Tăng nguồn cung sản phẩm, xử lý nghiêm hành vi đầu cơ
Nhằm hạ nhiệt cơn sốt khẩu trang và nước rửa tay sát khuẩn, hàng loạt hệ thống phân phối đã bắt tay với các doanh nghiệp (DN) gia tăng nguồn cung cho thị trường. Dự kiến, hàng trăm ngàn khẩu trang kháng khuẩn và khẩu trang y tế sẽ được tung ra thị trường vào cuối tuần này.
Số lượng cung ứng không nhỏ
Theo ông Đỗ Quốc Huy, Giám đốc marketting Saigon Co.op, đơn vị này đã ký kết hợp đồng sản xuất và bao tiêu hơn 6,5 triệu khẩu trang kháng khuẩn với Công ty Dệt kim Đông Xuân. Từ hôm nay, hệ thống phân phối bán lẻ của Saigon Co.op sẽ bán ra thị trường khoảng 200.000 ngàn khẩu trang kháng khuẩn mỗi ngày và duy trì bán ra khoảng hơn 100.000 khẩu trang y tế/ngày.
Theo Công ty Dệt kim Đông Xuân, vải kháng khuẩn được sản xuất theo phương pháp JIS L1902, vi khuẩn được nuôi cấy vào các mẫu vải trong một khoảng thời gian nhất định rồi ủ trong tủ ấm ở nhiệt độ tương đương nhiệt độ cơ thể người trong 18 giờ, sau đó, đánh giá khả năng kìm hãm sự phát triển của vi khuẩn. Hiện kết quả đánh giá vải kháng khuẩn của Đông Xuân có lượng vi khuẩn ít hơn vải thông thường 100 lần và duy trì được tỷ lệ kháng khuẩn sau 30 lần giặt…
Tương tự, hệ thống Big C cũng đảm bảo cung ứng ra thị trường khoảng 500.000 khẩu trang y tế và 120.000 chai nước rửa tay sát khuẩn. Còn hệ thống Satra, trung bình mỗi ngày nhập và phân phối tại các hệ thống siêu thị, cửa hàng tiện lợi khoảng 40.000 - 60.000 khẩu trang. Hệ thống siêu thị Lotte cho biết vẫn cung ứng sản phẩm khẩu trang với số lượng 26.000 - 30.000 cái/ngày…
Trên kênh thương mại điện tử, Tiki thông tin đang phối hợp đối tác Diana Unicharm tăng lượng sản xuất khẩu trang 3 lớp lên gấp 10 lần để đáp ứng nhu cầu, đồng thời sẽ bắt tay cùng thương hiệu Mayan và Perfetta nhằm mở rộng danh mục các dòng khẩu trang y tế cao cấp 3 lớp.
Tạo thuận lợi cho DN sản xuất
Hiện tại các hệ thống siêu thị đã đưa ra quy định mỗi người không được mua quá một hộp khẩu trang/đơn hàng. Thế nhưng, phải thừa nhận rằng việc kiểm soát tần suất, số lượng mua hàng của các khách hàng rất khó. Nhiều hệ thống siêu thị cho biết, có tình trạng nhiều người ra vào siêu thị nhiều lần để thu mua khẩu trang nhằm bán lại hưởng chênh lệch giá.
Khi được hỏi về khả năng gia tăng nguồn cung ứng sản phẩm khẩu trang và nước rửa tay sát khuẩn cho thị trường nhằm hạ nhiệt cơn sốt mua hàng, nhiều hệ thống phân phối cho biết: không dễ. Các đơn vị đã và đang làm việc với nhà sản xuất nhưng khả năng cung ứng có giới hạn. Riêng nguồn cung nhập khẩu loại sản phẩm này thì không khả thi, do các quốc gia cũng đang tập trung đáp ứng nhu cầu sử dụng trong nước nên hạn chế xuất khẩu.
Ở góc độ nhà sản xuất, ông Nguyễn Xuân Hồng, Chủ tịch Hội Dệt may thêu đan TPHCM, cho biết đây không phải là mặt hàng có sức tiêu thụ cao trên thị trường nên rất ít DN tham gia sản xuất. Do dịch bệnh, nhu cầu sử dụng sản phẩm khẩu trang y tế tăng đột biến, nên trong thời gian ngắn khó có thể đáp ứng kịp. Hiện những DN sản xuất loại sản phẩm này đã tăng công suất tối đa để gia tăng số lượng cung ứng trên thị trường. Tuy nhiên, phải thấy rằng sẽ không thể đáp ứng được nhu cầu nếu người dân vẫn có tâm lý hoang mang và mua tích trữ nhiều như hiện nay.
Đồng quan điểm trên, đại diện Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) cho biết thêm, hiện công suất may khẩu trang kháng khuẩn của toàn hệ thống Vinatex sẽ đạt 320.000 - 350.000 chiếc/ngày; đến ngày 17/2, con số này dự kiến đạt 450.000 - 500.000 chiếc/ngày.
Hiện các hiệp hội cũng vận động DN dệt may chuyển đổi một phần dây chuyền sang sản xuất khẩu trang kháng khuẩn và khẩu trang y tế, nhưng trong thời gian ngắn rất khó thực hiện. Nguyên nhân là do nguồn cung nguyên liệu đang gặp khó, giá nguyên liệu đang ở mức cao. Do vậy, để có thể giảm nhiệt cơn sốt mua khẩu trang, cơ quan chức năng cần hỗ trợ DN tiếp cận nhanh nguồn nguyên liệu, tạo điều kiện thuận lợi trong hoạt động vận chuyển nguyên liệu cho DN trong nước. Đồng thời, xử lý nặng những trường hợp bán sản phẩm khẩu trang kháng khuẩn và y tế giá cao, găm hàng đầu cơ.
Trên thực tế, số lượng khẩu trang cung ứng vào thị trường hàng ngày không nhỏ, vậy vì sao vẫn diễn ra tình trạng khan hiếm hàng? Đại diện các hệ thống phân phối cho rằng, do tâm lý lo sợ thiếu hàng nên có tình trạng nhiều người mua để tích trữ. Mặt khác, sự chênh lệch giá rất lớn giữa mặt hàng khẩu trang bán tại hệ thống siêu thị, cửa hàng thuốc tây với bên ngoài thị trường đã dẫn đến tình trạng nhiều đối tượng tìm cách thu gom hàng hoặc đầu cơ găm giá kiếm lời.