Tăng lương tối thiểu: Liệu có thực hiện đúng lộ trình?
(Tài chính) Tăng lương 15,1% vào năm 2017 là phương án được Hội đồng Tiền lương Quốc gia chốt trình Chính phủ. Đây là con số mà theo đại diện giới sử dụng lao động là cả một sự “nhượng bộ”, bởi hiện nhiều doanh nghiệp (DN) đang khó khăn. Song, vấn đề đặt ra là trong bối cảnh đó liệu phương án này có thực hiện đúng lộ trình?
Tăng lương = thỏa hiệp + nhượng bộ?
Theo phương án tăng lương tối thiểu vùng năm 2015 được Hội đồng tiền lương quốc gia thống nhất để trình Chính phủ, mức tăng lương tối thiểu vùng được đề xuất tăng vào năm 2015 ở khu vực DN cụ thể như sau: Lương tối thiểu vùng I là 3,1 triệu đồng (tăng 400 ngàn đồng so với năm 2014); vùng 2 là 2,75 triệu đồng (tăng 350 ngàn đồng); vùng 3 là 2,42 triệu đồng (tăng 320 ngàn đồng); vùng 4 là 2,2 triệu đồng (tăng 300 ngàn đồng).
Đánh giá về mức đề xuất trên, ông Mai Đức Chính - Phó Chủ tịch Hội đồng tiền lương Quốc gia, Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam (LĐLĐ VN) cho biết: Ban đầu Tổng LĐLĐ VN đưa ra mức 3.400.000 đồng/người/tháng cho vùng 1, nhưng sau đó đã căn cứ vào nhiều yếu tố giảm xuống mức 3.200.000 đồng/người/tháng. Song cuối cùng đại diện giới người sử dụng lao động đề xuất là 3.100.000 đồng/người/tháng. Với mức này, lương tối thiểu ở mỗi vùng đều thấp hơn 100.000 đồng so với phương án được Tổng liên đoàn đưa ra.
“Chúng tôi không đồng ý với phương án tăng lương này, phương án này sẽ được Hội đồng Tiền lương quốc gia báo cáo trình Chính phủ quyết định. Do vậy, trong thời gian tới, Tổng Liên đoàn sẽ tiếp tục có đề xuất kiến nghị lên Chính phủ, đề nghị xem xét lại phương án tăng lương tối thiểu theo hướng ít nhất phải đạt 3,2 triệu đồng/người/tháng” – ông Chính nói .
Tuy nhiên đại diện giới sử dụng người lao động lại cho rằng: mức tăng 15,1% so với năm 2014 là sự nhượng bộ lớn của phía đại diện người sử dụng lao động.
Ông Hoàng Văn Dũng - Phó Chủ tịch Hội đồng tiền lương Quốc gia, Phó Chủ tịch thường trực Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết: "Quan điểm ban đầu của VCCI là đề xuất mức 11%, nhưng cuối cùng, chúng tôi đã nhượng bộ tới mức 15,1%”.
Hi vọng và chờ
Theo lộ trình tới năm 2017 lương tối thiểu sẽ bảo đảm mức sống tối thiểu. Tuy nhiên đại diện Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cho biết, nếu trong năm 2015 không tăng lương tối thiểu vùng đạt được ở mức 80% thì năm 2017 không thể đạt được ở mức 100%, nghĩa là đạt mục tiêu lương phải đủ đáp ứng nhu cầu tối thiểu của người lao động. Điều đó cũng có nghĩa, lộ trình tăng tiền lương tối thiểu vùng sẽ phá sản.
Liên quan tới vấn đề này, Thứ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và xã hội Phạm Minh Huân thừa nhận, với mức tăng 15,1% so với năm 2014 như đề xuất thì cũng chỉ mới đáp ứng được 75% mức sống tối thiểu của người lao động.
Trước thực tế khó khăn như hiện nay, việc tăng lương như thế nào để người lao động có thể sống được nhưng vẫn không tạo gánh nặng chi phí cho doanh nghiệp đang là một bài toán nan giải, còn nhiều tranh cãi.
Song có một thực tế là chúng ta không thể cứ mãi vin vào lý do kinh tế đang khó khăn nếu tăng lương sẽ gây áp lực cho doanh nghiệp, rồi “sợ” tăng lương đồng nghĩa với thất nghiệp thì rất khó thực hiện được cam kết tăng lương tối thiểu bằng mức sống tối thiểu cho người lao động, nhất là những công nhân không có khoản thu nhập nào khác ngoài lương.
Theo Thứ trưởng Phạm Minh Huân: “Nếu điều kiện thuận lợi thì lộ trình này sẽ thực hiện được. Theo đó, chúng ta phải đẩy tốc độ tăng lương tối thiểu vùng cao hơn trong năm 2016 và 2017. Song nếu tình hình khó khăn thì có thể lùi thời gian, nhưng chắc chỉ 1 năm”.