Tăng lãi suất huy động – "Cuộc đua" bắt đầu?

PV.

Từ giữa tháng 8 trở lại đây, các ngân hàng thương mại, đặc biệt là ngân hàng nhỏ bước vào “cuộc đua” lãi suất huy động. Các chuyên gia dự báo “cuộc đua” lãi suất sẽ trở nên gay cấn hơn từ nay đến cuối năm.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

“Cuộc đua” lãi suất huy động đã bắt đầu?

Trong tuần đầu tháng 8, mặt bằng lãi suất huy động kỳ hạn 1 tháng phổ biến tại các ngân hàng ở mức 4,3 - 5,5%/năm; với kỳ hạn 6 - 12 tháng dao động quanh mức 5,3 - 6,5% và 6,5 - 7,3% với các khoản tiền gửi trên 12 tháng. Tuy nhiên, từ giữa tháng 8 trở lại đây, hầu hết các ngân hàng đều đã đưa ra mức lãi suất rất cao cho các khoản tiền gửi có kỳ hạn trên 12 tháng.

Hàng loạt ngân hàng như: TPBank, SeABank, Nam Á Bank, VIB Bank… đã đẩy mức lãi suất tiền gửi lên từ 1% - 1,5% đối với các kỳ trung và dài hạn.

Trong số các ngân hàng tăng lãi suất đợt này, Ngân hàng Bản Việt đã điều chỉnh lãi suất tại nhiều kỳ hạn khác nhau, nhưng chủ yếu tập trung từ kỳ hạn 8 tháng trở lên, với mức tăng từ 0,6 - 1,4%. Hiện lãi suất tiền gửi có kỳ hạn 8 - 11 tháng tại ngân hàng này được niêm yết ở mức 7,8%/năm, trước đó là 7,2 - 7,4%/năm. Với các khoản tiền gửi kỳ hạn trên 24 tháng đã tăng từ 7,2% lên tới 8,6%/năm. Đây cũng là mức lãi suất tiền gửi ngân hàng dài hạn cao trên thị trường hiện nay.

Vietcapital Bank cũng điều chỉnh lãi suất tại nhiều kỳ hạn khác nhau nhưng chủ yếu tập trung từ kỳ hạn 8 tháng trở lên với mức tăng từ 0,6%-1,4%. Trước đó, ACB áp dụng biểu lãi suất mới, mức lãi suất gửi tiết kiệm cao nhất hiện là 7,2%/năm. Các kỳ hạn ngắn dưới 12 tháng hầu như không có thay đổi, tuy nhiên, ngân hàng đã cộng thêm từ 0,05 đến 0,1 điểm % cho các khách hàng có số tiền gửi lớn từ 5 tỷ đồng trở lên.

Xuất phát từ nhiều nguyên nhân

Lý giải về việc nhiều ngân hàng đồng loạt đua tăng lãi suất huy động sau một thời gian dài giữ ở mức ổn định, theo các chuyên gia tài chính - ngân hàng, nguyên nhân là trong 7 tháng qua, tín dụng đã tăng trưởng nhanh hơn so với huy động vốn. Tín dụng tăng trưởng khoảng 8%, trong đó huy động vốn tăng khoảng 6%.

Tính riêng trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh, nhu cầu vay vốn của người dân và doanh nghiệp luôn ở mức rất cao trong 7 tháng đầu năm nay. Đại diện Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước tại TP. Hồ Chí Minh cho biết, tỷ lệ cho vay trên vốn huy động của các ngân hàn ở Thành phố đã lên đến gần 90%.

Cụ thể, tổng vốn huy động trên địa bàn trong 7 tháng đạt 2.150.600 tỷ đồng, tăng 7,21% so với cuối năm ngoái, trong khi cho vay 1.928.000 tỷ đồng, tăng 9,47%. Mức tăng trưởng huy động thấp hơn tăng trưởng tín dụng đã tác động đến mặt bằng lãi suất chung. Do đó, các ngân hàng đang cần đẩy mạnh huy động vốn để có thể theo kịp tốc độ tăng trưởng tín dụng.

Nguyên nhân khác khiến lãi suất huy động tăng xuất phát từ việc các ngân hàng chuẩn bị cho nguồn vốn vào các tháng cuối năm, bởi đây là thời điểm nhu cầu tín dụng, nhu cầu sử dụng vốn tăng cao. Bên cạnh đó, để đáp ứng yêu cầu của Thông tư số 16/2018/TT-NHNN (từ ngày 1/1/2019, các ngân hàng được phép sử dụng 40% vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn), các ngân hàng cần phải chuẩn bị trước nguồn vốn trung và dài hạn nhiều hơn.

Ngoài ra, hiện nay, trong xu hướng đồng USD đang tăng giá, nhiều ngân hàng phải tăng lãi suất huy động, tránh việc khách hàng rút VND để đầu cơ USD.

Áp lực lên lãi suất cho vay

Việc lãi suất đầu vào tăng đang làm dấy lên sự lo lắng về việc duy trì ổn định lãi suất cho vay từ nay đến cuối năm nhằm hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh mùa cao điểm.

Theo TS. Nguyễn Trí Hiếu - chuyên gia tài chính ngân hàng, hiện nay chưa có dấu hiệu tăng lãi suất cho vay một cách đồng loạt, song giảm lãi suất cho vay trong bối cảnh hiện nay là không đơn giản. Thậm chí, giữ được mặt bằng lãi suất từ nay đến cuối năm đã là một nỗ lực rất lớn của các tổ chức tín dụng.

Lý do là từ nay đến cuối năm, những biến động thị trường tài chính thế giới có thể tiếp tục gây ảnh hưởng đến thị trường tài chính Việt Nam. Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) nếu tiếp tục tăng lãi suất trong tháng 9/2018 sẽ khiến lãi suất huy động trong nước tăng, từ đó kéo theo lãi suất cho vay có thể tăng theo. “Nếu lãi suất tiếp tục tăng cao, khách hàng gửi tiền hưởng lợi. Ngược lại, nhiều doanh nghiệp, nhất là trong bất động sản, BOT, BT… sẽ gặp khó”, TS. Hiếu phân tích.