Tăng nguồn tài chính cho phát triển khu vực tư nhân trong nước
Việt Nam cần quản lý nguồn thu thuế một cách bền vững. Nói theo cách khác, cơ sở thu thuế nên được mở rộng. Điều quan trọng tiếp theo là cấu trúc nguồn thu thuế cũng cần được bền vững. Còn về việc đầu tư công, vấn đề này cần được quản lý một cách hiệu quả hơn…
Trả lời phỏng vấn của phóng viên báo chí, ông Cengiz Cihan, Chuyên gia kinh tế cao cấp của UNDP (Chương trình Phát triển của Liên Hợp quốc) cho rằng, hiện nay, tài chính cho phát triển của khu vực tư nhân trong nước đang còn một khoảng cách khá xa so với các nước khác trong khu vực Đông Nam Á. Việt Nam có nhiều tiềm năng, nhưng cần nỗ lực hơn nữa để có thể tăng cường nguồn tài chính cho phát triển của khu vực tư nhân nhằm thu hẹp khoảng cách trên, đặc biệt là thông qua việc đầu tư.
Phóng viên: Ông đánh giá như thế nào về tình hình tài chính cho phát triển tại Việt Nam trong thời gian qua?
Ông Cengiz Cihan |
Ông Cengiz Cihan: Tài chính cho phát triển là vấn đề rất quan trọng, giúp đạt được mục tiêu phát triển bền vững đã đề ra của mỗi quốc gia. Đánh giá về tình hình tài chính cho phát triển ở Việt Nam, tôi muốn nhấn mạnh rằng, Việt Nam đã có nhiều bước tiến triển rất đáng mừng, đặc biệt trong 10 năm qua.
Nhìn vào cấu trúc của tài chính cho phát triển có thể thấy, tài chính cho phát triển của khu vực tư nhân nước ngoài (chủ yếu là đầu tư trực tiếp nước ngoài và kiều hối) trong tổng nguồn tài chính quốc gia đang tăng lên.
Nếu so sánh với các quốc gia khác trong khu vực Đông Nam Á, tốc độ tăng trưởng của nguồn tài chính tư nhân nước ngoài vào khoảng 9,1%, so với mức trung bình của khu vực là 3,2%. Tuy nhiên, tài chính cho phát triển của khu vực tư nhân trong nước lại thấp hơn so với mức trung bình của khu vực Đông Nam Á (Việt Nam tăng trưởng khoảng 4,6%, của khu vực là 8,5%).
Ở khu vực công, hiện nay nguồn thu tương đối tốt so với mức trung bình của khu vực, tuy nhiên, có sự dao động ở mức chi tiêu ngân sách. Việt Nam cần có những chính sách nhằm ổn định nguồn tài chính và duy trì nguồn thu một cách bền vững. Đặc biệt là vấn đề thu thuế do số thu từ dầu và một số loại thuế đã giảm mạnh trong những năm gần đây. Chính vì vậy, Việt Nam cần có những chính sách nhằm ổn định nguồn thu thuế trong tương lai.
Ông nhận định như thế nào về nhu cầu tài chính cho phát triển của Việt Nam hiện nay, có những thuận lợi và khó khăn nào, thưa ông?
Giống như nhiều nước đang phát triển khác, Việt Nam cần vượt qua “bẫy” thu nhập trung bình. Nói cách khác, đó là nâng cao thu nhập bình quân trên đầu người và GDP trong thời gian dài.
Để làm được điều đó và cũng là để đạt được các mục tiêu phát triển bền vững, Việt Nam cần nhiều nguồn tài chính cho phát triển hơn so với trước đây, đặc biệt là đầu tư vào cơ sở hạ tầng như giáo dục, y tế, năng lượng.
Hiện nay, tài chính cho phát triển của khu vực tư nhân trong nước đang còn một khoảng cách khá xa so với các nước khác trong khu vực Đông Nam Á. Việt Nam có nhiều tiềm năng nhưng cần nỗ lực hơn nữa để có thể tăng cường nguồn tài chính cho phát triển của khu vực tư nhân, nhằm thu hẹp khoảng cách trên, đặc biệt là thông qua việc đầu tư.
Đầu tư nước ngoài vào Việt Nam hiện nay đang chiếm tỷ lệ lớn. Đó là dòng vốn đầu tư trực tiếp và kiều hối. Hiện nay, Việt Nam là nước nhận vốn đầu tư tư nhân của nước ngoài đứng thứ 2 trong Đông Nam Á, sau Singapore về đầu tư trực tiếp nước ngoài và Philippines về kiều hối.
Trong đó, lượng kiều hối về Việt Nam hiện đang chiếm tỷ trọng từ 6 - 8% trong tổng GDP và chiếm khoảng 12,5% tổng kiều hối trên toàn thế giới. Hai nguồn vốn này rất quan trọng, nếu được đầu tư vào những lĩnh vực mang lại hiệu quả cao sẽ góp phần giúp Việt Nam phát triển bền vững hơn.
Về nguồn vốn ODA, có ý kiến cho rằng hiện nay vốn ODA không còn rẻ với Việt Nam nữa. Ông đánh giá như thế nào về tính hiệu quả và cần thiết của nguồn vốn vay này?
Ông Cengiz Cihan: Năm 2010, Việt Nam chuyển từ nước thu nhập thấp sang nước có thu nhập trung bình. Điều này có nghĩa là nguồn vốn ODA dành cho Việt Nam sẽ giảm đi. Hiện nay, Việt Nam đang trong quá trình chuyển đổi, điều này không có nghĩa là vốn ODA sẽ không có tác dụng.
Nguồn vốn này sẽ rất có ích với quá trình phát triển cơ sở hạ tầng “cứng” và “mềm” là giáo dục, y tế và nhiều lĩnh vực khác cần nguồn vốn ODA. Tuy nhiên, chúng ta cần tư nhân hóa để nâng cao hiệu quả của nguồn hỗ trợ này.
Tôi cho rằng, các khoản vay ODA cần được tập trung vào những lĩnh vực có tốc độ tăng trưởng cao và hiệu quả. Tuy nhiên, Việt Nam cần quản lý và giải ngân một cách hiệu quả. Đặc biệt, Việt Nam cần minh bạch trong quá trình tư nhân hóa nguồn vốn.
Vậy theo ông, đâu là giải pháp hiệu quả giúp huy động nguồn tài chính cho phát triển tại Việt Nam trong tình hình hiện nay?
Khung Tài chính tích hợp quốc gia của Liên Hợp quốc cần được triển khai quyết liệt hơn nữa tại Việt Nam. Điều này sẽ giúp Việt Nam huy động thêm vốn cho quá trình phát triển. Chúng ta cần triển khai khung chính sách này ở cấp độ quốc gia, cần sự tham gia của nhiều bên để nâng cao hiệu quả.
Đối với khu vực công trong nước, Việt Nam cần quản lý nguồn thu thuế một cách bền vững. Nói theo cách khác, cơ sở thu thuế nên được mở rộng. Điều quan trọng tiếp theo là cấu trúc nguồn thu thuế cũng cần được bền vững. Còn về việc đầu tư công, vấn đề này cần được quản lý một cách hiệu quả hơn. Tài sản công cũng cần được quản lý và giám sát hiệu quả.
Bên cạnh đó, Việt Nam vẫn còn dư địa để thu hẹp khoảng cách về tài chính cho phát triển của khu vực tư nhân. Điều này có thể được khắc phục bằng cách đưa ra nhiều ưu đãi hơn nữa cho khối doanh nghiệp tư nhân. Nguồn tài chính cho phát triển của doanh nghiệp nước ngoài và kiều hối cần được đầu tư vào những lĩnh vực có tính hiệu quả cao và chất lượng cao...
Xin cảm ơn ông!