kênh đầu tư tốt nhất. Xu hướng phát triển của thị trường năm 2021 được dự báo sẽ có sự thay đổi nhiều yếu tố.
BĐS vẫn được lựa chọn đầu tư
Theo dữ liệu lớn của kênh thông tin Batdongsan.com.vn, hầu hết các loại hình của thị trường BĐS nói chung đều chịu những tác động tiêu cực từ Covid-19. Thị trường BĐS quý III/2020 do đơn vị này thống kê cho thấy, mức độ quan tâm loại hình nhà mặt phố cho thuê tại Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh giảm 11% so với quý II/2020. Nhiều khu vực đất nền phía Nam như Bình Dương và Đồng Nai có mức độ quan tâm giảm lần lượt là 3% và 13% từ quý II sang quý III/2020.
Tuy nhiên, BĐS công nghiệp lại trở thành điểm sáng trong năm nay và dự báo cho cả năm 2021, bởi những tác động từ các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới như EVFTA, RCEP; hoặc với kế hoạch lập nhà máy sản xuất tại Việt Nam của nhiều tập đoàn toàn cầu.
Đáng chú ý, dù đối mặt với khó khăn liên tiếp nhưng khảo sát người dùng của Batdongsan.com.vn thực hiện trong quý III/2020 cho thấy, BĐS vẫn là kênh đầu tư được lựa chọn nhiều nhất. Ngay cả trong thời điểm giá vàng liên tục tăng thì 57% lượt tìm kiếm trên Batdongsan.com.vn vẫn lựa chọn phương án đầu tư vào nhà đất.
Một số chuyên gia đã thực hiện điều tra so sánh giá vàng với giá BĐS trong giai đoạn này. Đơn cử như giá nhà khu vực quận Hoàn Kiếm năm 2002 là 11 triệu đồng/m2, đến năm 2020 khoảng 360 triệu đồng/m2. Có thể thấy, trong khi giá nhà các quận trung tâm tăng tới vài chục lần trong 18 năm thì giá vàng chỉ tăng khoảng 8 lần.
Bên cạnh đó, người dân cũng không còn quá nặng nề tâm lý kiêng kỵ tháng Ngâu khi 58% số người được hỏi vẫn chọn mua BĐS trong tháng 7 âm lịch. Mặc dù thị trường liên tiếp khó khăn vì dịch bệnh nhưng chỉ số giá BĐS trong 3 quý đầu năm 2020 vẫn duy trì mức độ ổn định và không có nhiều biến động.
Ông Nguyễn Quốc Anh, Phó Tổng giám đốc kênh thông tin Batdongsan.com cũng cho biết, chỉ số giá BĐS tại 2 thành phố lớn nhất Việt Nam trong năm 2020 là Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh đều tăng, qua đó cho thấy những biến động khá thú vị.
Theo dữ liệu, khu vực phía Bắc có lượng tin đăng, quan tâm tốt hơn so với khu vực phía Nam. Song song với đó, dòng tiền đang có xu hướng dịch chuyển từ TP. Hồ Chí Minh ra Hà Nội. Cùng với xu hướng này, chỉ số giá tại Hà Nội cũng tăng lên trong năm 2020, trong khi nhiều năm trước đi ngang so với mặt bằng chung trong khu vực.
Xu hướng năm 2021
Về xu hướng BĐS trong năm 2021, Phó Tổng giám đốc Batdongsan.com.vn nhìn nhận, chung cư được nhiều người tìm kiếm trong 3 năm gần đây và năm 2021 sẽ tiếp tục. Giá chung cư Hà Nội tiếp tục đi ngang và ổn định; giá chung cư TP. Hồ Chí Minh được dự báo sẽ tiếp tục tăng trong năm 2021, mức tăng đạt khoảng 9%.
Về phân khúc nhà riêng, nhà mặt phố, mức độ quan tâm và giá cho thuê nhà riêng và nhà mặt phố giảm đáng kể. Giá rao bán nhà riêng tại Hà Nội được dự báo sẽ tăng trưởng trong năm 2021, đạt khoảng 5%.
Lạc quan về thị trường BĐS năm 2021, ông Vũ Cương Quyết, Tổng giám đốc Đất Xanh miền Bắc cho hay, nhu cầu về đầu tư của người Việt Nam từ xưa đến nay vẫn thiên vào BĐS. Tốc độ đô thị hóa mạnh, đầu tư nước ngoài vào Việt Nam tăng sẽ thu hút lượng lớn vốn đầu tư vào phát triển BĐS công nghiệp, từ đó phát sinh nhu cầu nhà ở.
“BĐS nghỉ dưỡng vẫn phát triển, phân khúc này mới phát triển ở giai đoạn đầu. Thời gian qua, chúng ta mới chỉ nhìn BĐS nghỉ dưỡng ở biển, mà chưa quan tâm đến thị trường BĐS nghỉ dưỡng ở núi, ở ven đô, ở những tỉnh phía Bắc rất tiềm năng”, ông Quyết phân tích.
Trong khi đó, TS. Võ Trí Thành cho rằng, thị trường BĐS năm 2021 sẽ có 6 xu hướng phát triển chính.
Thứ nhất, đó là sự dịch chuyển địa lý, do ách tắc phát triển dự án, nguồn cung tại Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh hạn chế, nên xu hướng dịch chuyển ra các vùng ven là rất rõ.
Thứ hai, chuyển dịch quan tâm tới phân khúc, đó là sự phát triển của BĐS công nghiệp, còn nhà ở và du lịch sẽ phải mất thêm vài năm nữa để phục hồi.
Thứ ba, xu hướng tiện ích, thông minh, sắp tới sẽ hình thành các đại đô thị với nhiều tổ hợp gắn với tiện ích hiện đại sống xanh.
Thứ tư, xu hướng chuyển dịch hành vi của người tiêu dùng như dịch chuyển khu vực sống, tìm kiếm căn nhà thứ hai.
Thứ năm, xu hướng phát triển BĐS công nghiệp, nhưng gắn với sự dịch chuyển của lao động.
Thứ sáu, quá trình đô thị hóa diễn ra rất mạnh mẽ, tỷ lệ đô thị hóa của Việt Nam mới đạt 36% - còn rất thấp, và mục tiêu của Chính phủ là trên 50%.
“Những xu hướng trên sẽ tác động mạnh đến nhu cầu của khách hàng, của thị trường BĐS và đây chính là dư địa lớn cho thị trường tiếp tục phát triển thời gian tới”, ông Thành nhấn mạnh.