Tăng trưởng xuất khẩu: Vẫn phải dựa vào khối ngoại
Vẫn như mọi chu kỳ, báo cáo tình hình xuất khẩu qua các tháng 2016 tiếp tục ghi nhận doanh nghiệp đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) hiện là một trong những “đầu tàu”, đóng góp cho sự tăng trưởng kinh tế và xuất khẩu của nước ta.
Suốt từ năm 2009 đến nay, tỷ lệ đóng góp của FDI vào xuất khẩu đã tăng liên tục từ 41% lên 70%. Đó là những con số ấn tượng. Tuy nhiên, theo các chuyên gia kinh tế, ở giai đoạn đầu của quá trình phát triển nền kinh tế thị trường và hội nhập kinh tế quốc tế, tăng trưởng của nền kinh tế phụ thuộc lớn vào khối FDI cũng là xu hướng bình thường ở nhiều nước trên thế giới, nhưng về lâu dài cần những giải pháp tổng thể thúc đẩy doanh nghiệp trong nước lớn mạnh.
Lực đẩy FDI
Theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan, tính đến hết ngày 15/9/2016, kim ngạch xuất khẩu của cả nước đạt hơn 120,16 tỷ USD, tăng 6,5% (tương ứng tăng gần 7,29 tỷ USD) so với cùng kỳ năm 2015. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu của doanh nghiệp FDI đạt hơn 84,01 tỷ USD, tăng 9,4% tương ứng tăng gần 7,19 tỷ USD so với cùng kỳ năm 2015 và chiếm đến 69,9% tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của cả nước.
Chỉ tính riêng lĩnh vực công nghiệp điện tử, Việt Nam đã thu hút hơn 10 tỷ USD vốn FDI với rất nhiều thương hiệu lớn trên thế giới như: Samsung, LG, Panasonic, Canon, Intel...
Chỉ tính riêng tập đoàn Samsung, đã đóng góp khoảng 30 tỷ USD tổng kim ngạch xuất khẩu nước ta. Vì vậy, cũng không có gì lạ khi 2 tỉnh Samsung đặt nhà máy là Thái Nguyên và Bắc Ninh góp mặt trong top 6 tỉnh, thành phố có kim ngạch xuất nhập khẩu cao nhất cả nước cùng với TP. Hồ Chí Minh, Hà Nội, Bình Dương và Đồng Nai
Ở mặt ngược lại, các doanh nghiệp nội đang lép vế hoàn toàn. Trong 8 tháng năm 2016 kim ngạch xuất khẩu của các doanh nghiệp trong nước đạt 34,24 tỷ USD, tăng 0,4%.
Thêm vào đó, việc hàng loạt hiệp định thương mại đã được ký kết như FTA với EU, Hàn Quốc, hiệp định AEC và sắp tới đây là TPP đang thúc đẩy dòng tiền ngoại đổ vào Việt Nam.
Đây có thể là một tín hiệu vui?
Chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong lý giải, sở dĩ khu vực doanh nghiệp FDI luôn duy trì tốc độ tăng trưởng cao nhiều năm qua là nhờ Việt Nam có các chính sách thu hút đầu tư nước ngoài và khuyến khích doanh nghiệp FDI hướng về xuất khẩu.
Thực tế, ngay từ khi triển khai dự án, đa phần các doanh nghiệp FDI đã có đủ nguồn vốn, có thị trường đầu ra trên quy mô toàn thế giới, có kinh nghiệm và công nghệ hiện đại. Trong khi các doanh nghiệp trong nước chưa được hỗ trợ về chính sách, thiếu vốn và năng lực xúc tiến mở rộng thị trường xuất khẩu còn hạn chế, nên quá trình sản xuất kinh doanh gặp nhiều khó khăn, tiêu thụ sản phẩm chỉ quanh quẩn ở thị trường nội địa…
Đánh giá về thực trạng trên, các chuyên gia kinh tế đều nhận định, trước mắt việc thu hút FDI sẽ đóng góp cho nền kinh tế phát triển. Hơn nữa, trong bối cảnh Việt Nam gia nhập nền kinh tế thế giới đây sẽ là cơ hội để các doanh nghiệp nội học hỏi được kinh nghiệm, cơ hội được chuyển giao công nghệ, tiếp cận với những phương pháp sản xuất hiện đại trên thế giới…
Tuy nhiên, về lâu dài, nếu tăng trưởng kinh tế Việt Nam quá phụ thuộc vào khối ngoại sẽ không tốt. Việc bỏ qua hỗ trợ doanh nghiệp nội rất nguy hiểm, bởi động lực từ xuất khẩu FDI sẽ không bền vững, có thể thay đổi rất nhanh khi những ưu đãi của chính sách thay đổi.
Một số chuyên gia cho rằng, sự thất bại của các doanh nghiệp nội không chỉ phản ứng nội lực của doanh nghiệp trong nước yếu kém hơn, mà còn cho thấy chính sách hỗ trợ của Nhà nước vẫn thiếu tính cân bằng cho nội - ngoại.
Vấn đề quan trọng ở đây là Nhà nước cần tạo lực đẩy đồng bộ làm cho khu vực doanh nghiệp trong nước mạnh lên để kết nối được với doanh nghiệp FDI. Đặc biệt, tự bản thân doanh nghiệp Việt phải đổi mới, tìm hướng đi, giải pháp nâng cao năng lực cạnh tranh để đáp ứng những yêu cầu khắt khe của các đối tác nước ngoài cũng như đáp ứng những yêu cầu trong bối cảnh hội nhập sâu rộng hiện nay.