Bảo hiểm Xã hội Việt Nam:

Lấy người tham gia bảo hiểm làm trung tâm để phục vụ, bảo đảm an sinh xã hội

Quế Anh

Trong bối cảnh đại dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, thời gian qua, các đơn vị trực thuộc Bảo hiểm Xã hội (BHXH) Việt Nam và BHXH các địa phương đã chủ động xây dựng các kịch bản, kế hoạch thực hiện các chỉ tiêu, nhiệm vụ phù hợp với từng điều kiện, hoàn cảnh cụ thể tại địa phương; linh hoạt trong thực hiện nhiệm vụ, lấy người tham gia và hưởng chính sách BHXH, bảo hiểm y tế (BHYT) làm trung tâm để phục vụ, bảo đảm an sinh xã hội.

Thời gian qua, ngành BHXH Việt Nam luôn đảm bảo kịp thời quyền lợi cho người tham gia BHXH, BHYT trong bối cảnh dịch bệnh.
Thời gian qua, ngành BHXH Việt Nam luôn đảm bảo kịp thời quyền lợi cho người tham gia BHXH, BHYT trong bối cảnh dịch bệnh.

Đảm bảo quyền lợi cho người tham gia BHXH, BHYT trong bối cảnh dịch bệnh

Ông Nguyễn Thế Mạnh - Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam cho biết, ngay khi đợt dịch COVID-19 lần thứ tư bùng phát, BHXH Việt Nam đã khẩn trương, quyết liệt triển khai nhiều giải pháp thực hiện toàn diện các nhiệm vụ được giao, trên tinh thần đảm bảo kịp thời quyền lợi cho người tham gia và hưởng chính sách BHXH, BHYT.

Với sự phối hợp chặt chẽ của các bộ, ngành, cấp ủy chính quyền địa phương trong việc triển khai thực hiện chính sách, pháp luật BHXH, BHYT, BHTN, thời gian qua, ngành BHXH Việt Nam đã đạt được nhiều kết quả nổi bật trên các mặt công tác.

Cụ thể, đến hết tháng 7/2021, số người tham gia BHXH trên cả nước tăng 4,56% so với cùng kỳ năm 2020 (số tham gia BHXH bắt buộc tăng 1,65%, số tham gia BHXH tự nguyện tăng 61,96%), tổng số thu đạt 55,27% kế hoạch được Chính phủ giao.

Cơ quan BHXH các cấp đã giải quyết trên 5,64 triệu lượt hưởng BHXH; 415.572 lượt hưởng BHTN (trong đó có 406.650 lượt trợ cấp thất nghiệp, 9.102 lượt hỗ trợ học nghề); đảm bảo thanh toán chi phí khám chữa bệnh BHYT cho trên 84 triệu lượt người.

Để vừa đảm bảo quyền lợi cho người tham gia, vừa an toàn trong phòng chống dịch bệnh, ngành BHXH Việt Nam đã và đang thực hiện nhiều biện pháp như: Chi trả lương hưu, trợ cấp BHXH gộp 2 tháng (từ tháng 3 đến tháng 10/2021) vào cùng một kỳ chi trả; thanh toán chi phí xét nghiệm COVID-19 theo chế độ BHYT; tạm ứng, thanh quyết toán chi phí khám chữa bệnh BHYT cho các cơ sở khám chữa bệnh đảm bảo nguồn kinh phí phục vụ công tác khám chữa bệnh BHYT, không để người bệnh tự chi trả chi phí trong phạm vi quyền lợi BHYT được hưởng…

Thực hiện hiệu quả Nghị quyết số 68/NQ-CP và Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg

Bên cạnh đảm bảo quyền lợi cho người tham gia BHXH, BHYT, BHXH Việt Nam đã tích cực triển khai Nghị quyết số 68/NQ-CP của Chính phủ và Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ với nhiều giải pháp sáng tạo để nhanh chóng đưa chính sách hỗ trợ của Nhà nước đến các đối tượng thụ hưởng chính sách, đảm bảo giải quyết hồ sơ nhanh và thuận lợi nhất cho người sử dụng lao động và người lao động.

Cụ thể, BHXH Việt Nam đã thành lập Ban chỉ đạo thực hiện Nghị quyết số 68/NQ-CP và Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg; xây dựng quy trình triển khai, văn bản hướng dẫn; tổ chức hội nghị trực tuyến từ Trung ương đến địa phương để quán triệt các văn bản này một cách quyết liệt, rõ trách nhiệm của từng đơn vị, cán bộ trong việc thực hiện các chính sách hỗ trợ người lao động, người sử dụng lao động gặp khó khăn do dịch COVID-19…

Đồng thời, BHXH Việt Nam đã chỉ đạo BHXH các tỉnh, thành phố phân công lãnh đạo, viên chức chủ động liên hệ với các doanh nghiệp gặp khó khăn do đại dịch COVID-19 để đôn đốc, hướng dẫn đơn vị lập hồ sơ gửi cơ quan BHXH giải quyết các chính sách hỗ trợ; tuyệt đối không phát sinh thêm thủ tục, hồ sơ ngoài quy định, không để hồ sơ quá hạn.

Sau hơn một tháng triển khai Nghị quyết số 68/NQ-CP và Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg, BHXH Việt Nam đã có 12 chính sách hỗ trợ người sử dụng lao động và người lao động hiệu quả và nhanh chóng và được các bộ, ngành, doanh nghiệp, người dân đánh giá cao.

Theo thống kê, đến hết ngày 22/8/2021, ngành BHXH Việt Nam đã thực hiện xong việc gửi thông báo điều chỉnh giảm mức đóng về 0% vào Quỹ Bảo hiểm tai nạn lao động bệnh nghề nghiệp cho 375.000 đơn vị sử dụng lao động (tương ứng 11,238 triệu người lao động và số tiền được điều chỉnh giảm khoảng 4.322 tỷ đồng); tiếp nhận hồ sơ và giải quyết cho 282 đơn vị sử dụng lao động với 46.655 người lao động tạm dừng đóng vào Quỹ Hưu trí và tử tuất với số tiền 325,5 tỷ đồng (tại 38 tỉnh, thành phố)…

Đẩy mạnh thực hiện chuyển đổi số hướng tới xây dựng ngành BHXH hiện đại, chuyên nghiệp

Để hướng tới xây dựng ngành BHXH Việt Nam hiện đại, chuyên nghiệp, thời gian qua, BHXH Việt Nam đã đẩy mạnh thực hiện chuyển đổi số, thích ứng với bối cảnh dịch bệnh COVID-19 góp phần nâng cao chất lượng phục vụ người dân, người lao động.

BHXH Việt Nam đã triển khai mạnh mẽ các dịch vụ công trực tuyến, dịch vụ thanh toán trực tuyến, tạo điều kiện hỗ trợ người dân, doanh nghiệp không phải đi lại, không phải trực tiếp đến cơ quan BHXH khi có nhu cầu thực hiện các thủ tục hành chính. Cụ thể, đã kịp thời cung cấp 6 dịch vụ công trên Cổng dịch vụ công của Ngành; kết nối, tích hợp, cung cấp 5 dịch vụ công trên Cổng dịch vụ công quốc gia để tổ chức thực hiện các chính sách hỗ trợ người lao động, người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID-19...

Bên cạnh đó, cơ quan BHXH các cấp chú trọng hoàn thiện, nâng cấp, bổ sung các tính năng, tiện ích, dịch vụ công và đẩy mạnh các hoạt động hướng dẫn, hỗ trợ đơn vị, doanh nghiệp, người dân, người lao động đăng ký, cài đặt và sử dụng ứng dụng VssID. Nhờ đó, đến nay, toàn quốc có trên 18 triệu lượt người tải, cài đặt và sử dụng ứng dụng VssID…

Cùng với đó, BHXH Việt Nam cũng đã chỉ đạo BHXH các địa phương tiếp tục rà soát, hoàn thiện cơ sở dữ liệu người chưa tham gia BHXH, BHYT; giao chỉ tiêu, xây dựng kịch bản, cách thức, nội dung tuyên truyền, vận động để tập trung khai thác, phát triển đối với những nhóm đối tượng tiềm năng.

Đồng thời, tiếp tục rà soát dữ liệu do cơ quan thuế cung cấp để có hướng tiếp cận phát triển người tham gia BHXH bắt buộc; hướng dẫn người dân đóng BHXH tự nguyện, BHYT hộ gia đình trong thời gian phòng chống dịch COVID-19…

Trong thời gian tới, BHXH Việt Nam tiếp tục chỉ đạo BHXH các địa phương nỗ lực vượt qua giai đoạn khó khăn của đại dịch COVID-19, đảm bảo quyền lợi cho người tham gia và chính sách BHXH, BHYT. Đồng thời, quyết tâm phát triển đối tượng tham gia BHYT hộ gia đình và BHXH tự nguyện theo kế hoạch đề ra…

Theo thống kê, đến hết ngày 22/8/2021, ngành BHXH Việt Nam đã thực hiện xong việc gửi thông báo điều chỉnh giảm mức đóng về 0% vào Quỹ Bảo hiểm Tai nạn lao động bệnh nghề nghiệp cho 375.000 đơn vị sử dụng lao động (tương ứng 11,238 triệu người lao động và số tiền được điều chỉnh giảm khoảng 4.322 tỷ đồng); tiếp nhận hồ sơ và giải quyết cho 282 đơn vị sử dụng lao động với 46.655 người lao động tạm dừng đóng vào Quỹ Hưu trí và tử tuất với số tiền 325,5 tỷ đồng (tại 38 tỉnh, thành phố)…