Quản lý vốn nhà nước:

Tăng trách nhiệm cá nhân nhằm tránh tham nhũng, tiêu cực

Theo thoibaotaichinhvietnam.vn

(Tài chính) "Giám sát sử dụng vốn chặt chẽ nhưng đồng thời vẫn phải tạo điều kiện cho doanh nghiệp chủ động tìm kiếm cơ hội trong kinh doanh, là điều cần thiết được đặt ra và xử lý một cách tối ưu trong Luật Đầu tư và Quản lý vốn nhà nước đầu tư vào doanh nghiệp sắp ban hành", Luật sư Nguyễn Tiến Lập - Văn phòng Luật sư NHQuang và Cộng sự khẳng định với phóng viên.

Phóng viên: Vì sao đã có Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp nhưng vẫn cần ban hành thêm luật mới - Luật Đầu tư và Quản lý vốn nhà nước đầu tư vào doanh nghiệp, thưa ông?

luật sư nguyễn tiến lập
Luật sư Nguyễn Tiến Lập
Luật sư Nguyễn Tiến Lập: Đó là chuyện bình thường, bởi Nhà nước, với tư cách là nhà đầu tư vốn vào doanh nghiệp (chủ yếu cho mục đích kinh doanh) cần có luật để điều chỉnh hành vi của mình. Luật Đầu tư và Luật Doanh nghiệp được ban hành để áp dụng cho mọi nhà đầu tư của mọi thành phần kinh tế, không phân biệt nguồn vốn.

Đối với đầu tư vốn nhà nước vào hoạt động kinh doanh thì có một đặc thù: Đó là nguồn vốn thuộc sở hữu toàn dân, do đó rất khó xác định ai là chủ sở hữu hay nhà đầu tư.

Hơn nữa một khi xác định được ai, cơ quan nào là “chủ sở hữu” hay “đại diện chủ sở hữu” rồi thì vấn đề là nhà đầu tư đó sẽ kinh doanh vốn của “người khác”, và một khi sử dụng tiền của người khác thì sẽ phát sinh vấn đề tiếp theo là xác định trách nhiệm quản lý thế nào để tăng cường trách nhiệm cá nhân, tránh thất thoát và lãng phí, hay thậm chí tham nhũng, tiêu cực.

Ban hành Luật Đầu tư và Quản lý vốn nhà nước đầu tư vào doanh nghiệp chính là nhằm mục đích làm rõ hơn các vấn đề này.

Nói một cách khác, từ góc độ pháp lý, đó sẽ là một “luật riêng” được áp dụng bên cạnh và đồng thời với các “luật chung” nói trên, trong đó sẽ quy định cụ thể các nội dung như thẩm quyền ra quyết định đầu tư vốn nhà nước, cách thức chỉ định và bổ nhiệm cơ quan, cá nhân thực hiện chức năng đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước, trách nhiệm của các chủ thể này cũng như các cá nhân được ủy quyền quản lý phần vốn nhà nước đã đầu tư vào doanh nghiệp…

Tại sao sau nhiều năm Nhà nước đầu tư vốn vào các doanh nghiệp nhưng đến thời điểm này mới ban hành luật riêng?

Có thể nói rằng các vấn đề nêu trên đã luôn luôn được điều chỉnh bởi các văn bản dưới luật như nghị định, quyết định và Thông tư. Tuy nhiên Quốc hội thấy rằng cần thiết phải ban hành luật riêng để tăng cấp độ quản lý nhà nước đối với vấn đề này, và cũng được hiểu rằng nhằm tăng thêm vai trò giám sát, quản lý vốn và tài sản nhà nước của Quốc hội với tư cách là người đại diện cao nhất của sở hữu toàn dân.

Vậy thì, cách nào để đảm bảo quản lý, giám sát hoạt động đầu tư, sử dụng vốn tại doanh nghiệp đạt hiệu quả, nhưng đồng thời vẫn tạo điều kiện cho doanh nghiệp chủ động tìm kiếm cơ hội kinh doanh, thị trường và mở rộng quy mô sản xuất, thưa ông?

Nội dung này hàm ý nhu cầu xác lập sự cân bằng giữa hai yếu tố đối nghịch nhau, có nghĩa là càng tăng cường giám sát thì càng làm giảm tính tự chủ của doanh nghiệp và doanh nghiệp càng ít tự chủ thì hiệu quả hoạt động và kinh doanh chắc chắn càng thấp, và ngược lại. Tuy nhiên, xét từ góc độ quản lý vốn nhà nước đầu tư vào doanh nghiệp, cả hai vấn đề này đều cần thiết được đặt ra và buộc phải được xử lý một cách tối ưu.

Mặc dù vậy, có thể thấy một nghịch lý, khi việc quản lý, giám sát được “siết chặt” thì doanh nghiệp hoạt động kém hiệu quả, nhưng khi có sự “nới lỏng” thì doanh nghiệp có vẻ như tăng trưởng mạnh mẽ. Nhưng kết quả cuối cùng đổi lại là sự lãng phí và thất thoát lớn hơn.

Để giải bài toán này cần áp dụng nhiều biện pháp như: Thứ nhất, ở cấp độ vĩ mô cần tăng cường quản lý nhà nước và giám sát của chủ sở hữu bằng các công cụ pháp luật thay cho sự can thiệp hành chính tùy tiện; Thứ hai, ở cấp độ điều hành cần có cơ chế ký kết các thỏa thuận về trách nhiệm và điều hành giữa cơ quan đại diện chủ sở hữu nhà nước và các nhà quản lý vốn nhà nước hay điều hành doanh nghiệp nhà nước, như cách làm khá phổ biến ở các nước có sự tồn tại nhiều doanh nghiệp nhà nước.

Các thỏa thuận này được xác lập trong khuôn khổ pháp luật nhưng vẫn tạo được sự linh hoạt và không gian hợp lý cho quyền tự do thỏa thuận giữa các bên liên quan đến mục tiêu, trách nhiệm quản lý và các quyền, lợi ích mà người điều hành doanh nghiệp được hưởng trên cơ sở hiệu quả mang lại.

Ở khía cạnh này, chúng ta không nên “cào bằng” mức lương áp dụng cho các cấp lãnh đạo, điều hành của mọi doanh nghiệp nhà nước. Bởi, một khi “cào bằng” như vậy sẽ không còn không gian cho sự sáng tạo, trách nhiệm và tài năng cá nhân.

Xin cảm ơn ông!