Tăng giá trị xuất khẩu nông lâm thủy sản từ 5 - 6%/năm giai đoạn 2021 – 2030

Theo Nguyễn Hạnh/congthuong.vn

Đây là một trong những mục tiêu trong Chiến lược phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững giai đoạn 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050 vừa được Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành phê duyệt (Quyết định số 150/QĐ-TTg).

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Chiến lược nêu rõ mục tiêu chung xây dựng nền nông nghiệp sản xuất hàng hóa đồng thời phát triển nông nghiệp dựa trên lợi thế địa phương, theo hướng hiện đại có năng suất, chất lượng, hiệu quả, bền vững và sức cạnh tranh cao thuộc nhóm dẫn đầu trong khu vực và trên thế giới.

Mục tiêu cụ thể đến năm 2030, tốc độ tăng trưởng GDP nông lâm thủy sản đạt bình quân từ 2,5 - 3%/năm, tốc độ tăng năng suất lao động nông lâm thủy sản đạt bình quân từ 5,5 - 6%/năm; mở rộng và phát triển thị trường, nhất là thị trường xuất khẩu. Tốc độ tăng giá trị xuất khẩu nông lâm thủy sản đạt bình quân từ 5 - 6%/năm.

Nâng cao thu nhập người dân, giảm nghèo bền vững. Thu nhập của cư dân nông thôn cao hơn 2,5 - 3 lần so với năm 2020. Tỷ lệ hộ nghèo đa chiều ở nông thôn giảm bình quân 1 - 1,5%/năm...

Tầm nhìn đến năm 2050, phấn đấu đưa Việt Nam trở thành một trong những nước có nền nông nghiệp hàng đầu thế giới với ngành công nghiệp chế biến nông sản hiện đại, hiệu quả, thân thiện với môi trường.

Nông thôn không còn hộ nghèo và trở thành nơi đáng sống, văn minh, xanh, sạch, đẹp với điều kiện sống, thu nhập dân cư nông thôn tiệm cận và kết nối chặt chẽ, hài hòa với đô thị.

Chiến lược cũng đặt ra định hướng, nhiệm vụ đối với từng lĩnh vực sản xuất. Cụ thể, đối với trồng trọt: Đổi mới cơ cấu cây trồng và thực hiện chế độ quản lý mục đích sử dụng đất nông nghiệp một cách linh hoạt hơn nhằm phát huy lợi thế là ngành sản xuất chiến lược đảm bảo nhu cầu trong nước và phục vụ xuất khẩu.

Ưu tiên phát triển các cây trồng có lợi thế so sánh và nhu cầu lớn (cây công nghiệp, cây ăn quả nhiệt đới, lúa gạo chất lượng cao...). Có bước đi phù hợp để thúc đẩy phát triển các cây trồng mới có triển vọng như cây dược liệu, cây cảnh, nấm ăn...

Đối với sản xuất lúa gạo sẽ tiếp tục phát huy lợi thế ngành lúa gạo Việt Nam nhưng với những đổi mới về tư duy, chính sách quản lý, sử dụng đất trồng lúa và sản xuất lúa gạo - từ tập trung phát triển về sản lượng sang coi trọng chất lượng, vừa đảm bảo an ninh lương thực quốc gia trong mọi tình huống, vừa khai thác, sử dụng tài nguyên đất, nước một cách hiệu quả cao nhất.

Đối với chăn nuôi, đảm bảo các nhu cầu thiết yếu về thực phẩm cho thị trường trong nước; phát triển các ngành hàng có tiềm năng và thị trường như thịt gia cầm, trứng, sữa; duy trì chăn nuôi lợn và gia súc lớn. Phát triển chăn nuôi gia súc, gia cầm, vật nuôi bản địa, đặc sản có giá trị cao, đảm bảo an toàn thực phẩm, bền vững môi trường, an toàn sinh học, vả dịch bệnh.

Đặc biệt, Chiến lược nêu rõ cần thúc đẩy hợp tác, liên kết, phát triển chuỗi giá trị, các mô hình nông nghiệp tiên tiến. Chuyển mạnh từ xây dựng các chuỗi cung ứng nông sản sang phát triển các chuỗi giá trị ngành hàng. Dựa vào các vùng chuyên canh hành hóa quy mô lớn của các nông sản chủ lực, phát triển hợp tác xã, giảm dần các khâu trung gian, tăng cường liên kết với các doanh nghiệp chế biến hoặc thương mại lớn để hình thành chuỗi giá trị.