Lợi nhuận ngân hàng sẽ phân hóa mạnh trong quý IV?
Cùng với thu nhập lãi ngoài, lực cầu tín dụng được kỳ vọng sẽ bật tăng kể từ tháng 10, trong kịch bản các địa phương dần gỡ bỏ các lệnh giãn cách và hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp được mở cửa trở lại, các ngân hàng kỳ vọng sẽ bứt phá tăng trưởng trong quý IV. Đi kèm với sự tăng trưởng đó là sự phân hóa lợi nhuận giữa các ngân hàng?
Ông Trần Xuân Bách, chuyên gia phân tích của công ty chứng khoán Bảo Việt nhận định, trong tháng 11 ghi nhận sự mở cửa trở lại của nền kinh tế, các doanh nghiệp sẽ đẩy mạnh hoạt động kinh doanh để bù đắp cho phần thiếu hụt của quý III. Nhờ đó, tổng thể nhóm ngân hàng sẽ là nhóm có sự tăng trưởng lợi nhuận trong quý IV, nhưng sẽ có sự phân hóa giữa các ngân hàng.
Lãi lớn nhờ mảng dịch vụ
Tính đến đầu tháng 11, hầu hết các ngân hàng đã công bố báo cáo tài chính quý III/2021, với mức tăng trưởng lợi nhuận trước thuế bình quân 45% và hoàn thành bình quân 77% kế hoạch lợi nhuận cả năm 2021. Trong đó, một số ngân hàng đã hoàn thành 85 - 105% mục tiêu đề ra có thể kể đến như Techcombank, MB, ACB, MSB, SHB, LienVietPostBank và SeABank.
Đáng lưu ý, sự tăng trưởng này đặt trong thời điểm dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, ảnh hưởng lớn đến mọi mặt đời sống, các doanh nghiệp phải đóng cửa thực hiện giãn cách, khiến cho tín dụng chung toàn hệ thống tăng trưởng không cao (tăng 7,42% tính đến ngày 7/10). Tuy nhiên, nhờ chi phí vốn rẻ, tỷ lệ tiền gửi không kỳ hạn (CASA) được cải thiện, nguồn thu ngoài lãi, đặc biệt là thu dịch vụ (chủ yếu là từ mảng thanh toán, bảo hiểm) và chứng khoán đầu tư tăng mạnh, giúp các ngân hàng vẫn lãi lớn.
Chẳng hạn, Techcombank ghi nhận khoản thu nhập thuần từ hoạt động dịch vụ đạt gần 4.280 tỷ đồng, tăng 27,6% so với cùng kỳ năm trước, trong đó thu nhập từ dịch vụ hợp tác bảo hiểm đạt hơn 710 tỷ đồng, tăng 31%; MSB cũng ghi nhận lãi thuần từ dịch vụ tăng gấp 5 lần, trong đó có tới 65% đến từ bảo hiểm, của NamABank tăng 81%...
Các chuyên gia đến từ BVSC nêu quan điểm: "Trong quý IV, cầu tín dụng sẽ ghi nhận sự bật tăng và nhiều khả năng Ngân hàng Nhà nước cũng sẽ cấp thêm hạn mức tăng trưởng tín dụng cho các ngân hàng thương mại để hỗ trợ doanh nghiệp khôi phục hoạt động".
Ngoài ra, mảng chứng khoán đầu tư cũng mang lại lợi nhuận lớn cho các ngân hàng. Ví dụ, BacABank đạt mức tăng trưởng 307,9% so với cùng kỳ năm trước và chiếm khoảng 7,2% tổng thu nhập hoạt động của ngân hàng; TPBank tăng 156% so với cùng kỳ và đóng góp 14,8% vào tổng thu nhập hoạt động của ngân hàng…
Nhiều ngân hàng dự báo lợi nhuận sẽ tăng mạnh hơn nữa trong quý IV/2021. Kỳ vọng của các ngân hàng hoàn toàn có cơ sở khi hiện nay Chính phủ triển khai các gói kích thích kinh tế: giảm thuế, giảm phí, cắt giảm lãi suất điều hành, tăng hạn mức tín dụng, thực hiện gói cấp bù lãi suất…, nhằm kích cầu nền kinh tế.
Tuy nhiên, các chuyên gia dự báo, lợi nhuận các ngân hàng sẽ có sự phân hoá giữa ngân hàng tư nhân và quốc doanh. Nguyên nhân do, các ngân hàng quốc doanh ngoài nhiệm vụ kinh doanh còn có nhiệm vụ giữ ổn định nền kinh tế, thực hiện cắt giảm lợi nhuận mạnh hơn các ngân hàng tư nhân để giảm lãi suất hỗ trợ doanh nghiệp. Do đó, không thể tiếp tục ghi nhận lợi nhuận tăng trưởng mạnh mẽ như nhóm ngân hàng còn lại.
Mặt khác, các ngân hàng tư nhân chủ yếu tập trung vào mảng bán lẻ. Khi nền kinh tế phục hồi mảng này được dự báo sẽ tăng trưởng sẽ giúp cho ngân hàng tăng thu lợi nhuận.
Nhiều yếu tố hỗ trợ lợi nhuận tăng
Trao đổi với VnBusiness, chuyên gia tài chính Nguyễn Minh Trung nói: "Khi nền kinh tế hoạt động trở lại, nhu cầu tín dụng tăng lên, dư nợ tín dụng trong thời gian tới sẽ tăng mạnh hơn. Cùng với thu nhập lãi ngoài tiếp tục được cải thiện, đặc biệt một số ngân hàng ghi nhận khoản lợi nhuận từ thương vụ bán vốn và ký hợp đồng độc quyền Bancassurance giúp lợi nhuận ngân hàng sẽ tăng mạnh hơn trong cuối năm".
Chẳng hạn, đầu tháng 11 VPBank vừa chính thức hoàn tất chuyển nhượng 49% vốn điều lệ Công ty Tài chính TNHH MTV Ngân hàng Việt Nam Thịnh Vượng (FE Credit) cho đối tác là công ty con thuộc SMBC Group (Nhật Bản). Theo ước tính của các chuyên gia, lợi nhuận trước thuế của VPBank năm nay có thể đạt gần 17.400 tỷ đồng cho năm 2021, tăng 33,5 % cùng kỳ, với đóng góp 14.500 tỷ từ ngân hàng mẹ, tương đương với tỷ trọng hơn 80%.
Ông Hoàng Linh - Phó giám đốc Tài chính VIB chia sẻ, thu nhập lãi thuần (NII) và biên độ lãi ròng (NIM) của ngân hàng dự kiến tăng trưởng mạnh trong quý IV, khi phần lớn khách hàng được cơ cấu nợ có kế hoạch hoàn trả sớm hơn so với phương án hỗ trợ.
"Các khoản vay hợp vốn trên thị trường quốc tế với giá trị lớn, lãi suất và kỳ hạn hấp dẫn sẽ là nguồn lực quan trọng giúp VIB sẵn sàng hỗ trợ mở rộng tín dụng phục vụ nhu cầu khách hàng và tối ưu hóa biên lợi nhuận trong giai đoạn tăng trưởng tiềm năng", ông Linh cho biết thêm.
Trong báo cáo cập nhật ngành ngân hàng mới đây, Công ty Chứng khoán Maybank Kim Eng (MBKE), kỳ vọng 17 ngân hàng niêm yết sẽ tăng trưởng lợi nhuận 10% trong quý IV, tương đương 44.000 tỷ đồng lãi trước thuế (bằng mức trung bình của ba quý đầu năm) nhờ tăng trưởng tín dụng và thu nhập từ phí mạnh hơn. Do đó, ngành ngân hàng sẽ kết thúc năm 2021 với mức tăng trưởng lợi nhuận 33% so với năm trước.
Trong kết quả cuộc điều tra xu hướng kinh doanh của các tổ chức tín dụng quý IV/2021, các TCTD kỳ vọng nhu cầu sẽ phục hồi trở lại trong quý IV/2021 nếu tình hình dịch bệnh được kiểm soát tốt. Đánh giá chung cả năm, các tổ chức tín dụng đã thu hẹp kỳ vọng về sự gia tăng nhu cầu sử dụng dịch vụ ngân hàng, trong đó nhu cầu vay vốn tiếp tục được kỳ vọng tăng cao hơn nhu cầu gửi tiền và thanh toán.