Dự thảo Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi):

Tăng quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm của doanh nghiệp bảo hiểm

Trần Huyền

Dự thảo Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi) hiện đã được xây dựng với nhiều nhóm chính sách phù hợp với sự phát triển của thị trường. Dự thảo hướng đến tăng quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm và chủ động trong hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp bảo hiểm, từ đó thúc đẩy sự phát triển của thị trường.

Ảnh minh hoạ. Nguồn: internet
Ảnh minh hoạ. Nguồn: internet

Đáp ứng yêu cầu thực tiễn

Theo Bộ Tài chính, Luật Kinh doanh bảo hiểm số 24/2000/QH10 được Quốc hội khóa X kỳ họp thứ 8 thông qua ngày 09/12/2000 đã được sửa đổi, bổ sung một số điều vào năm 2010 và năm 2019 là căn cứ, cơ sở pháp lý để xây dựng khung khổ pháp lý vững chắc, minh bạch cho hoạt động kinh doanh bảo hiểm; tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh, bình đẳng giữa các doanh nghiệp; đáp ứng nhu cầu tham gia bảo hiểm ngày càng đa dạng của các tổ chức, cá nhân.

Tuy nhiên, Luật Kinh doanh bảo hiểm đã được ban hành cách đây 20 năm, khi thị trường bảo hiểm còn non trẻ, cơ quan quản lý cũng mới thành lập, quy mô thị trường còn nhỏ, các sản phẩm, kênh phân phối chưa đa dạng. Do đó, cùng với sự phát triển của thị trường bảo hiểm, Luật Kinh doanh bảo hiểm đã bộc lộ một số bất cập nhất định, tạo khoảng cách giữa hệ thống pháp luật về kinh doanh bảo hiểm so với chuẩn mực và thông lệ quốc tế.

Hiện nay, một số Bộ luật, Luật liên quan trực tiếp đến Luật Kinh doanh bảo hiểm đã được ban hành với các quy định tác động đến quy định của Luật kinh doanh bảo hiểm. Trong khi đó, Luật Kinh doanh bảo hiểm ban hành năm 2000 và sửa đổi năm 2010, 2019 lại chưa sửa đổi kịp thời để phù hợp với thay đổi của hệ thống pháp luật.

Cùng với đó, nền kinh tế ngày càng phát triển, đời sống của nhân dân ngày càng được nâng cao, nhận thức của các tổ chức, cá nhân về bảo hiểm càng ngày càng tăng; sự phát triển của các dịch vụ tài chính mới, Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 dẫn đến nhu cầu tham gia bảo hiểm ngày càng lớn, thị trường bảo hiểm ngày càng phát triển, vượt quá khung khổ hiện tại.

Để khắc phục những bất cập nêu trên, việc ban hành Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi) là cần thiết đáp ứng yêu cầu về sự đồng bộ trong hệ thống pháp luật, phù hợp thực tiễn, các cam kết của Việt Nam và hướng đến chuẩn mực quốc tế về bảo hiểm.

Nhiều nhóm chính sách được xây dựng

Dự thảo Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi) được Bộ Tài chính xây dựng đã bám vào mục đích, quan điểm chỉ đạo và cụ thể hóa tại 07 nhóm chính sách. Đầu tiên, Dự thảo đã hoàn thiện các quy định về mô hình tổ chức, điều kiện thành lập, hoạt động của doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp tái bảo hiểm, được cụ thể hóa tại quy định về cấp phép thành lập và hoạt động, đại lý bảo hiểm, môi giới bảo hiểm.

Tiếp đó là nhóm chính sách về hoàn thiện các quy định về mô hình quản lý tài chính đối với các doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp tái bảo hiểm, được cụ thể hóa tại quy định về kiểm soát nội bộ, kiểm toán nội bộ, quản trị rủi ro; tài chính, hạch toán kế toán; công khai thông tin. Dự thảo Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi) cũng đã quy định cụ thể nhóm chính sách về hoàn thiện hợp đồng bảo hiểm, bảo đảm nguyên tắc bình đẳng, minh bạch và an toàn cho các giao dịch bảo hiểm, được cụ thể hóa tại quy định về hợp đồng bảo hiểm.

Theo quy định tại Dự thảo, Dự thảo Luật khuyến khích sử dụng, ứng dụng công nghệ thông tin, nhằm chuẩn mực hóa các hoạt động và giao dịch bảo hiểm trên thị trường, nâng cao hiệu quả hoạt động bảo hiểm. Điều này được cụ thể hóa tại quy định về ứng dụng công nghệ thông tin trong lĩnh vực bảo hiểm, hoạt động nghiệp vụ.

Một nội dung khác trong Dự thảo là bổ sung, hoàn thiện các quy định về phát triển và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trong lĩnh vực kinh doanh bảo hiểm. Nội dung này được cụ thể hóa tại quy định về quản lý nhà nước về kinh doanh bảo hiểm.

Đặc biệt, Dự thảo Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi) đã bổ sung mới toàn bộ nhóm chính sách về hoàn thiện các quy định về bảo đảm an toàn, đề phòng hạn chế tổn thất, phòng ngừa gian lận bảo hiểm, nâng cao hiệu quả giải quyết tranh chấp tại quy định về đề phòng hạn chế tổn thất, phòng chống gian lận bảo hiểm, giải quyết tranh chấp. Ngoài ra, Dự thảo còn quy định cụ thể nhóm chính sách về hoàn thiện quy định về nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, đồng thời tạo môi trường thuận lợi cho phát triển bảo hiểm.

Theo Bộ Tài chính, việc sửa đổi Luật Kinh doanh bảo hiểm sẽ cho phép các doanh nghiệp tăng quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm; đổi mới mô hình tăng trưởng do chủ động lựa chọn loại hình, phương thức kinh doanh phù hợp với năng lực, đa dạng hóa các phương thức kinh doanh, tiết giảm chi phí do đơn giản hóa thủ tục hành chính và chủ động trong hoạt động kinh doanh; từ đó thúc đẩy sự phát triển của thị trường.