Trình Quốc hội dự án Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi) tại Kỳ họp thứ hai, Quốc hội khóa XV

Việt Dũng

Chính phủ giao Bộ Tài chính hoàn thiện các quy định của dự thảo Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi) để trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ hai, Quốc hội khóa XV.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.

Tại Nghị quyết số 94/NQ-CP phiên họp chuyên đề về xây dựng pháp luật tháng 8/2021, ban hành ngày 20/8/2021, Chính phủ yêu cầu các bộ, cơ quan ngang bộ, chính quyền địa phương tập trung đẩy nhanh tiến độ sửa đổi, bổ sung theo thẩm quyền hoặc kiến nghị cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật có quy định chồng chéo, mâu thuẫn, không còn phù hợp với thực tiễn, đang gây khó khăn, cản trở các hoạt động đầu tư, sản xuất, kinh doanh và đời sống người dân, nhất là trong bối cảnh đại dịch COVID-19 diễn biến phức tạp hiện nay.

Trong đó, Chính phủ giao Bộ trưởng Bộ Tài chính thừa ủy quyền Thủ tướng Chính phủ, thay mặt Chính phủ ký Tờ trình Quốc hội về dự án Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi) tại Kỳ họp thứ hai, Quốc hội khóa XV.

Cụ thể, Chính phủ thống nhất về sự cần thiết và mục tiêu xây dựng Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi) nhằm thể chế hóa đường lối, chủ trương của Đảng về phát triển thị trường bảo hiểm; khuyến khích các doanh nghiệp bảo hiểm đầu tư trở lại nền kinh tế; nâng cao năng lực quản lý, giám sát của cơ quan quản lý nhà nước về bảo hiểm; thực hiện có hiệu quả các cam kết hội nhập quốc tế trong lĩnh vực bảo hiểm; đồng thời khắc phục những vướng mắc, bất cập trong thực tiễn thi hành pháp luật; tương thích với các chuẩn mực quốc tế về quản lý, giám sát bảo hiểm; bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật.

Với nội dung cơ bản của dự án Luật, Chính phủ yêu cầu chỉnh lý Quy định về tổ chức cung cấp sản phẩm bảo hiểm vi mô. Trong đó, tổ chức cung cấp sản phẩm bảo hiểm vi mô, gồm các doanh nghiệp bảo hiểm được cấp phép thành lập và hoạt động tại Việt Nam; tổ chức tương hỗ cung cấp bảo hiểm vi mô được cấp phép thành lập, hoạt động để cung cấp các sản phẩm bảo hiểm vi mô cho chính các thành viên của mình. Chính phủ yêu cầu không mở rộng đối tượng cung cấp sản phẩm bảo hiểm vi mô đối với Hợp tác xã và doanh nghiệp bảo hiểm vi mô.

Về Quy định điều chỉnh về bảo hiểm bắt buộc tại các luật chuyên ngành khác, Chính phủ yêu cầu bổ sung quy định về mặt nguyên tắc việc điều chỉnh đối với bảo hiểm bắt buộc được quy định tại các luật chuyên ngành khác và giao Chính phủ quy định về điều kiện bảo hiểm, mức phí bảo hiểm, số tiền bảo hiểm tối thiểu và các vấn đề có liên quan khác.

Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Bộ Tư pháp, Văn phòng Chính phủ và các bộ, cơ quan liên quan nghiên cứu, tiếp thu ý kiến của Thành viên Chính phủ, hoàn thiện các quy định của dự thảo Luật về: hợp đồng bảo hiểm; liên kết giữa bảo hiểm y tế của Nhà nước với bảo hiểm sức khỏe trong lĩnh vực kinh doanh bảo hiểm; tỷ lệ sở hữu vốn điều lệ của nhà đầu tư nước ngoài; phê chuẩn, chấp thuận một số chức danh trong doanh nghiệp; đồng tiền sử dụng để góp vốn điều lệ; chuyển lợi nhuận ra nước ngoài; đào tạo, cấp chứng chỉ môi giới bảo hiểm, phụ trợ bảo hiểm; thanh tra hoạt động bảo hiểm...

Tại Nghị quyết, Chính phủ cơ bản thông qua đề nghị xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung 10 luật, bao gồm: Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Hải quan; Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt; Luật Thi hành án dân sự; Luật Đầu tư; Luật Đầu tư công; Luật Đấu thầu; Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư; Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa; Luật Doanh nghiệp; Luật Điện lực.

Để giải quyết dứt điểm những mâu thuẫn còn tồn tại giữa các luật, khơi thông mọi nguồn lực cho đầu tư, kinh doanh, hỗ trợ phòng chống COVID-19, Chính phủ yêu cầu các bộ có nội dung sửa đổi, bổ sung trong 10 Luật nêu trên khẩn trương tổ chức soạn thảo, chịu trách nhiệm về nội dung dự thảo luật, gửi Bộ Tư pháp trước ngày 23/8/2021 để tổng hợp.