Tăng trưởng tín dụng sẽ tăng mạnh?

Theo laodong.com.vn

(Tài chính) Sau nhiều tháng tăng chậm, tín dụng đã bắt đầu có dấu hiệu khởi sắc, đặc biệt nhu cầu vốn cho sản xuất kinh doanh đã tăng rõ rệt. Với việc lãi suất cho vay đã giảm mạnh, cùng với việc nhiều ngân hàng đưa ra các gói tín dụng ưu đãi với lãi suất khá thấp - khoảng 6,5-8%/năm, nhu cầu tín dụng của doanh nghiệp (DN) cũng phát sinh.

 Tăng trưởng tín dụng sẽ tăng mạnh?
Tăng trưởng tín dụng của các ngân hàng năm 2013 sẽ tăng mạnh?

Cuộc đua nước rút

Hiện nay, theo đánh giá của nhiều lãnh đạo ngân hàng, bước vào giai đoạn cuối năm các ngân hàng đang rất kỳ vọng vào việc nhu cầu vay vốn sẽ tăng cao sẽ giúp cho mục tiêu tăng 12% trong năm 2013 có thể đạt, thậm chí vượt kế hoạch.

Để thu hút khách hàng, nhiều ngân hàng liên tục đưa ra lãi suất cho vay cực thấp đặc biệt là vay sản xuất kinh doanh. Khảo sát một loạt các ngân hàng thương mại (NHTM), có thể nhận thấy sự phong phú của các gói tín dụng lãi suất thấp nhằm hỗ trợ người dân cũng như các DN. Nhiều ngân hàng liên tiếp tung ra các gói hỗ trợ tín dụng khác nhau, ngoài hướng tới DN sản xuất, các gói tín dụng này chủ yếu ưu tiên nhóm khách hàng cá nhân có nhu cầu vay mua nhà, ôtô, tiêu dùng…

Mới đây nhất, OceanBank đưa ra chương trình "phá giá lãi suất" còn 5,91% cho khách hàng vay mua nhà, mua xe, vay tiêu dùng... Techcombank cũng dành 4.000 tỉ đồng cho vay ưu đãi với lãi suất 5,99% cho khách hàng cá nhân vay vốn mua bất động sản, mua ô tô, vay tiêu dùng, vay xây sửa nhà và vay hộ kinh doanh. Eximbank cho vay mua nhà cố định lãi suất 12%/năm trong hai năm đầu tiên; cho vay tiêu dùng, sản xuất kinh doanh lãi suất 9%/năm cố định trong 3 tháng đầu, 9 tháng tiếp theo lãi suất 12%/năm… Ngoài ra, TienPhong Bank, ACB… cũng đang triển khai nhiều chương trình cho vay tiêu dùng với lãi suất hấp dẫn.

Tính riêng trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh, tăng trưởng tín dụng sau 8 tháng tăng 5,21%. Trong đó, tín dụng cho 5 lĩnh vực ưu tiên tăng nhanh, khối các DNVVN thu hút một lượng vốn lớn từ ngân hàng, cho vay tiêu dùng tăng chậm lại. Thời gian qua, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Chi nhánh TP. Hồ Chí Minh đã liên tục làm cầu nối giữa các NHTM với DN từng quận, huyện gặp gỡ tìm hiểu để ký kết các hợp đồng tín dụng. Tính đến nay đã có 14 lễ ký kết tài trợ vốn được tổ chức trên khắp các quận, huyện, với tổng vốn cam kết giải ngân 5.508 tỉ đồng.

Mở rộng kênh vốn trung và dài hạn

Diễn biến mới nhất trên thị trường tiền tệ cho thấy các ngân hàng đang cố gắng tìm kiếm nguồn vốn cho vay trung và dài hạn thông qua việc nâng lãi suất huy động với các kỳ hạn dài. Ghi nhận thực tế từ đầu tháng 9 đến nay, trước những tín hiệu của thị trường, mặt bằng lãi suất huy động của nhóm NHTM cổ phần rục rịch trở về mức trần 7%/năm ở kỳ hạn 1 tháng; lãi suất trung và dài hạn bắt đầu tăng mạnh dao động trong khoảng từ 8-10%/năm.  

Mặc dù không có sự tăng mạnh hay vượt trần, nhưng lãi suất huy động ở kỳ hạn từ 6 tháng trở lên đã tăng lên mức kịch trần nhằm khuyến khích khách hàng gửi tiền. Trong bối cảnh nhu cầu tín dụng có dấu hiệu tăng, việc các NHTM tăng cường huy động vốn để đón cơ hội cho vay cuối năm là dễ hiểu. Nhiều lãnh đạo ngân hàng cũng xác nhận nhu cầu vay vốn của DN đã tăng lên.

Tuy nhiên, điều mà các DN băn khoăn đó chính là mức lãi vay trung và dài hạn liệu có được các ngân hàng đưa về mức hợp lý. Theo phản ánh của Hiệp hội Doanh nghiệp TP. Hồ Chí Minh cho biết, mặc dù lãi suất cho vay đã hạ trung bình 1-3 điểm phần trăm, giúp DN hạ được chi phí vốn đáng kể và các gói vốn tiếp cận DN rất tích cực, nhưng cơ bản lãi suất ưu đãi vẫn chỉ hướng cho DN trong ngắn hạn. Thành ra, chỉ những DN đang "sống", đang có đầu ra nhưng hoặc bí tiền sản xuất ngắn hạn mới có nhu cầu vay bổ sung vốn lưu động. Mặt khác, lý do khiến DN chưa dám vay vốn đầu tư trung hạn do thực tế hiện nay ngay ở các khoản vay ngắn hạn thì nhiều DN cho biết họ vẫn đang phải vay với lãi suất khá cao, cao hơn mức 9-10% dành cho nhóm được hưởng vay ưu đãi từ khoảng 2-3%.

Cho vay ngoại tệ tiếp tục giảm

Theo báo cáo của NHNN thì tín dụng ngoại tệ giảm 11,55%, trong khi tín dụng bằng tiền đồng tăng 10,4% so với cuối năm 2012. Tổng dư nợ tín dụng ngoại tệ và tiền đồng cả nước cuối tháng 8 tăng 6,45% so với cuối năm 2012.

Nguyên nhân khiến tín dụng bằng ngoại tệ giảm mạnh được cho là do quy định hạn chế đối tượng được vay ngoại tệ từ ngân hàng. Theo thông tư 37/2012/TT-NHNN áp dụng từ đầu tháng 1.2013, chỉ có các DN có nguồn thu từ hoạt động sản xuất kinh doanh bằng ngoại tệ thì mới được vay ngoại tệ tại các ngân hàng, trừ các DN vay nhập khẩu xăng dầu. Những năm trước, các DN nhập khẩu vốn có nhu cầu ngoại tệ cao thường vay ngoại tệ để thanh toán đơn hàng. Sau khi thông tư 37 có hiệu lực, đối tượng trên buộc phải vay VND sau đó mua ngoại tệ để thanh toán.

Bên cạnh đó, chênh lệch lãi suất cho vay hiện nay giữa hai đồng tiền này hiện đã giảm đáng kể, nhất là khi nhiều ngân hàng có các chương trình ưu đãi lãi suất cho vay với DN, nên nhiều DN chuyển sang vay VND. Theo thông cáo báo chí mới nhất của NHNN, các ngân hàng cổ phần hiện đang cho vay ngắn hạn với lãi suất 9,5-11,5%/năm. Mức lãi suất này tại NHTM nhà nước là 9-10,5%/năm và các DN có tình hình tài chính lành mạnh, minh bạch, phương án, dự án sản xuất kinh doanh hiệu quả sẽ được vay với lãi suất 6,5-7%/năm. Trong khi đó, lãi suất cho vay USD ngắn hạn phổ biến là từ 4-7%/năm.