Tăng thuế bảo vệ môi trường: Cần nhìn nhận trên nhiều giác độ
Trước nhiều luồng ý kiến khác nhau của dư luận về đề xuất tăng thuế bảo vệ môi trường (BVMT) đối với một số hàng hóa theo Dự thảo Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về biểu thuế BVMT vừa được Bộ Tài chính công bố lấy ý kiến, ông Phạm Đình Thi, Vụ trưởng Vụ Chính sách thuế (Bộ Tài chính) cho rằng, cần nhìn nhận vấn đề này trên nhiều giác độ khác nhau.
Hướng tới phát triển kinh tế bền vững gắn với bảo vệ môi trường
Trong Dự thảo Nghị quyết về biểu thuế BVMT, Bộ Tài chính đề nghị điều chỉnh biểu thuế BVMT đối với một số hàng hóa, cụ thể: Tăng mức thuế BVMT của xăng từ 3.000 đồng/lít lên kịch khung là 4.000 đồng/lít, dầu diesel tăng từ 1.500 đồng/lít lên kịch khung 2.000 đồng/lít, dầu nhờn tăng từ 900 đồng/lít lên kịch khung là 2.000 đồng/lít, mỡ nhờn tăng từ 900 đồng/kg lên kịch khung là 2.000 đồng/kg; Than antraxit tăng từ 20.000 đồng/tấn lên 30.000 đồng/tấn, than nâu, than mỡ và than đá khác tăng từ 10,000 đồng/tấn lên 15.000 đồng; Dung dịch HCFC tăng từ 4.000đồng/kg lên 5.000 đồng/kg; Túi ni lông tăng từ 40.000 đồng/kg lên 50.000 đồng/kg.
Một số ý kiến cho rằng Bộ Tài chính đề xuất tăng thuế BVMT với một số loại hàng hóa như trên nhằm bù đắp các khoản thu ngân sách do thiếu hụt từ thuế nhập khẩu. Về vấn đề này, ông Phạm Đình Thi cho rằng, cần có cái nhìn khách quan trên nhiều giác độ khác nhau.
Cụ thể, xét trên giác độ BVMT có thể thấy, xăng dầu cũng như túi nilon, HCFC là những mặt hàng khi sử dụng gây tác động rất xấu đến môi trường. Riêng đối với xăng dầu, “không chỉ nước ta mà các nước trên thế giới đều quy định riêng sắc thuế với xăng dầu để khuyến khích người dân sử dụng các sản phẩm thân thiện với môi trường.” – ông Thi nhấn mạnh.
Điều chỉnh tăng thuế BVMT với các loại hàng hóa trên nhằm khuyến khích tổ chức, cá nhân sản xuất, sử dụng sản phẩm thay thế, thân thiện với môi trường; Đảm bảo lợi ích quốc gia trong điều kiện hội nhập sâu; Góp phần phát triển kinh tế bền vững gắn với bảo vệ môi trường.
Thể chế hóa chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước
Việc điều chỉnh thuế BVMT đã thể chế hóa quan điểm, chủ trương của Đảng và chính sách của Nhà nước về hoàn thiện chính sách tài chính hướng tới phát triển bền vững và nhằm mục tiêu cơ cấu lại nguồn thu NSNN, cải cách thuế BVMT, xây dựng hệ thống thuế đồng bộ.
Dẫn chứng cho nhận định này, ông Thi cho biết, Nghị quyết số 07-NQ/TW ngày 18/11/2016 của Bộ Chính trị về chủ trương, giải pháp cơ cấu lại NSNN, quản lý nợ công để bảo đảm nền tài chính quốc gia an toàn, bền vững đã đề ra giải pháp cơ cấu lại nguồn thu NSNN. Cùng với đó, Nghị quyết số 25/2016/QH14 ngày 09/11/2016 của Quốc hội về kế hoạch tài chính 5 năm quốc gia giai đoạn 2016-2020 cũng đưa ra giải pháp cơ cấu lại NSNN là hoàn thiện cơ cấu lại nguồn thu NSNN, khai thác tốt các nguồn thu từ tài sản, tài nguyên và môi trường.
Tại phiên họp lần thứ 14 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự thảo Luật sửa đổi bổ sung Luật thuế BVMT, ngoài một số ý kiến cho rằng cần thiết phải mở rộng đối tượng chịu thuế, đưa thêm một số hàng hóa vào đối tượng chịu thuế BVMT để hướng tới phát triển kinh tế bền vững thì có ý kiến cho rằng phải làm rõ cơ sở khoa học để xem xét mở rộng khung và đề nghị Chính phủ điều chỉnh thuế BVMT. Theo đó, Bộ Tài chính đã báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và được Thủ tướng cho ý kiến giao Bộ Tài chính phối hợp với Bộ Tư pháp và các ngành liên quan nghiên cứu đề xuất điều chỉnh thuế BVMT.
Với phương án đề xuất điều chỉnh thuế BVMT theo Dự thảo Nghị quyết về biểu thuế BVMT thì tổng số thu thuế BVMT dự kiến khoảng 57.312 tỷ đồng/năm, sẽ tăng thêm khoảng 15.684,2 tỷ đồng/năm. Cùng với số thu thuế BVMT tăng lên, số thu thuế GTGT đối với các hàng hóa này cũng sẽ tăng lên khoảng 1.568,4 tỷ đồng. Khi đó, tổng số thu NSNN dự kiến tăng lên khoảng 17.252,6 tỷ đồng/năm. Ông Thi cho biết, nếu đề nghị được thông qua, Nghị quyết về biểu thuế BVMT sẽ có hiệu lực từ ngày 1/7/2018.