Tăng trưởng huy động vốn kỷ lục hỗ trợ mở rộng tín dụng


Theo số liệu của ngành ngân hàng trên địa bàn TP HCM, tăng trưởng huy động vốn đạt cao nhất tính trong vòng 5 năm trở lại đây.

Hoạt động huy động vốn tăng trưởng sẽ là cơ sở nền tảng để mở rộng và tăng trưởng tín dụng. Ảnh minh họa: T.L
Hoạt động huy động vốn tăng trưởng sẽ là cơ sở nền tảng để mở rộng và tăng trưởng tín dụng. Ảnh minh họa: T.L

Hoạt động huy động vốn và cho vay vốn, 2 hoạt động chính, bản chất và truyền thống trong hoạt động của các TCTD trên địa bàn TP Hồ Chí Minh tiếp tục duy trì tốc độ tăng trưởng tích cực và hoàn thành nhiệm vụ chính sách tiền tệ trong năm 2024.

Tính đến ngày 31/12/2024, huy động vốn trên địa bàn đạt 4.082 nghìn tỷ đồng, tăng 15,28%; dư nợ tín dụng đạt 3.943 nghìn tỷ đồng, tăng 11,34% so với cuối năm 2023. Đây là những kết quả quan trọng, trong đó hoạt động huy động vốn diễn biến tích cực, góp phần vào quá trình tăng trưởng và khả năng đáp ứng tốt nhất nhu cầu vốn tín dụng cho nền kinh tế, đồng thời góp phần giữ ổn định thị trường tiền tệ và hoạt động ngân hàng trên địa bàn.

Những kết quả nổi bật này cho thấy: Thứ nhất, huy động vốn trên địa bàn năm 2024 đạt ngưỡng 4 triệu tỷ đồng và tăng trưởng cao nhất trong 5 năm trở lại đây, tăng 15,28%. Trong khi đó tỷ lệ này năm 2023 là 7,7%; năm 2022 là 4,6%; năm 2021 là 8,1% và năm 2020 là 14,1%.

Thứ hai, tiền gửi tiết kiệm dân cư tiếp tục ổn định, chiếm 35,5% trong tổng tiền gửi và tăng 7,92% so với cuối năm. Với bản chất là nguồn tiền tiết kiệm, tích lũy của người dân, nguồn tiền tiết kiệm dân cư không chỉ là nguồn vốn quan trọng, ổn định và tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình khai thác và sử dụng vốn hiệu quả của các TCTD trên địa bàn, mà còn phản ánh hiệu ứng chính sách, mối liên hệ hệ quả với các hoạt động tài chính khác nhìn ở góc độ đầu tư, tiêu dùng và tiết kiệm.

Trong đó, chính sách tiền tệ hiệu quả, sự ổn định kinh tế vĩ mô và kiểm soát tốt lạm phát, cùng dịch vụ ngân hàng chất lượng, tiện ích và an toàn, hiệu quả - là những yếu tố quan trọng thu hút nguồn tiền gửi tiết kiệm dân cư tại TCTD trên địa bàn trong suốt thời qua và trong năm 2024.

Thứ ba, sự đa dạng và khả năng ứng dụng công nghệ hiệu quả trong phát triển các sản phẩm tiền gửi: từ kỳ hạn tiền gửi linh hoạt kết hợp lãi suất áp dụng, để mang lại lợi ích tối đa cho khách hàng, cũng như đáp ứng nhu cầu của khách hàng trong thanh toán, trong việc sử dụng tiền gửi sao cho hiêu quả nhất.

Cùng với nhu cầu về thanh toán không dùng tiền mặt và chất lượng dịch vụ…., đây là yếu tố thu hút tiền gửi của tổ chức kinh tế và cá nhân. Bộ phận tiền gửi này tiếp tục chiếm tỷ trọng cao nhất, chiếm 55,3% trong tổng tiền gửi của các TCTD trên địa bàn và tăng 16,8% so với cuối năm.

Thứ tư, tăng trưởng kinh tế tác động tích cực đến huy động vốn trên địa bàn. Theo đó, vốn trong nền kinh tế luân chuyển tốt hơn, quy mô nền kinh tế tăng, gắn với các hoạt động đầu tư, tiêu dùng và xuất khẩu tăng, cũng tạo điều kiện cho hoạt động huy động vốn và cho vay vốn của các TCTD nói chung và trên địa bàn TP Hồ Chí Minh nói riêng tăng trưởng, gắn liền với tăng trưởng của nền kinh tế.

Có thể nói, hoạt động tiền gửi (huy động vốn) và hoạt động cho vay là hai hoạt động chính và có mối quan hệ hệ quả trong toàn bộ quá trình khai thác và sử dụng vốn của các TCTD với yêu cầu bảo đảm an toàn trong hoạt động và thực hiện nhiệm vụ chính sách tiền tệ.

Hoạt động huy động vốn tăng trưởng sẽ là cơ sở nền tảng để mở rộng và tăng trưởng tín dụng. Tăng trưởng tín dụng hiệu quả, doanh nghiệp phát triển và kinh tế tăng trưởng tốt, tác động tích cực trở lại tăng trưởng tiền gửi và sự ổn định thị trường tiền tệ.

Vì vậy, các TCTD cần tiếp quan tâm phát huy kết quả đạt được và tiếp tục phát triển hiệu quả, chất lượng dịch vụ tiền gửi, gắn với dịch vụ tín dụng và dịch vụ thanh toán để tăng trưởng ổn định, an toàn và hiệu quả, thực hiện tốt nhiệm vụ ngành trong năm 2025.

Theo Nguyễn Đức Lệnh - Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP. Hồ Chí Minh/diendandoanhnghiep.vn