Tăng tốc đào tạo nguồn nhân lực cho ngành công nghiệp vi mạch bán dẫn
Cuộc khủng hoảng thiếu hụt chíp bán dẫn trong những năm gần đây đã làm “tê liệt” dây chuyền sản xuất tại một số quốc gia. Trong bối cảnh đó, ngành công nghiệp vi mạch bán dẫn ở khu vực Đông Nam Á nổi lên như một giải pháp và Việt Nam được kỳ vọng sẽ trở thành tâm điểm trong chuỗi đầu tư giá trị bán dẫn toàn cầu.
Dù được xem có thể mang lại nguồn thu hàng tỷ USD, nhưng ngành công nghiệp vi mạch bán dẫn tại Việt Nam vẫn phải đối mặt với nhiều thách thức, nhất là thiếu hụt nguồn nhân lực cho ngành công nghiệp này.
Mới đáp ứng 20% nhu cầu
Trong bối cảnh tác động mạnh mẽ của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, nhiều doanh nghiệp Việt Nam đã và đang không ngừng thay đổi về tư duy, giải pháp, máy móc, nguồn nhân lực nhằm hướng đến mục tiêu phát triển ngành công nghiệp vi mạch bán dẫn. Công ty cổ phần Tập đoàn Điện Quang là một trong số những đơn vị tiên phong về vấn đề này.
Hiện, Điện Quang dành sự quan tâm đặc biệt để phát triển riêng ở mảng công nghiệp hỗ trợ, OEM (Original Equipment Manufacturer - nhà sản xuất thiết bị gốc). Công ty đã chủ động trang bị các dây chuyền sản xuất chíp LED hiện đại với quy mô ước tính hơn 150 triệu chíp LED/năm.
Điện Quang cũng tiến hành đầu tư nhà máy Điện Quang công nghệ cao, trung tâm nghiên cứu và phát triển (R&D), phòng Lab và kiểm nghiệm tại Khu Công nghệ cao TP. Hồ Chí Minh với các dây chuyền và thiết bị hiện đại đủ năng lực sản xuất chíp LED, sản xuất bo mạch điện tử và các thiết bị điện, điện tử cho nhiều ngành nghề khác nhau như: y tế, ô-tô, ngành công nghệ thông tin và viễn thông. Điện Quang còn tham gia sản xuất các thiết bị điện tử có độ khó cao như máy tính bảng, laptop.
Định hướng của Điện Quang gắn liền với phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, nhất là chú trọng xây dựng đội ngũ R&D. Đến nay, Trung tâm R&D của Điện Quang với hơn 100 kỹ sư, hoạt động từ khâu thiết kế, tạo mẫu sản phẩm, xây dựng giải pháp, kiểm tra chất lượng và tổ chức sản xuất đại trà.
Ông Trần Bá Linh - Tổng Giám đốc Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên Công nghệ cao Điện Quang (Công ty cổ phần Tập đoàn Điện Quang) cho biết: Trong những năm qua, đơn vị này đã chuẩn bị sẵn sàng để đón đầu xu hướng về ngành công nghiệp vi mạch bán dẫn.
Để thực hiện điều đó, Điện Quang đã chuẩn bị đội ngũ nhân sự với các kỹ sư R&D và đội ngũ thiết kế chất lượng để nghiên cứu phát triển các sản phẩm và thiết bị liên quan trực tiếp đến ngành vi mạch bán dẫn, công nghệ cao.
Điện Quang cũng đã đầu tư máy móc, thiết bị và dây chuyền sản xuất hiện đại, đủ năng lực sản xuất các sản phẩm điện tử có độ khó cao, sẵn sàng nhận gia công cho các đơn vị những bo mạch, sản phẩm theo tiêu chuẩn chất lượng quốc tế.
Với quyết tâm tham gia sâu vào chuỗi bán dẫn toàn cầu, không chỉ Điện Quang, nhiều doanh nghiệp đã và đang đầu tư nguồn lực cho ngành công nghiệp vi mạch bán dẫn, thị trường được dự kiến tăng 1,65 tỷ USD trong giai đoạn 2021-2025, với tốc độ tăng trưởng khoảng 6,5%/năm tại Việt Nam.
Tuy nhiên, rào cản lớn nhất hiện nay là nguồn nhân lực thiếu về số lượng, yếu về chất lượng. Nhân lực ngành chíp tại Việt Nam vẫn đang nằm trong mức “báo động đỏ” dù đã đón nhận những bước tiến lớn trong công tác kêu gọi, thu hút vốn đầu tư và các thiết bị chuyển giao khoa học-công nghệ.
Người lao động được tuyển dụng cũng phải trải qua khóa đào tạo lại kéo dài từ 6 đến 12 tháng mới có thể nắm bắt tiến độ công việc. Các yếu tố kể trên dấy lên mối lo ngại trong ngành vi mạch bán dẫn Việt Nam: được đầu tư nhiều nhưng vẫn giậm chân tại chỗ vì thiếu người lao động.
Theo thống kê của Hội Công nghệ vi mạch bán dẫn TP. Hồ Chí Minh (HSIA), 95% nguồn vốn đầu tư trực tiếp cho công nghệ vi mạch tại Việt Nam đến từ nước ngoài. Cả nước chỉ có khoảng 50 doanh nghiệp sản xuất.
Việt Nam hiện có hơn 5.500 kỹ sư thiết kế chíp, tập trung chủ yếu ở TP. Hồ Chí Minh, chiếm hơn 76%. Nhu cầu nhân lực của công nghiệp bán dẫn cần từ 5.000 đến 10.000 kỹ sư/năm nhưng khả năng bổ sung cho nguồn nhân lực này chỉ đạt khoảng 20%.
Ông Nguyễn Anh Tuấn - Chủ tịch Hội Công nghệ vi mạch bán dẫn TP. Hồ Chí Minh cho biết: Trong các công đoạn sản xuất vi mạch bán dẫn thì Việt Nam tập trung vào công đoạn thiết kế vi mạch, chiếm khoảng 52%.
Còn lại các công đoạn khác như sản xuất vi mạch, đóng gói-kiểm định vi mạch... chiếm 48%, nhưng vẫn còn rất non trẻ. Điều này đồng nghĩa, trong 5.500 nhân lực ngành bán dẫn hiện có ở Việt Nam chủ yếu tập trung vào thiết kế vi mạch, còn lại các công đoạn khác nguồn nhân lực rất thiếu.
“Trong thời gian qua, các tập đoàn lớn trong lĩnh vực vi mạch bán dẫn trên thế giới cho rằng nếu không có nguồn nhân lực thì rất khó để các tập đoàn này đầu tư vào Việt Nam. Hội Công nghệ vi mạch bán dẫn TP. Hồ Chí Minh đã làm việc với Trường đại học Khoa học tự nhiên (Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh) để tập trung giải quyết nguồn nhân lực vi mạch bán dẫn. Nếu không có nguồn nhân lực thì không làm được gì”, ông Nguyễn Anh Tuấn chia sẻ.
Gỡ nút thắt bằng cách nào?
Công nghiệp vi mạch bán dẫn là một ngành công nghệ cao đem lại nhiều giá trị gia tăng và là nền tảng để hỗ trợ, đẩy mạnh sự phát triển của các ngành công nghiệp khác, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế theo chiều sâu. Vấn đề xây dựng công nghiệp mũi nhọn như công nghiệp vi mạch bán dẫn không dễ, đòi hỏi sự nỗ lực đồng bộ, từ Nhà nước đến nhà đầu tư, nhà trường, nhà sản xuất.
Có chuyên gia trong ngành khẳng định, để giải quyết vấn đề thiếu nguồn nhân lực, điều quan trọng nhất phải có sự tham gia chặt chẽ của ba nhà: Nhà nước, nhà trường, doanh nghiệp. Nhà nước kiến tạo bằng cơ chế chính sách, nhà trường tập trung vào việc xây dựng chương trình đào tạo nguồn nhân lực cho chuẩn, doanh nghiệp phối hợp với các trường đại học để đào tạo sinh viên ra trường có thể đảm nhận công việc được ngay.
GS.TS. Đặng Lương Mô - cố vấn Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh cho rằng, chúng ta cần có lộ trình rõ rệt và tầm nhìn xác đáng trong công nghiệp xây dựng nền vi mạch bán dẫn từ thiết kế đến chế tạo.
Trong đó, các tổ chức đào tạo nên chú ý đến đào tạo kỹ sư thiết kế vi mạch bán dẫn không phải chỉ là những thợ lành nghề, mà nên là những mầm non phát triển mang tính đột phá.
Chúng ta cần nhận thức rõ phát triển ngành vi mạch bán dẫn chính là công cuộc chuyển hóa các thành tựu khoa học và công nghệ thành hàng hóa có giá trị gia tăng cao và tạo điều kiện cho Việt Nam có cơ hội xác lập vị thế mới trên bản đồ vi mạch bán dẫn toàn cầu.
Do đó, trong đào tạo, các cấp cần quan tâm và thí điểm các cơ chế, chính sách để phát triển nguồn nhân lực cho ngành vi mạch bán dẫn.
Trước mắt, trong năm học 2024-2025, Trường đại học Khoa học tự nhiên dự kiến tuyển sinh đào tạo nguồn nhân lực cho ngành vi mạch bán dẫn theo chương trình đào tạo chuẩn quốc tế, bảo đảm kiến thức và kỹ năng theo nhu cầu của doanh nghiệp.
Cũng trong năm học này, nhà trường xây dựng Phòng thí nghiệm Công nghệ bán dẫn và nano quang tử với tổng kinh phí khoảng 260 tỷ đồng nhằm đào tạo, nghiên cứu và sản xuất thử nghiệm các linh kiện bán dẫn có cấu trúc MEMS, tiến tới làm chủ công nghệ sản xuất linh kiện bán dẫn.
Ngoài ra, nhà trường đẩy mạnh tăng cường hợp tác, thu hút nhân lực trình độ cao tốt nghiệp từ nước ngoài đúng chuyên môn cho hoạt động đào tạo và nghiên cứu trong lĩnh vực công nghệ bán dẫn.
Theo các chuyên gia, khi ngành công nghiệp vi mạch bán dẫn phát triển đến một ngưỡng nhất định, Việt Nam buộc phải đào tạo thêm nhiều kỹ sư thiết kế chuyên nghiệp thay vì lao động lành nghề để định vị thế mạnh của quốc gia trong hệ sinh thái chuỗi giá trị bán dẫn.
Do đó, việc mở rộng chương trình đào tạo kỹ sư có năng lực chuyên môn cao là một trong những giải pháp vừa cấp bách, vừa mang tính chiến lược lâu dài.
Mới đây, Khu Công nghệ cao TP. Hồ Chí Minh ra mắt Trung tâm Điện tử và Vi mạch bán dẫn (ESC) trên cơ sở hợp nhất Trung tâm đào tạo thiết kế vi mạch Khu Công nghệ cao và Trung tâm đào tạo Điện tử quốc tế.
Trung tâm Điện tử và Vi mạch bán dẫn được định hướng phát triển trở thành đơn vị đầu mối của cả nước, là cơ sở hạ tầng dùng chung, hỗ trợ cho các trường đại học, viện nghiên cứu lớn trong cả nước. Qua đó, đẩy nhanh việc phát triển nguồn nhân lực phục vụ mục tiêu phát triển các ngành công nghiệp và điện tử, vi mạch bán dẫn.
Phó GS.TS. Nguyễn Anh Thi - Trưởng Ban quản lý Khu Công nghệ cao TP. Hồ Chí Minh cho rằng, chúng ta có thế mạnh là khâu đóng gói với Nhà máy Intel Việt Nam đang chiếm 70% sản lượng đóng gói vi mạch của hệ thống Intel.
Qua phân tích và nhận định bạn bè thế giới, Việt Nam có hai thế mạnh đó là tham gia vào khâu thiết kế và tham gia vào khâu đóng gói. Trong lĩnh vực thiết kế cần rất nhiều nhân lực để thu hút trực tiếp các doanh nghiệp FDI đang dịch chuyển vào Việt Nam.
Đồng thời, cần kiến tạo các điều kiện để có thể hình thành các doanh nghiệp ươm tạo trong nước về thiết kế vi mạch. Trung tâm Điện tử và Vi mạch bán dẫn có chương trình ươm tạo, chương trình đầu tiên và duy nhất tại khu vực Đông Nam Á do Công ty Synopsys (Mỹ) hợp tác với Việt Nam để triển khai.
Theo thống kê, hiện cả nước có khoảng 35 cơ sở giáo dục đại học có khả năng tham gia đào tạo nhân lực cho ngành công nghiệp vi mạch bán dẫn, tuy nhiên số lượng cơ sở đào tạo có kinh nghiệm, có truyền thống còn rất ít.
Để tăng nhanh số lượng và chất lượng nguồn nhân lực vi mạch bán dẫn, các chuyên gia cho rằng, Nhà nước cần có chính sách, quy định cụ thể để khuyến khích doanh nghiệp đầu tư nghiên cứu, phát triển cơ sở sản xuất vi mạch bán dẫn.
Ngoài ra, cần có chính sách hỗ trợ trường đại học đầu tư cơ sở vật chất, nguồn nhân lực, đội ngũ chuyên gia phục vụ đào tạo, nghiên cứu.
Về phía Bộ Giáo dục và Đào tạo, cần nhanh chóng xem xét, bổ sung mã ngành đào tạo trực tiếp về vi mạch bán dẫn, hướng dẫn xây dựng ngành, chương trình đào tạo; kết nối chuyên gia, trường đại học quốc tế với các trường đại học, cơ sở đào tạo ở Việt Nam... để đào tạo nguồn nhân lực cho ngành vi mạch.