Tăng trưởng xanh thúc đẩy nền kinh tế phát triển bền vững
(Tài chính) Mô hình tăng trưởng kinh tế hướng tới sự phát triển bền vững mà cộng đồng quốc tế thừa nhận và đang phấn đấu thực hiện là tăng trưởng xanh. Trong tiến trình hội nhập quốc tế của nước ta, việc lựa chọn và thực hiện tăng trưởng xanh đang trở thành con đường tất yếu trong định hướng phát triển bền vững.
Bài học từ một số quốc gia
Trên thế giới, hiện trạng khủng hoảng tài chính, nợ công, lạm phát kéo dài, tăng thâm hụt ngân sách, khủng bố, bất ổn gia tăng, an ninh lương thực, biến đổi khí hậu ảnh hưởng trực tiếp hoặc gián tiếp đến nền kinh tế của các nước. Vì vậy, tăng trưởng xanh đang trở thành con đường phát triển chủ đạo, được phản ánh trong các dòng thương mại và đầu tư, được nhiều quốc gia đang phát triển áp dụng và thu được những kết quả khả quan.
Tăng trưởng xanh là quá trình tái cơ cấu hoạt động kinh tế và cơ sở hạ tầng để thu được kết quả tốt hơn từ các khoản đầu tư cho tài nguyên, nhân lực và tài chính, đồng thời giảm phát thải khí nhà kính, khai thác và sử dụng ít tài nguyên thiên nhiên hơn, tạo ra ít chất thải hơn và giảm sự mất cân bằng trong xã hội.
Hiện các nước trên thế giới đang đầu tư mạnh vào chiến lược tăng trưởng xanh. Trong quá trình đưa ra các gói kích thích kinh tế sau khủng hoảng kinh tế mấy năm trước đều dành ưu tiên cao cho tăng trưởng xanh. đầu tư tập trung cho lĩnh vực năng lượng sạch, giao thông thân thiện môi trường, đô thị hóa bền vững, nông nghiệp sinh thái, du lịch sinh thái, công nghiệp văn hóa, xử lý chất thải, thúc đẩy tiêu dùng bền vững và xây dựng lối sống xanh...
Tại Hàn Quốc, trước tình trạng khủng hoảng tài chính cuối năm 2008, tốc độ tăng GDP dưới 4% thì họ ngay lập tức triển khai dự án Thỏa thuận mới xanh vào tháng 1.2009 nhằm khuyến khích tạo việc làm và tái thiết nền kinh tế với gói kích thích: Chính sách tài chính, tài khóa, thuế với tổng số tiền trên 38 tỷ USD trong giai đoạn 2009 – 2012. Trong đó, 80% cho năng lượng tái tạo, tòa nhà hiệu quả năng lượng (6,2 tỷ USD), xe carbon thấp (1,8 tỷ USD), tàu hỏa (7 tỷ USD), quản lý nước và chất thải (13,9 tỷ USD).
Đến tháng 7/2009, Hàn Quốc thông qua kế hoạch 5 năm cho tăng trưởng xanh (2009 – 2013) với 3 chiến lược, 50 dự án chủ chốt và 10 định hướng chính sách, tập trung vào các vấn đề: giảm phát thải khí nhà kính, giảm sự phụ thuộc và nhiên liệu hóa thạch, thích ứng với biến đổi khí hậu, phát triển công nghệ xanh, xanh hóa các ngành công nghiệp hiện có, phát triển các ngành công nghiệp tiên tiến, xây dựng nền tảng cho kinh tế xanh về lối sống.
CHLB Đức thực hiện thúc đẩy các lĩnh vực xanh mới của nền kinh tế cho thị trường xanh hơn nhằm đạt được những cơ hội mới về việc làm và thu nhập trong khu vực xanh. Thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong điều kiện đặt ra áp lực nhỏ nhất có thể đối với môi trường và các nguồn tài nguyên thiên nhiên; nâng cao phúc lợi cho con người, công bằng xã hội; giảm thiểu rủi ro môi trường và sự khan hiếm về sinh thái. Và hiện tại, số lao động làm việc ở Đức trong lĩnh vực này đã lên tới 400.000 người.
Tại Hội thảo Phối hợp triển khai thực hiện Chiến lược tăng trưởng xanh của Việt Nam do Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường tổ chức, đại diện Vụ Khoa học, Giáo dục, Tài nguyên và Môi trường, Bộ Kế hoạch và Đầu tư khẳng định: Phát triển bền vững là yêu cầu xuyên suốt trong quá trình phát triển đất, trong đó tăng trưởng xanh sẽ là nền tảng và động lực cho phát triển bền vững ở đất nước ta.
Cơ hội và thách thức
Cũng tại Hội thảo này, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Thế Phương nêu rõ, nước ta khác với Hàn Quốc, Cộng hòa liên bang Đức về trình độ phát triển kinh tế, phát triển khoa học công nghệ, phát triển nhân lực. Do vậy thực hiện tăng trưởng xanh là phù hợp với chiến lược dài hạn và định hướng phát triển bền vững của nước ta nói chung, và cũng mang lại cho chúng ta không ít những cơ hội và thách thức trong định hướng phát triển bền vững mà đảng và Nhà nước ta đã xác định.
Với vị trí địa lý có cả vùng núi, đồng bằng và ven biển, có hệ thống hạ tầng giao thông nối kết với kinh tế của các nước trong vùng, về cơ bản nước ta đang trở thành một trung tâm của vùng Đông Nam Á, với tài nguyên thiên nhiên đa dạng và phong phú, giàu vốn tự nhiên, thuận lợi để phát triển nền kinh tế theo hướng xanh hóa.
Khi nguồn tài nguyên đang dần cạn kiệt, đa dạng sinh học đang bị suy giảm, ô nhiễm môi trường tiếp tục gia tăng, biến đổi khí hậu ngày càng rõ nét, vì vậy lựa chọn tăng trưởng xanh ở nước ta là mô hình phát triển mới, tạo ra việc làm, là trụ cột để giảm nghèo. Thay vì sử dụng nhiên liệu hóa thạch nền kinh tế xanh sử dụng năng lượng tái tạo và công nghệ carbon thấp, khuyến khích sử dụng nguồn lực và năng lượng hiệu quả hơn.
Đứng trước thời cơ mới, chúng ta cần phát huy những lợi thế và phương thức tăng trưởng xanh là con đường tốt nhất để giúp nước ta thu hẹp khoảng cách phát triển trong thời gian tương đối ngắn. đây cũng là một nội dung quan trọng của phát triển bền vững và thực hiện Chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu, nhờ sử dụng hiệu quả hơn nguồn tài nguyên thiên nhiên và nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế.
Ngoài những yếu tố thuận lợi, trong tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa, chúng ta cũng đang phải đối mặt với nhiều thách thức, mâu thuẫn lớn như: tính dễ tổn thương trước thảm họa và tác động khí hậu ngày càng tăng; nguồn tài nguyên bị suy thoái nghiêm trọng; nhận thức và năng lực (con người, cơ sở hạ tầng, tài chính và thể chế) còn thấp… Để khắc phục những khó khăn này, chúng ta cần nâng cao nhận thức của các cấp, ban, ngành từ Trung ương đến địa phương, rồi đến cả doanh nghiệp, cộng đồng và người dân - Thứ trưởng Nguyễn Thế Phương nhấn mạnh.
Nhận thức rõ những cơ hội, Chính phủ đã ban hành ba văn bản quan trọng mang tính chất chiến lược: Quyết định số 432/Qđ-TTg ngày 12.4.2012 phê duyệt Chiến lược phát triển bền vững Việt Nam giai đoạn 2011 - 2020; Quyết định số 1393/Qđ-TTg ngày 25.9.2012 phê duyệt Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh thời kỳ 2011 - 2020 và tầm nhìn đến năm 2050; và Quyết định số 339/Qđ-TTg ngày 19.2.2013 phê duyệt đề án tổng thể tái cơ cấu kinh tế gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả và năng lực cạnh tranh giai đoạn 2013 - 2020. Nội dung ba văn bản này hầu như đã bao quát hết nội hàm, ý nghĩa, mục tiêu, quan điểm, nguyên tắc, giải pháp, cách thức thực hiện... Đây là cơ sở pháp lý để thúc đẩy tăng trưởng xanh ở nước ta.