Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022:
Tăng mạnh đầu tư công, chấp nhận bội chi ngân sách, tạo hiệu ứng “số nhân”
Bàn về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022, đại biểu Quốc hội các Khóa IX, XII, XIII, TS. Trần Du Lịch cho rằng, nên mạnh dạn tăng bội chi ngân sách, đồng thời phát hành trái phiếu Chính phủ để mở rộng đầu tư công, từ đó tạo ra hiệu ứng “số nhân”. Kinh nghiệm từ giai đoạn 2011 - 2016 cho thấy, khi Quốc hội tăng đầu tư công, đẩy mạnh xây dựng hạ tầng giao thông, nông thôn mới đã tạo nên cú kích lớn, góp phần phục hồi nền kinh tế.
Xử lý 3 vấn đề về dòng vốn để các doanh nghiệp phục hồi
Phóng viên: Tại Kỳ họp thứ Hai khai mạc ngày 20.10 tới đây, Quốc hội sẽ bàn và quyết đáp những vấn đề liên quan đến kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước. Theo nhận định của nhiều chuyên gia, khác biệt lớn nhất giữa tăng trưởng của các quốc gia chính là sự lựa chọn chính sách thích ứng với đại dịch COVID-19 trong tình hình mới. Nhìn lại những tác động của đợt bùng phát dịch lần thứ 4, ý kiến của ông về vấn đề này như thế nào?
TS. Trần Du Lịch: Đợt bùng phát dịch COVID-19 lần thứ 4 đã gây ra những tác động nghiêm trọng đến tình hình kinh tế - xã hội của đất nước, đặc biệt ở những địa phương có thời gian giãn cách xã hội lâu, mức độ giãn cách xã hội nghiêm ngặt như TP. Hồ Chí Minh và một số tỉnh lân cận.
Thực tế, do mục tiêu kiểm soát dịch bệnh ở địa phương cũng như mức độ của dịch bệnh và các biện pháp giãn cách xã hội khác nhau đã gây ảnh hưởng lớn đến giao thông vận tải, giao lưu hàng hóa giữa các vùng miền, chuỗi cung ứng chung của các quốc gia bị đình trệ ở nhiều phân khúc.
Tình trạng lao động ở những đô thị lớn, có nguy cơ dịch cao như TP. Hồ Chí Minh, các tỉnh Đông Nam Bộ di chuyển ngược về quê, tạo nên dòng di chuyển lao động rất lớn. Phải nói rằng, từ khi đổi mới đến nay, chưa bao giờ nước ta chịu tác động tiêu cực đến vậy.
Chúng ta chứng kiến những ngành hàng kinh tế hoàn toàn bị gãy đổ, điển hình là ngành du lịch có liên quan trực tiếp đến những ngành hàng, lĩnh vực khác. Tại TP. Hồ Chí Minh, trung tâm kinh tế lớn của cả nước, với khu vực dịch vụ chiếm 62% tổng sản phẩm nội địa, đã bị ngưng trệ sản xuất, kinh doanh suốt 120 ngày.
Tăng trưởng GRDP của TP. Hồ Chí Minh âm hơn 24% trong quý III.2021; ở các khu công nghiệp trên địa bàn thành phố, có thời điểm chỉ có 15 - 20% số doanh nghiệp chống chọi, cầm chừng để giữ sản xuất; khoảng 250.000 hộ sản xuất kinh doanh cá thể hầu như ngừng hoạt động. Những tác động này cho thấy, việc phục hồi kinh tế những tháng cuối năm và năm 2022 đòi hỏi Nhà nước phải có những chính sách, giải pháp mạnh mẽ, chứ không thể áp dụng biện pháp bình thường.
Để phục hồi kinh tế và tạo đà tăng trưởng cho năm 2022, cần có giải pháp chung phòng, chống dịch ở tầm quốc gia, quy định rõ biện pháp giãn cách xã hội ở những mức độ nào. Chấm dứt ngay tình trạng ngăn trở do các địa giới hành chính ở địa phương áp đặt, gây khó khăn cho chuỗi cung ứng, đặc biệt là vận chuyển hàng hóa ở cả đầu vào và đầu ra. Một chính sách nhất quán, cần thiết là thống nhất thích nghi, thích ứng linh hoạt, an toàn, hiệu quả trong phòng, chống dịch.
Không áp dụng "Zero COVID" trong các chính sách chung, từ vận tải hàng không, vận tải hành khách đến vận tải hàng hóa. Có chính sách thống nhất trong nội bộ các vùng kinh tế trọng điểm, khu vực đóng góp cao vào tốc độ tăng trưởng. Đây là tiền đề để phục hồi kinh tế.
Tôi hoan nghênh Chính phủ ngày 11/10/2021 ban hành Nghị quyết 128/NQ-CP quy định tạm thời “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19”, nhưng việc triển khai thực hiện trên phạm vi toàn quốc cần phải được tuân thủ nhất quán.
Phóng viên: Doanh nghiệp là "xương sống" của nền kinh tế. Theo ông, trong kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội những tháng cuối năm 2021 và trong năm 2022 cần chính sách gì để giúp doanh nghiệp sớm phục hồi?
TS. Trần Du Lịch: Bên cạnh việc thực thi Nghị quyết của Quốc hội, Nghị quyết 105-NQ/CP của Chính phủ ngày 9/9/2021 về hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh trong bối cảnh dịch COVID-19, Nhà nước cần mạnh dạn hơn nữa, xử lý 3 vấn đề liên quan đến dòng vốn, lưu chuyển dòng tiền cho các doanh nghiệp phục hồi.
Thứ nhất, có gói hỗ trợ lãi suất cho doanh nghiệp như đã từng áp dụng trong giai đoạn khủng hoảng tài chính năm 2008-2011, và lần này gói hỗ trợ cần mạnh hơn, lớn hơn, với sự tham gia của các ngân hàng thương mại bằng hình thức cho vay. Từ đó tạo ra dòng tiền (dĩ nhiên cần đúng đối tượng hỗ trợ, tránh tràn lan và cần rút kinh nghiệm về những bất cập khi thực thi trong giai đoạn trước).
Thứ hai, Ngân hàng Nhà nước đã có Thông tư số 14/2021/TT-NHNN về việc tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng chịu ảnh hưởng bởi dịch COVID-19. Nhưng tôi cho rằng, cần có chính sách đặc biệt hơn nữa. Bởi lẽ, nhiều doanh nghiệp xét về nợ quá hạn đã không còn đủ tiêu chuẩn vay nợ và ngân hàng thương mại cũng rất ngại cho vay đối với doanh nghiệp đang nợ quá hạn. Bài học kinh nghiệm từ TP. Hồ Chí Minh trong giai đoạn 2011-2013 cho thấy, Nhà nước đã áp dụng “Chương trình nối kết doanh nghiệp - ngân hàng”, giúp doanh nghiệp vay nợ để làm ăn theo phương án khả thi, qua đó trả nợ cho tương lai. Nay cũng cần áp dụng “nuôi nợ để đòi nợ”.
Thứ ba, có gói tài chính cho doanh nghiệp, giảm mạnh thuế giá trị gia tăng (VAT) để kích trả thị trường, trả nhu cầu tiêu dùng và tăng thanh khoản trong thị trường nội địa.
Thủ tục hành chính phải thực sự thông thoáng
Phóng viên: Trong bối cảnh nguồn thu bị ảnh hưởng, nhiệm vụ chi nhiều hơn cho phòng, chống dịch và bảo đảm an sinh xã hội, dự kiến trong kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022, Chính phủ đề xuất tăng bội chi cao hơn mức 3,7% GDP..., thưa ông?
TS. Trần Du Lịch: Đây là giải pháp "tương kế, tựu kế", mạnh dạn tăng bội chi ngân sách, đồng thời cần phát hành trái phiếu Chính phủ để mở rộng đầu tư công. Chỉ khi tăng mạnh đầu tư công, chấp nhận bội chi ngân sách mới tạo ra hiệu ứng “số nhân”.
Chúng ta đã có kinh nghiệm từ giai đoạn 2011-2016, khi Quốc hội tăng đầu tư công, đẩy mạnh xây dựng hạ tầng giao thông, nông thôn mới đã tạo nên cú kích lớn, góp phần phục hồi nền kinh tế.
Bên cạnh đó, cần tiếp tục quan tâm đến chính sách trợ cấp xã hội, tăng khả năng chi tiêu của người dân, nhất là khi kinh tế chưa phục hồi được ngay và người lao động vẫn chưa có thu nhập. Việc tăng chi tiêu từ đầu tư công, chi tiêu của người dân sẽ kích tổng cầu nền kinh tế, kéo theo tổng cung tăng, cũng là "chìa khóa" giúp các doanh nghiệp phục hồi.
Phóng viên: Để các chính sách đúng đắn này đi vào thực tiễn đời sống nhanh nhất, hiệu quả nhất, cũng cần khắc phục tình trạng cứng nhắc, sợ chịu trách nhiệm, mỗi nơi thực hiện một kiểu tại một số địa phương thời gian qua. Đây là điều đã được chỉ ra trong Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế, thưa ông?
TS. Trần Du Lịch: Đúng vậy, thủ tục hành chính phải thực sự thông thoáng. Trong bối cảnh này, doanh nghiệp đã mệt mỏi về nhiều mặt, nên bộ máy nhà nước càng cần nêu cao trách nhiệm, tạo mọi điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp liên quan đến các thủ tục đầu tư, xây dựng…
Với những vấn đề luật pháp còn chồng chéo, chưa sửa được, cần mạnh dạn thúc đẩy địa phương tháo gỡ theo tinh thần dám nghĩ, dám làm, công khai, minh bạch, vì cái chung, không ngồi chờ, không lý do vì văn bản này, văn bản kia. Nếu làm được sẽ tháo gỡ được nguồn vốn đầu tư tư nhân, đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) về nước ta, kích hoạt mạnh hơn cho tăng trưởng.
Mặt khác, chúng ta cũng cần có chính sách hỗ trợ các địa phương phục hồi ngành du lịch đang gãy đổ, nhất là vùng duyên hải miền Trung, các trung tâm du lịch. Thực hiện giải quyết đồng bộ các vấn đề: Lưu trú, lữ hành, vận tải và các dịch vụ đi kèm, tiếp tục kích hoạt thị trường nội địa. Nhà nước cũng cần xem xét việc mở cửa cho du lịch quốc tế và các hoạt động kinh tế đối ngoại có liên quan phù hợp với tình hình, diễn biến của dịch bệnh. Tất nhiên cần nhất quán về lộ trình, bảo đảm thích nghi linh hoạt, an toàn, hiệu quả.
Đối với dòng người lao động di chuyển về quê, chúng ta cần tổ chức lại, thực hiện thu hút lao động quay trở lại các khu công nghiệp, vùng kinh tế trọng điểm. Chính quyền địa phương giúp đỡ các doanh nghiệp, thực hiện kết nối với các địa phương có người lao động, bảo đảm an toàn sức khỏe cho người lao động bằng cách đẩy nhanh tiến độ tiêm vắc xin cho lực lượng này.
Ưu tiên tiêm vắc xin ở các đô thị đông dân cư, các trung tâm kinh tế. Có như vậy, mới không bị gãy đổ các ngành kinh tế, đẩy nhanh khả năng phục hồi. Đơn cử như TP. Hồ Chí Minh, thành quả rất lớn là có trên 70% người dân trên 18 tuổi đã được tiêm hai mũi vắc xin phòng COVID-19, đa số công nhân trong các khu công nghiệp, những người tham gia hoạt động kinh tế đều đã được tiêm hai mũi.
Phóng viên: Xin cảm ơn ông!