Cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước: Minh bạch thông tin, đổi mới quản trị
Sau cổ phần hóa, bên cạnh một số doanh nghiệp làm ăn hiệu quả, nhiều doanh nghiệp nhà nước (DNNN) chưa làm tốt hoạt động quản trị. Do đó, việc minh bạch thông tin, đổi mới quản trị chính là hai yếu tố then chốt để doanh nghiệp hoạt động và hoạt động hiệu quả trong nền kinh tế hội nhập.
Thực sự là “bình mới, rượu mới”
Theo đánh giá của Ban chỉ đạo đổi mới và phát triển doanh nghiệp, hơn 20 năm qua, có khoảng 92% tổng số DNNN đã thực hiện cổ phần hóa, nhưng mới có khoảng 10% lượng vốn nhà nước được thay thế bằng nguồn vốn khác.
Cùng với tình trạng cổ phần hóa, thoái vốn của DNNN còn chậm, thì cảnh “ế” cổ phiếu khiến cho việc thu hồi vốn của Nhà nước ở các DNNN không cần nắm giữ cổ phần chi phối trở nên rất khó khăn.
Đánh giá về tình hình cổ phần hóa, Cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp, Bộ Tài chính Đặng Quyết Tiến nhận định, cổ phần hóa sẽ đem lại xu hướng mới, động lực mới cho doanh nghiệp phát triển.
Trong thời gian qua, đã có rất nhiều mô hình tốt như Petrolimex, Vinamilk, PV Gas, Vietnam Airlines, một số doanh nghiệp dược phẩm đã cổ phần hóa đều có hoạt động tốt hơn. Tuy nhiên, về quản trị sau cổ phần hóa thì rất nhiều doanh nghiệp không làm tốt được.
Vì vậy, nếu cổ phần hóa không thay đổi về chất, tức là vẫn duy trì bộ máy cũ, cách quản lý cũ, không đổi mới về quản trị, không công khai, minh bạch thì doanh nghiệp có kết quả không khá hơn DNNN mà có doanh nghiệp còn đi xuống.
Theo ông Đặng Quyết Tiến, cổ phần hóa phải quyết liệt, triệt để thay đổi toàn bộ về lượng và chất, thực sự là “bình mới, rượu mới” thì mới đem lại sự hiệu quả, quá trình đó phải có sự giám sát, kiểm tra, công khai minh bạch, trước trong sau cổ phần hóa. Đặc biệt, sau cổ phần hóa cần kiên quyết hoạt động theo cơ chế thị trường thì mới đem lại giá trị gia tăng lớn.
Đại diện Bộ Tài chính cũng cho rằng, hiện có một số vấn đề lớn ảnh hưởng đến tiến độ cổ phần hóa. Trong đó có nguyên nhân từ tổ chức thực hiện và quyết tâm thay đổi nhận thức của người đứng đầu doanh nghiệp vẫn còn hạn chế.
Đồng thời, còn có sự e ngại trong việc thực hiện thực chất đổi mới khi cổ phần hóa “bình mới, rượu mới”; tâm lý sợ mất vị trí, vai trò sau cổ phần hóa; tư tưởng yên vị vẫn còn đã và đang kìm hãm tiến độ đổi mới.
Tư tưởng né tránh trách nhiệm, sợ va chạm nên chưa làm quyết liệt, mạnh mẽ. Do đó, khi thực hiện quy trình mới cần chặt chẽ, công khai minh bạch, rõ ràng hơn và phải có nhiều bước đi hơn gắn với trách nhiệm cá nhân người đứng đầu doanh nghiệp, cơ quan.
Vị trí ngang bằng
Theo nhiều chuyên gia kinh tế, cổ phần hóa, thoái vốn là giải pháp quan trọng để đổi mới hoạt động của DNNN. Tới nay, hàng lang pháp lý cho cổ phần hóa, thoái vốn được chỉnh sửa, bổ sung hoàn thiện để đạt mục tiêu thay đổi quản trị của DNNN.
Kế hoạch cổ phần hóa, thoái vốn cho từng năm đã được xác định, số thu từ cổ phần hóa cũng được ấn định cho kế hoạch tài chính trung hạn 5 năm. Tuy nhiên, tiến độ cổ phần hóa vẫn chậm.
Để nâng cao hiệu quả hoạt động, điều quan trọng nhất trong thời điểm hiện tại chính là đặt DNNN ở một vị trí ngang bằng với các doanh nghiệp khác, thực hiện đúng mục tiêu tất cả các doanh nghiệp đều bình đẳng trước pháp luật.
Khi cùng một xuất phát điểm thì mới có thể xác định được độ mạnh/yếu thực sự của từng loại hình doanh nghiệp, từ đó lựa chọn cách xử lý phù hợp với từng DNNN thuộc diện tái cơ cấu như: Thoái vốn, cổ phần hóa, cho phá sản hoặc chuyển đổi mục đích kinh doanh.
Việc minh bạch thông tin, đổi mới quản trị chính là hai yếu tố then chốt để doanh nghiệp hoạt động và hoạt động hiệu quả trong nền kinh tế hội nhập, nhưng đây lại là hai điểm yếu của khối DNNN.
Do đó, cần có sự thay đổi căn cơ, không chỉ tách bạch đất đai mà còn dứt hẳn những ưu đãi từ phía Nhà nước, đồng thời có một môi trường cạnh tranh lành mạnh, thì mới có thể thúc đẩy DNNN hoạt động hiệu quả, tương xứng với những gì Chính phủ và người dân kỳ vọng.
Chuyên gia kinh tế Lưu Bích Hồ nhận định, để phát triển bình đẳng với các thành phần doanh nghiệp, cần thay đổi hẳn một tư duy, một cung cách làm ăn của DNNN, doanh nghiệp chưa cổ phần hóa cũng vậy, đã cổ phần hóa thì lại cần công khai, minh bạch thì mới có thể phát triển được và phát triển hiệu quả, phát triển bền vững.
Để khắc phục những bất cập này, cần đổi mới hoạt động của DNNN theo hướng cổ phần hóa, thoái vốn là những giải pháp quan trọng nhằm đạt được hiệu quả, việc cổ phần hóa DNNN cần đạt hiệu quả nhanh hơn bởi càng kéo dài thì giá cổ phần sẽ giảm đi cùng với đó là phải tạo được niềm tin cho các nhà đầu tư về hiệu quả hoạt động do đó phải minh bạch thông tin, kêu gọi đầu tư.
Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế Phùng Văn Hùng cho rằng, doanh nghiệp sau khi cổ phần hóa phải niêm yết trên thị trường chứng khoán. Đây là một bước đi quan trọng, bởi khi niêm yết trên thị trường chứng khoán thì tính công khai, minh bạch sẽ được giám sát bởi các cơ quan nhà nước, bởi các tổ chức kinh tế, người dân theo dõi trên thị trường chứng khoán để có thể đầu tư hoặc không đầu tư vào doanh nghiệp đó. “Đây là kinh nghiệm của thế giới mà nước ta hội nhập thì phải tuân thủ”, ông Phùng Văn Hùng nhấn mạnh.