Tăng trưởng thu nhập chưa đuổi kịp tăng trưởng kinh tế
(Tài chính) Tăng trưởng GDP dần phục hồi trong bối cảnh tăng trưởng thu nhập quốc dân GNI tiếp tục giảm là một vấn đề lớn.
Các thống kê chính thức về khu vực sản xuất của Việt Nam trong năm 2014 cho cái nhìn lạc quan nhất định về triển vọng của khu vực này trong ngắn hạn. Tuy nhiên, tốc độ tăng nhanh trong sản xuất chưa đi cùng với sự cải thiện tương ứng trong thu nhập quốc dân và tiêu dùng hộ gia đình trong nước.
Khu vực đầu tư nước ngoài (FDI) và các cú sốc tích cực từ phía cung đã giúp giữ ngành sản xuất của Việt Nam ở trạng thái bận rộn trong bối cảnh sức cầu chưa phục hồi. Các chỉ số công nghiệp cho thấy điều kiện sản xuất cải thiện liên tục nhờ đơn hàng mới cả trong nước lẫn nước ngoài, duy trì ở mức cao.
Tuy nhiên, các chỉ tiêu sản lượng, xuất khẩu và sử dụng lao động lại cho thấy khu vực FDI hưởng lợi nhiều hơn khu vực trong nước. Phần đóng góp của khối FDI tăng lên 20% trong tổng sản phẩm quốc nội (GDP) và 2/3 trong kim ngạch xuất khẩu. Sử dụng lao động tại các doanh nghiệp công nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài cũng tăng nhanh nhất trong 3 khu vực.
Giá cả đầu vào giảm có tác dụng như một cú sốc tích cực từ phía cung, giúp các ngành sản xuất trong nước giảm gánh nặng về chi phí và cải thiện tính cạnh tranh. Nhiều ngành hưởng lợi từ giá nhiên liệu (xăng, dầu, khí đốt) giảm sâu như vận tải, nhiệt điện, du lịch...
Tăng trưởng sản xuất nhanh hơn nhưng tăng trưởng thu nhập lại có một số điểm hoài nghi. Thu nhập quốc dân (GNI) sai khác với GDP bởi phần thu nhập từ tài sản nước ngoài tại Việt Nam và của tài sản của người Việt Nam tại nước ngoài. GDP lớn hơn GNI có nghĩa rằng phần thu nhập chuyển ra nước ngoài lớn hơn phần thu nhập chuyển về. Hiện tượng này được ghi nhận kể từ khi Việt Nam mở cửa và xu hướng tăng lên đi liền với sự mở rộng của khu vực đầu tư nước ngoài, nhất là sau khi gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO).
Ví dụ, năm 2000 mức chênh lệch ròng đạt gần 500 triệu USD, lúc này khu vực nước ngoài chiếm 13% GDP. Năm 2014 tỉ lệ đầu tư trên GDP suy giảm, nhưng đóng góp của khu vực đầu tư nước ngoài tăng lên 20% GDP, còn dòng thu nhập chuyển ra ròng có thể đã tăng lên khoảng 8 tỉ USD theo xu thế nhiều năm gần đây.
Một hệ quả của hiện tượng này là tăng trưởng GDP luôn cao hơn tăng trưởng GNI, tức thu nhập người dân không cải thiện nhiều như tăng trưởng kinh tế. GDP thường tăng cao hơn GNI từ 1-2 điểm phần trăm. Tăng trưởng GNI còn đang giảm, bất chấp tăng trưởng GDP có dấu hiệu phục hồi ban đầu. Tăng trưởng GNI giảm từ 5,8% năm 2011 xuống mức 4,1% năm 2013. Với tăng trưởng GDP đạt 6% trong năm 2014, tăng trưởng GNI khó cách xa mức 4%.
Nếu thu nhập phân phối không đồng đều thì thành quả từ tăng trưởng trong giai đoạn vừa qua đến số đông người dân còn khiêm tốn hơn (dĩ nhiên, điều này không thay đổi được một thực tế rằng tăng trưởng kinh tế trong 30 năm Đổi Mới đã giúp đưa hàng triệu người thoát khỏi cái nghèo). Bất bình đẳng thu nhập đang tăng lên, dù với tốc độ khiêm tốn hơn so với nhiều nước (như Trung Quốc), theo báo cáo của Ngân hàng Thế giới. Thu nhập cải thiện chậm sẽ ảnh hưởng đến khuynh hướng tiêu dùng, cản trở tích lũy của người nghèo và là rào cản đối với dự định chuyển hướng sản xuất sang đáp ứng nhu cầu trong nước.
Trong khi đó, dữ liệu tiêu dùng lại cho thấy các tín hiệu tốt xấu đan xen. Theo thống kê chính thức, tiêu dùng đang tăng lên từ mức thấp nhất vào năm 2011. Khối lượng bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng và tiêu dùng cuối cùng trong GDP năm 2014 đều tăng trên 6%. Tuy nhiên, thống kê tư nhân lại vẽ ra một bức tranh kém tươi sáng hơn. Một khảo sát hằng quý của hãng nghiên cứu Kantar về hàng tiêu dùng nhanh (FMCG) chỉ ra mức tăng chi tiêu cho các hàng hóa này có xu hướng giảm ở cả thành thị lẫn nông thôn so với năm 2013. Khảo sát về niềm tin tiêu dùng của Nielsen thể hiện tâm lý bi quan trong suốt nửa đầu năm trước khi trở lại vùng lạc quan (trên 100 điểm) lần đầu trong vòng 4 năm.
Lý thuyết tiêu dùng cho rằng gia tăng trong thu nhập thường xuyên lớn hơn và đi trước gia tăng trong tiêu dùng. Với thu nhập tăng thấp (và có xu hướng mất cân đối trong phân phối) thì gia tăng trong tiêu dùng đáng lẽ phải thấp như các thống kê tư nhân đã phản ánh. Nếu tiêu dùng tăng cao như trên (điều này vẫn khả thi do Việt Nam có lực lượng người tiêu dùng trẻ và tầng lớp trung lưu đang tăng trưởng, đồng thời lạm phát thấp có tác dụng kích thích nhất thời) thì phúc lợi sẽ giảm do tiêu dùng tương lai thu hẹp. Sự kết hợp ở tỉ lệ nào đó giữa hai khả năng này sẽ phản ánh vào sự bất bình đẳng trong chi tiêu và viễn cảnh tiêu dùng trong tương lai.
Nền kinh tế đang bộc lộ sự tách biệt trong sản xuất và tiêu dùng. Và xu hướng này càng thấy rõ qua sự phụ thuộc vào khu vực FDI. Trong hiện tại, sự lớn mạnh của khu vực này đang mang lại lợi ích nhất định cho nền kinh tế, khi sự ổn định và vững chắc vĩ mô là cần thiết để thực hiện tái cấu trúc kinh tế. Đa dạng hóa cơ sở kinh tế thông qua việc tạo ra môi trường kinh doanh bình đẳng giữa khu vực trong nước và nước ngoài, tiến tới giảm dần sự phụ thuộc vào khu vực FDI và nội địa hóa động lực tăng trưởng nên là một mục tiêu của chính sách phát triển. Điều này rất cần thiết, nhất là khi Việt Nam đang đứng trước giai đoạn hội nhập sâu với kinh tế thế giới và chuyển giao vị trí lãnh đạo.