Tăng thuế bảo vệ môi trường với xăng dầu: Tác động ra sao?
Đề xuất tăng mức thuế bảo vệ môi trường (BVMT) với mặt hàng xăng dầu tại Dự thảo Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về biểu thuế BVMT vừa được Bộ Tài chính công bố lấy ý kiến rộng rãi gần đây đã thu hút sự quan tâm của dư luận.
Mức điều chỉnh nằm trong khung thuế do Quốc hội quy định
Tại Dự thảo Nghị quyết, Bộ Tài chính đề xuất tăng mức thuế BVMT đối với mặt hàng xăng từ 3.000 đồng/lít lên mức trần 4.000 đồng/lít; Dầu diesel từ 1.500 đồng/lít lên mức trần 2.000 đồng/lít; Dầu mazut, dầu nhờn từ 900 đồng/lít lên mức trần 2.000 đồng/lít; Mỡ nhờn tăng từ 900 đồng/kg lên mức trần 2.000 đồng/kg nhằm khuyến khích tổ chức, cá nhân sản xuất, sử dụng sản phẩm thay thế, thân thiện với môi trường và đảm bảo lợi ích quốc gia trong điều kiện hội nhập sâu khi thực hiện cắt giảm dần thuế nhập khẩu theo các cam kết quốc tế.
Riêng đối với nhiên liệu bay, dầu hỏa, Bộ Tài chính đề xuất giữ như hiện hành do mức thuế của nhiên liệu bay đang ở mức trần trong khung thuế suất và dầu hỏa là mặt hàng thiết yếu phục vụ cho đa số người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số ở vùng sâu, vùng xa.
Các mức điều chỉnh thuế BVMT đối với từng hàng hóa chịu thuế nêu trên đều nằm trong khung thuế do Quốc hội quy định và phù hợp với các nguyên tắc quy định mức thuế theo quy định tại Điều 8 Luật thuế BVMT.
Theo đó, điều chỉnh tăng thuế BVMT với xăng dầu phù hợp với chính sách phát triển kinh tế - xã hội của Nhà nước trong từng thời kỳ, góp phần thể chế hóa quan điểm, chủ trương của Đảng và chính sách của Nhà nước về hoàn thiện chính sách tài chính về BVMT và cơ cấu một bước lại nguồn thu NSNN; Đảm bảo lợi ích quốc gia trong điều kiện hội nhập sâu khi thực hiện cắt giảm dần thuế nhập khẩu theo các cam kết quốc tế.
Đồng thời, các mức tăng thuế BVMT được đề xuất còn phù hợp mức độ gây tác động xấu đến môi trường của các loại hàng hóa, trong đó có xăng dầu do đây là mặt hàng mà khi sử dụng hay thải bỏ đều gây ảnh hưởng xấu đến môi trường ở diện rộng.
Tác động tích cực trên nhiều phương diện
Thuế BVMT là một trong các yếu tố cơ bản cấu thành giá cơ sở - căn cứ để cơ quan quản lý nhà nước điều hành giá bán lẻ xăng dầu. Theo kết quả đánh giá do Ngân hàng thế giới thực hiện tháng 01/2018, với phương án điều chỉnh mức thuế BVMT đối với xăng chỉ tăng 1.000 đồng/lít và nếu giá dầu thô không biến động nhiều, các yếu tố khác cấu thành giá cơ sở xăng dầu không thay đổi thì mức độ tác động đối với giá bán xăng dầu như sau: Đối với xăng, tỷ lệ tăng thuế BVMT trong giá bán khoảng 4,9%; Với dầu diesel khoảng 3,2%; Dầu mazut khoảng 8,9%; Dầu nhờn khoảng 0,6% và mỡ nhờn khoảng 2,3%.
Chuyên gia kinh tế Đinh Trọng Thịnh cho rằng, giá xăng dầu ở Việt Nam nhìn chung vẫn thấp hơn nhiều nước. Điều này dẫn tới tình trạng buôn lậu xăng dầu. Thêm vào đó, tỷ trọng thuế liên quan đến BVMT trong xăng dầu tại Việt Nam còn thấp.
Ông Thịnh cho biết, tại nhiều quốc gia, ngoài thuế BVMT còn có các loại thuế khác liên quan đến môi trường ngay khi xe bắt đầu lăn bánh như: thuế BVMT trong mỗi kilometer xe chạy, thuế khí thải… Bởi vậy, việc điều chỉnh chính sách thuế BVMT là hợp lý và có tác động bảo vệ giá trong nước, chống buôn lậu.
Do xăng dầu là sản phẩm có chứa nhiều chất gây ô nhiễm môi trường như chì, lưu huỳnh, benzen, hydrocacbon thơm, hydrocacbon nặng và một số phụ gia... gây hại đến an toàn, sức khỏe và môi trường. Do đó, việc điều chỉnh tăng mức thuế BVMT đối với xăng dầu sẽ tác động tích cực, khuyến khích sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả; Chuyển dần sang sản xuất, sử dụng sản phẩm, nhiên liệu thân thiện với môi trường như xăng E5, giảm bớt các tác động tiêu cực đến môi trường.
Thêm vào đó, cùng với quy định mức thuế tiêu thụ đặc biệt đối với xăng E5 thấp hơn xăng gốc hóa thạch thì việc tăng mức thuế BVMT đối với xăng gốc hóa thạch như trên sẽ tạo thêm chênh lệch giữa giá xăng E5 và xăng gốc hóa thạch, từ đó góp phần khuyến khích sản xuất và sử dụng xăng sinh học, hạn chế sử dụng nhiên liệu hóa thạch gây ô nhiễm môi trường.
Bàn về vấn đề này, bà Nguyễn Thị Cúc - Chủ tịch Hội Tư vấn thuế Việt Nam cho rằng, thuế BVMT đối với mỗi lít xăng tăng nhưng thuế tiêu thụ đặc biệt lại điều chỉnh giảm đối với các loại ô tô sử dụng năng lượng sinh học, chỉ bằng 30% so với các sản phẩm sử dụng xăng. Như vậy, các sắc thuế này có sự đan xen với nhau và việc tăng thuế BVMT đối với xăng dầu là cần thiết trong bối cảnh hiện nay.