Tăng mới 200.000 người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện năm 2019: Đầy khả thi
Bằng các giải pháp cụ thể, quyết liệt, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội (LĐTB&XH) tự tin mục tiêu tăng 200.000 người tham gia loại hình bảo hiểm xã hội tự nguyện sẽ thực hiện được trong năm 2019.
Là đơn vị được giao chủ trì thực hiện Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 28-NQ/TW về cải cách chính sách bảo hiểm xã hội, thời gian qua Bộ LĐ-TB&XH đã phối hợp với các bộ, ngành, địa phương: Tổ chức học tập, quán triệt và tuyên truyền các nội dung của Nghị quyết 28 trên phạm vi cả nước, sâu rộng dưới nhiều hình thức; thể chế hoá các nội dung của Nghị quyết số 28 trình Chính phủ ban hành nhiều quy định về giao chỉ tiêu phát triển đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội (BHXH), quy định tham gia BHXH với người lao động nước ngoài, xây dựng dự thảo Bộ luật Lao động (sủa đổi) với những thay đổi về căn cứ đóng BHXH và tuổi nghỉ hưu theo tinh thần Nghị quyết số 28…
Sau khi Trung ương ban hành Nghị quyết số 28, theo Bộ LĐ-TB&XH, các cấp uỷ, chính quyền địa phương đã có thay đổi nhận thức rất lớn về chính sách BHXH. Các địa phương đã xác định rất rõ trách nhiệm của mình trong việc phải chịu trách nhiệm trước Chính phủ về phát triển đối tượng tham gia BHXH; do đó đã tăng cường chỉ đạo và có sự vào cuộc quyết liệt của các cơ quan chuyên môn, ban ngành trên địa bàn.
Nhờ đó, chỉ sau 4 tháng (từ tháng 9 -12/2018) triển khai Chương trình động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 28, thống kê cho biết, cả nước đã phát triển mới được hơn 40.000 người tham gia BHXH tự nguyện. Và tính đến hết quý I/2019, số tham gia BHXH tự nguyện toàn quốc đạt khoảng 312.000 người, tăng 89.106 người so với thời điểm tháng 9/2018.
Năm 2019, Bộ LĐTB&XH đặt mục tiêu phát triển tăng mới được ít nhất 200.000 người tham gia BHXH tự nguyện. Với kết quả khả quan của quý I, theo Bộ LĐ-TB&XH, mục tiêu này hoàn toàn khả thi khi có sự vào cuộc quyết liệt đồng bộ của bộ, ngành, đặc biệt là BHXH Việt Nam và Tổng Công ty Bưu điện Việt Nam cùng các địa phương với các giải pháp, gồm: Xây dựng kế hoạch phát triển người gia BHXH tự nguyện có sự phân công trách nhiệm cụ thể từng bên. Tính toán và giao chỉ tiêu phát triển số người cụ thể của từng địa phương để ngành BHXH và ngành Bưu điện vận động thuyết phục từng người, từng nhà. Chuẩn hoá tài liệu tuyên truyền để triển khai khoảng 5.000 hội nghị tuyên truyền, đối thoại trực tiếp đến từng thôn xóm. Tập huấn đội ngũ tuyên truyền viên nhằm tuyên truyền mạnh mẽ về lợi ích, ý nghĩa, quyền lợi khi tham gia BHXH tự nguyện.
Mở rộng đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội (BHXH) là chủ trương lớn của Nhà nước, trong đó có đối tượng tham gia BHXH tự nguyện. Tuy nhiên, số người tham gia BHXH tự nguyện thấp hơn rất nhiều so với mục tiêu đề ra. Do đó, dù đầy triển vọng trong phát triển đối tượng tham gia, nhưng trước mắt còn rất nhiều khó khăn phải đối diện, vì thế cần sự nỗ lực rất lớn từ Bộ LĐTB&XH, BHXH Việt Nam trong triển khai các giải pháp. Như ông Bùi Sỹ Lợi – Phó chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội cho hay, nhận thức của người dân về chính sách an sinh xã hội chưa cao, các chính sách BHXH chưa thật sự hấp dẫn người dân, ngành BHXH cần tiếp tục hoàn thiện tổ chức bộ máy, tăng cường hiệu quả công việc và chất lượng phục vụ người dân và cộng đồng.
Được biết, thời gian tới, Bộ LĐTB&XH sẽ trình Thủ tướng Chính phủ các đề án phục vụ cho việc phát triển đối tượng tham gia BHXH như: Đổi mới toàn diện nội dung hình thức tuyên truyền; thí điểm thực hiện gói BHXH tự nguyện ngắn hạn; tăng cường kết nối, chia sẻ thông tin trong quản lý, giải quyết chế độ BHXH; nâng cao hiệu lực và hiệu quả hoạt động của các cơ quan, đơn vị thực hiện chính sách BH thất nghiệp.
Ngành BHXH phấn đấu đến năm 2021 sẽ có 1% lực lượng lao động trong độ tuổi tham gia BHXH tự nguyện, tương ứng với 600.000 người; đến năm 2025 đạt khoảng 2,5% lực lượng lao động trong độ tuổi tham gia, tương ứng với 1.500.000 người; đến năm 2030 đạt khoảng 5% lực lượng lao động trong độ tuổi tham gia, tương ứng đạt trên 3.000.000 người.