Tăng trưởng GDP 6,2% - Mục tiêu có tính khả thi

Theo Duy Cường/Thông tin Tài chính

(Tài chính) Năm 2015, chỉ tiêu tăng trưởng GDP được Quốc hội thông qua là 6,2% - vượt qua ngưỡng tăng trưởng dưới 6% của 4 năm trước đó. Bên cạnh những khó khăn, thách thức thì những kết quả khả quan đạt được trong năm 2014 cùng với quyết tâm đẩy mạnh tái cơ cấu kinh tế, đẩy mạnh hội nhập kinh tế quốc tế, thực hiện 3 đột phá chiến lược… là cơ sở để hy vọng về tính khả thi của chỉ tiêu kinh tế vĩ mô quan trọng hàng đầu này.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet
GDP sẽ tăng trưởng cao hơn

Năm 2014 là năm đầu nền kinh tế đạt và vượt mục tiêu tăng trưởng đề ra sau 3 năm liên tiếp không đạt. Khoảng cách giữa mục tiêu tăng trưởng và kết quả thực tế của 3 năm 2011, 2012, 2013 lần lượt là 7 - 7,5% và 5,89%; 6 - 6,5% và 5,03%; 5,5% và 5,42%. Những kết quả quan trọng của năm 2014 chính là nền tảng cơ bản cho việc thực hiện mục tiêu tăng trưởng 6,2% trong năm 2015.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng khẳng định, năm 2015, sẽ bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô tốt hơn, vững chắc hơn. Tỷ giá, lãi suất sẽ được kiểm soát ổn định. Lạm phát sẽ được chủ động kiểm soát ở mức 5% để tạo thuận lợi cho nền kinh tế phát triển. Tăng trưởng GDP 6,2% năm 2015 là mục tiêu khả thi.

Theo ông Warren Hogan, Chuyên gia kinh tế trưởng của Ngân hàng ANZ, tăng trưởng kinh tế của Việt Nam được dự báo khả quan hơn là nhờ lạm phát được kiểm soát, tình hình dự trữ được cải thiện, FDI vào các ngành sản xuất có giá trị gia tăng cao hơn và xuất khẩu tăng trưởng khá hơn. Ngoài ra, ANZ cũng cho rằng, tỷ giá của Việt Nam cũng khá ổn định, vị thế đối ngoại của đồng tiền được cải thiện hơn.

Ông Sandeep Mahajan, Chuyên gia kinh tế trưởng của Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam cho rằng, tiềm năng tăng trưởng của Việt Nam trong trung hạn vào khoảng 6 - 6,5%. Cơ sở của dự báo này là dư địa phát triển của ngành chế tạo phục vụ xuất khẩu, với mức độ đa dạng hóa cao, ngày càng hướng tới các ngành giá trị gia tăng cao, khu vực tư nhân có sức bật tốt. Bên cạnh đó, tâm lý kinh doanh trong các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài đang được cải thiện.

Động lực tăng trưởng kinh tế của năm tới có thể thấy khá rõ, đó là sự phát triển mạnh mẽ của khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI). Việc dòng vốn FDI liên tục đổ vào Việt Nam, đặc biệt là dòng vốn từ các tập đoàn đa quốc gia đầu tư vào một số lĩnh vực công nghệ cao, đang mở ra nhiều cơ hội cho Việt Nam nhằm gia tăng năng lực sản xuất và xuất khẩu, qua đó thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Theo kết quả khảo sát mới đây của PwC, Việt Nam xếp thứ 7 trong nhóm 10 nền kinh tế hàng đầu APEC được tăng cường đầu tư và xếp thứ 6 trong 10 điểm đến hàng đầu của các nguồn vốn tư nhân. Thu hút đầu tư tư nhân tốt sẽ tạo động lực và  nền tảng cho tăng trưởng kinh tế.

Năm 2015, một trong những chỉ tiêu kinh tế vĩ mô quan trọng là tổng vốn đầu tư toàn xã hội đã được nâng lên, đạt khoảng 30 - 32% GDP, cao hơn chỉ tiêu dự kiến của năm 2014 là 30,1% GDP. Với một nền kinh tế mà tăng trưởng chủ yếu nhờ tăng đầu tư như Việt Nam, khi vốn đầu tư toàn xã hội tăng lên sẽ tạo lực đẩy cho tăng trưởng GDP.

Bên cạnh đó, việc Chính phủ Việt Nam quyết tâm đẩy mạnh quá trình tái cơ cấu nền kinh tế, với 3 trọng tâm là tái cơ cấu đầu tư công, tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước (DNNN) và tái cơ cấu hệ thống ngân hàng cũng đã và đang mở ra hy vọng nâng cao hiệu quả đầu tư nói riêng, hiệu quả kinh tế nói chung, góp phần cải thiện tăng trưởng kinh tế.

Hai trở ngại chính

Có hai lý do chính được các chuyên gia Ngân hàng Thế giới (WB) xác định là trở lực đối với việc hiện thực hóa tiềm năng tăng trưởng của Việt Nam.

Thứ nhất, những bất cập trong khu vực DNNN và ngân hàng. Trong Báo cáo cập nhập tình hình phát triển kinh tế Việt Nam, WB cho rằng, mặc dù quá trình cổ phần hóa DNNN đã tạo được đà, nhưng tiến độ chậm hơn mục tiêu, nhất là trong bối cảnh kinh tế phục hồi chậm và mức độ phức tạp của các DNNN thuộc diện cổ phần hóa ngày càng tăng.

Có chung quan điểm về vấn đề này, theo ông Sanjay Kalra, Đại diện thường trú Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) tại Việt Nam và Lào, tăng trưởng kinh tế và ổn định kinh tế vĩ mô của Việt Nam đã có những bước tiến đáng kể, nhưng rủi ro thì vẫn lớn. Nợ công của Việt Nam đang đáng lo, trong khi hiệu quả kinh doanh của khu vực DNNN vẫn đang làm dấy lên những rủi ro tài khóa của Việt Nam. Khu vực ngân hàng cũng cần được tái cơ cấu, sáp nhập để làm sao có hệ thống ngân hàng đủ mạnh, nợ xấu được cải thiện. Cũng cần cải cách nền kinh tế để cải thiện năng suất, chất lượng.

Thứ hai, điều khiến WB quan ngại là sự tương phản trong hoạt động giữa khu vực doanh nghiệp tư nhân trong nước và khu vực FDI. Có thể dễ dàng nhận ra điều này khi quan sát diễn biến tăng trưởng xuất khẩu năm 2014. Mặc dù xuất khẩu tăng trưởng khá trong năm 2014, song, phần lớn thành tích này là do khu vực FDI mang lại. Trong khi đó, khu vực doanh nghiệp nội địa chỉ đóng góp một phần khá khiêm tốn. Đó là chưa kể con số doanh nghiệp khó khăn, thua lỗ phải phá sản, giải thể, ngừng hoạt động vẫn khá lớn.

Đẩy mạnh cải cách

Việc tiếp tục đẩy nhanh tiến độ cải cách và hoàn thiện môi trường kinh doanh là mấu chốt để đưa nền kinh tế Việt Nam vươn tới quỹ đạo tăng trưởng, bà Victoria Kwakwa, Giám đốc quốc gia WB tại Việt Nam nhận định.

Bà Kwakwa đề nghị Việt Nam thúc đẩy cải cách thể chế, nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế để đạt mức tăng trưởng cao hơn nữa, trong đó, cần có sự tập trung phối hợp mạnh mẽ hơn nữa giữa Chính phủ và các cơ quan liên quan để cải thiện hệ thống pháp luật, tăng cường hiệu quả quản lý kinh tế vĩ mô.

Đặc biệt, bà Kwakwa lưu ý, không một nền kinh tế thành công nào phụ thuộc hoàn toàn vào khu vực FDI, mà cần có sự phát triển song hành của cả khu vực doanh nghiệp nội tại. Việt Nam cần tăng cường hiệu quả hơn nữa của doanh nghiệp trong nước, đặc biệt là cần khuyến khích khu vực kinh tế tư nhân phát triển tốt hơn đi đôi với tiếp tục cải cách DNNN theo hướng tập trung nhiều hơn vào chất lượng cổ phần hóa thay vì tập trung vào con số; công bố thông tin thường kỳ với độ minh bạch cao.

Bà Victoria Kwakwa cho rằng, vấn đề quan trọng không chỉ là số DNNN thực hiện cổ phần hóa, mà là cách thức cổ phần hóa thế nào, và các giải pháp nâng cao hiệu quả quản trị, hoạt động của các doanh nghiệp này. Mục tiêu nữa là thu hút được sự tham gia của nguồn vốn tư nhân. Cần phải thúc đẩy việc yêu cầu DNNN thực hiện minh bạch thông tin và quy định rõ hơn trách nhiệm giải trình trong giám sát DNNN.

Ông Sameer Goyal, chuyên gia tài chính cao cấp của WB tại Việt Nam cho rằng, có 3 nội dung chính cần tiếp tục đẩy nhanh, gồm cải thiện phân loại nợ xấu, Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) tìm phương án xử lý nợ xấu thay vì mua nợ xấu và các hoạt động mua bán - sáp nhập ngân hàng.

Báo cáo nhận định, doanh nghiệp tư nhân trong nước dường như chịu sự tác động tiêu cực bởi các yếu tố tiếp cận nguồn vốn hạn chế, nhu cầu tiêu dùng trong nước thấp và sân chơi bất bình đẳng hơn so với khu vực DNNN. Khu vực FDI không chịu quá nhiều áp lực này và đang là nguồn tăng trưởng quan trọng của nền kinh tế Việt Nam.

TS. Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam khuyến nghị, cần đổi mới thể chế, đổi mới mô hình tăng trưởng thì nền kinh tế mới có thể đi lên. Không thể 30 năm đổi mới vẫn chỉ khai thác tài nguyên, nặng về gia công lắp ráp. Bên cạnh đó, cần có những chính sách khuyến khích doanh nghiệp nội địa phát triển, tăng trưởng chứ không chỉ dựa vào những doanh nghiệp nước ngoài như hiện nay.

TS. Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội đầu tư nước ngoài cho rằng, việc cần làm trước tiên là rà soát lại đầu tư công. Tiếp đó phải làm sao để khu vực doanh nghiệp nhỏ và vừa tiếp cận được vốn để đầu tư cho sản xuất - kinh doanh. Nếu giải quyết được các vấn đề về vốn và đầu tư công thì năm 2015, chúng ta sẽ tăng trưởng cao hơn, tạo đà cho giai đoạn phát triển sau.