Tăng trưởng lợi nhuận quý I/2024 của các ngân hàng khoảng 5 – 7,5%
Tăng trưởng lợi nhuận trước thuế của các ngân hàng trong quý I/2024 chưa có nhiều khởi sắc do cầu tín dụng yếu, áp lực nợ xấu tăng, dự kiến sẽ ở mức từ 5% – 7,5%.
Tăng trưởng ở mức một con số
Sau khi tăng trưởng vượt bậc cả về tín dụng (+17,5% so với đầu năm) và huy động (+18,9% so với đầu năm) trong quý IV/2023, bước sang năm 2024, hoạt động kinh doanh của ngành Ngân hàng có dấu hiệu “chùng” xuống. Theo số liệu từ Ngân hàng Nhà nước (NHNN), tăng trưởng tín dụng giảm 0,72% so với đầu năm trong tháng 2 (tăng 12% so với cùng kỳ năm 2023), phản ánh nhu cầu tín dụng yếu.
Ngoại trừ cho vay bất động sản (tăng 1,52% so với đầu năm) và các ngành liên quan đến chứng khoán (tăng 2,56% so với đầu năm), còn lại hầu hết các ngành đều đang gặp khó khăn, đặc biệt là cho vay tiêu dùng (giảm 1,77%). Điều này giải thích tại sao tiêu dùng trong nước chưa hồi phục trong 2 tháng đầu năm 2024.
Tuy nhiên, tình hình đã có xu hướng cải thiện trong tháng 3 và tín dụng tăng trưởng dương 0,62% so với đầu năm trong quý I/2024. Theo ước tính của Trung tâm Phân tích Công ty Chứng khoán SSI (SSI Research), một số ngân hàng tư nhân đã nỗ lực mở rộng cho vay tín dụng trong giai đoạn này, bao gồm Techcombank (TCB), Ngân hàng Quân đội (MBB), HDBank (HDB), Tbbank (TPB), OCB, ACB, Sacombank (STB) và VIB.
Những tín hiệu phục hồi ban đầu đã xuất hiện nhưng vẫn cần thêm thời gian để được phản ánh lên yếu tố cơ bản của ngành Ngân hàng. Nhìn chung, lợi nhuận của ngành Ngân hàng chưa có nhiều khởi sắc do tăng trưởng tín dụng chỉ tăng tốc vào cuối tháng 3 và hoạt động dịch vụ vẫn còn gặp nhiều khó khăn. Nợ quá hạn có thể tăng lên, trong khi tỷ lệ thu nhập lãi thuần (NIM) vẫn chịu áp lực và tăng trưởng tín dụng vẫn yếu.
SSI Research dự báo, tăng trưởng lợi nhuận trước thuế của các ngân hàng dự kiến sẽ ở mức từ 5% – 7,5% trong quý đầu tiên của năm 2024. Trong nhóm này, VPB, HDB, TCB và OCB có thể đạt mức tăng trưởng lợi nhuận trước thuế cao so với cùng kỳ.
Kỳ vọng cải thiện trong nửa cuối năm
Ngoại trừ BIDV (BID) và Vietcombank (VCB), nhiều ngân hàng đã công bố tài liệu đại hội đồng cổ đông năm 2024 cho thấy, ACB và MBB có kế hoạch thận trọng nhất.
Trong khi đó, các ngân hàng có tỷ trọng cho vay ngành bất động sản và thị trường trái phiếu doanh nghiệp cao, như VPBank (VPB), TCB, MSB, TPB và OCB… đang lên kế hoạch khá tham vọng trong năm 2024.
Thị trường bất động sản và bối cảnh vĩ mô bắt đầu có tín hiệu tích cực hơn kỳ vọng. Giao dịch trên thị trường bất động sản thứ cấp sôi động hơn tại phân khúc nhà phố (4-6 tỷ đồng) và căn hộ chung cư (dưới 5 tỷ đồng) trong bối cảnh các ngân hàng đang có các gói lãi suất cho vay mua nhà hấp dẫn (4,8% đến 8%) trong 1-2 năm đầu tiên của hợp đồng vay (thời hạn vay trung bình là 20 năm). Giá chung cư tại Hà Nội tăng khoảng 10-20% so với cùng kỳ trong quý I/2024.
Dù động lực tăng giá này lan tỏa sang thị trường sơ cấp nhưng đây vẫn là một dấu hiệu tích cực khi giá trị tài sản đảm bảo cho khoản vay có thể không giảm. Bên cạnh đó, thanh khoản thị trường cải thiện có thể sẽ hỗ trợ ngân hàng thanh lý tài sản thế chấp nếu cần thiết. SSI Research cho rằng, việc giải quyết các tài sản gán xiết nợ sẽ là yếu tố khác hỗ trợ cho tăng trưởng lợi nhuận trước thuế của một số nhà băng như TPB, MSB…
Ngoài ra, chỉ số sản xuất công nghiệp cũng đang cho thấy một số dấu hiệu đáng khích lệ. Nếu đà hồi phục này duy trì tốt, các yếu tố cơ bản của ngành Ngân hàng sẽ dần được cải thiện từ nửa cuối năm 2024 khi tỷ lệ hình thành nợ xấu có thể chững lại, NIM cải thiện và thu từ nợ xấu đã xóa tốt hơn dự kiến.
Về chủ đề tăng vốn, BID và VCB tiếp tục thực hiện kế hoạch phát hành riêng lẻ lần lượt 9% và 6,5% vốn điều lệ trước thực hiện. MBB vừa hoàn tất đợt phát hành cổ phiếu cho SCIC và Viettel (1,4% vốn điều lệ trước thực hiện) và dự kiến sẽ hoàn tất đợt phát hành khác (1,2% vốn điều lệ trước thực hiện) trong năm nay. Các ngân hàng khác dự kiến phát hành cổ phiếu ở mức khiêm tốn thông qua phương thức phát hành ESOP.