Tăng kết nối, đảm bảo tính bền vững cho đầu tư cơ sở hạ tầng châu Á
Nhu cầu đầu tư cơ sở hạ tầng tại khu vực châu Á đang tăng nhanh đòi hỏi việc tăng cường tính kết nối xuyên biên giới cũng như đảm bảo phát triển bền vững, đặc biệt trong bối cảnh phải chịu những ảnh hưởng tiêu cực từ tình hình kinh tế vĩ mô thiếu ổn định.
Đây cũng chính là chủ đề của Hội nghị thường niên lần thứ 7 về tài chính cơ sở hạ tầng do Ngân hàng Thế giới (WB) phối hợp với Chính phủ Singapore và tờ Thời báo Tài chính (Anh) tổ chức ngày 16/10.
Phát biểu tại phiên khai mạc, Phó Thủ tướng Singapore Tharman Shanmugaratnam nhấn mạnh các chính phủ cần thay đổi cách tiếp cận trong đầu tư cơ sở hạ tầng, chú trọng việc huy động tài chính qua kinh tế vi mô thay vì chỉ ở tầm kinh tế vĩ mô như hiện nay.
Điều này đặc biệt đúng trong môi trường lãi suất thấp và đảm bảo việc quản lý một cách có hiệu quả về chi phí của các dự án cơ sở hạ tầng. Có một thực tế là đầu tư cho các dự án lớn hiện chiếm phần nhiều ở các quốc gia và chi phí thường vượt mức trung bình từ 20-45%. Đây là một sự lãng phí đáng kể về nguồn lực, nhất là trong bối cảnh nguồn vốn đầu tư nói chung và cho cơ sở hạ tầng nói riêng đang phải đối mặt với nhiều khó khăn.
Bên cạnh đó, Phó Thủ tướng Tharman Shanmugaratnam cũng cho rằng các quốc gia trong khu vực cần tiếp tục đa dạng hóa các nguồn vốn đầu tư, giảm bớt gánh nặng cho ngân sách cũng như các ngân hàng thông qua việc xây dựng một cơ chế thông thoáng và tạo thuận lợi hơn để các nhà đầu tư tư nhân tham gia nhiều hơn vào lĩnh vực cơ sở hạ tầng, góp phần phát triển kinh tế-xã hội.
Mặt khác, đẩy mạnh áp dụng công nghệ cũng là một giải pháp hữu hiệu để tiết giảm chi phí cho các dự án, ví dụ như xây dựng hệ thống quản lý thông tin hoặc mô hình hệ thống, lập bản đồ các dự án cơ sở hạ tầng... cũng góp phần phát hiện sớm những sai sót để từ đó nâng cao tính hiệu quả của dự án.
Trong khi đó, ông Joaquium Levy - Giám đốc điều hành và Giám đốc Tài chính của WB, cho rằng tính chất của lĩnh vực đầu tư hạ tầng là đòi hỏi giá trị đầu tư tối đa từ tất cả các thành phần kinh tế và kèm theo đó là môi trường kinh doanh phù hợp.
"Đây là đầu tư mang tính dài hạn nên việc duy trì một khung chính sách ổn định có ý nghĩa sống còn đối với các nhà đầu tư, nhất là trong bối cảnh các quốc giá đang đẩy mạnh mô hình hợp tác công-tư (PPP) trong lĩnh vực cơ sở hạ tầng," ông Joaquium Levy nói.
Theo ước tính của WB, từ nay đến năm 2020, các nước đang phát triển cần khoảng 1.000 tỷ USD mỗi năm nhằm đáp ứng các nhu cầu cấp thiết về cơ sở hạ tầng cũng như duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế. Ở Việt Nam, con số này mỗi năm là từ 16-17 tỷ USD; trong khi ngân sách nhà nước chỉ đáp ứng được khoảng 50-60%.
Vì vậy, các chuyên gia từ Ngân hàng Thế giới cho rằng nhiều nước của khu vực, trong đó có Việt Nam cần phải thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp như cải cách khu vực ngân hàng, phát triển thị trường vốn trong nước, thu hút đầu tư theo mô hình hợp tác công-tư (PPP)...
Đặc biệt, trong bối cảnh Việt Nam ngày càng hội nhập và tham gia sâu rộng vào chuỗi thương mại toàn cầu thì việc tiết giảm chi phí về logistic để tăng sức cạnh tranh là vô cùng quan trọng.
"WB sẽ nỗ lực tìm kiếm các nguồn tài trợ mới nhằm hỗ trợ Việt Nam trong đầu tư xây dựng các dự án cơ sở hạ tầng quan trọng, nhất là các dự án về giao thông vận tải để tăng cường tính kết nối giữa các khu vực cũng như cung cấp các dịch vụ nhiều hơn cho người dân," ông Joaquium Levy cho biết.
Tại hội nghị, các nhà hoạch định chính sách và các chuyên gia hàng đầu về tài chính tư nhân đã thảo luận về các sáng kiến toàn cầu mới nhất, phản ứng của các nhà đầu tư tổ chức và nhà tài trợ cũng như những cơ hội và trở ngại đang tồn tại tại các nền kinh tế mới nổi ở châu Á đồng thời đưa ra các chiến lược hiệu quả để đẩy nhanh tiến độ đầu tư hạ tầng trong môi trường kinh tế đầy biến động hiện nay.