Tạo bước chuyển mới cho hoạt động thương mại điện tử ở Việt Nam
Trên nền tảng công nghệ Internet, thương mại điện tử ở Việt Nam đã hình thành và phát triển nhanh chóng, đóng vai trò quan trọng trong phát triển sản xuất kinh doanh, thương mại bán lẻ của các doanh nghiệp. Ngày càng xuất hiện nhiều mô hình kinh doanh trực tuyến, công nghệ tác động tới thương mại điện tử Việt Nam trong những năm tới.
Lộ trình phát triển còn nhiều chông gai
Thống kê cho thấy, hiện Việt Nam đã có tới 40 triệu người sử dụng Internet và gần 60% trong số này từng mua sắm trực tuyến. Ước tính trong năm 2015, doanh thu thị trường thương mại điện tử nói chung và thanh toán điện tử nói riêng là chủ đề thời sự, thu hút sự quan tâm, chú ý của toàn xã hội, từ các cơ quan quản lý Nhà nước, cộng đồng doanh nghiệp cho đến người tiêu dùng.
Đã có nhiều nhận định lạc quan về tiềm năng mở rộng và phát triển mạnh mẽ thương mại điện tử cũng như thanh toán điện tử tại Việt Nam. Điển hình như nghiên cứu mới đây của Ken Research cho thấy, tổng doanh thu của các hoạt động thương mại điện tử tại Việt Nam sẽ đạt 7,5 tỷ USD trong năm 2019. Đây là kết quả của sự phát triển mạnh mẽ trong trong lĩnh vực thương mại bán lẻ, vốn đang có nhiều nhà đầu tư cả trong và ngoài nước tham gia, cộng với sự tăng trưởng số người dùng smartphone.
Ken Research cũng đưa ra nhận định rằng, các chính sách hỗ trợ của Chính phủ và thu nhập ngày càng gia tăng của người Việt cũng là một trong những cấu thành quan trọng để tạo ra nhiều điều kiện tích cực cho phát triển thương mại điện tử. Minh chứng rõ ràng nhất chính là Đề án đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam giai đoạn 2011-2015 được Thủ tướng phê duyệt ngày 27/12/2013; Trên cơ sở Đề án, Ngân hàng Nhà nước cũng đã ban hành Kế hoạch tổng thể phát triển thanh toán thẻ qua điểm chấp nhận thẻ (POS) giai đoạn 2014-2015, từng bước mở rộng thanh toán qua POS, đưa thanh toán qua POS trở thành thói quen của chủ thẻ.
Bên cạnh đó, nhiều kế hoạch, chương trình, đề án cấp quốc gia cũng được xây dựng trên nền tảng đẩy mạnh ứng dụng thanh toán điện tử. Bộ Công Thương hiện đang chủ trì Đề án quy hoạch chợ toàn quốc là cơ sở quan trọng trong công tác hiện đại hóa ngành Bán lẻ. Trong đó, việc mở rộng lắp đặt thiết bị POS nơi đây sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc giảm thiểu sử dụng tiền mặt trong giao dịch, tạo thói quen tiêu dùng văn minh.
Thống kê của Ngân hàng Nhà nước cho thấy, đến nay cả nước đã có hơn 200.000 POS, tăng 18% so với cuối năm 2014. Trong đó, Vietcombank chiếm gần 64.680 máy, VietinBank chiếm 60.760 máy… Một số ngân hàng thương mại khác cũng đã và đang xây dựng kế hoạch triển khai các chương trình khuyến mại, ưu đãi hấp dẫn đối với khách hàng dùng thẻ thanh toán qua POS. Ở các tỉnh, thành phố lớn hoạt động thanh toán thẻ qua POS tiếp tục phát triển mạnh cả về số lượng POS được lắp đặt và số lượng giao dịch.
Kế hoạch tổng thể Phát triển thương mại điện tử ở Việt Nam giai đoạn 2016-2020 cũng đang được xây dựng, điều này có ý nghĩa quan trọng đối với định hướng, lộ trình phát triển của lĩnh vực thương mại điện tử trong 5 năm tới. Trong đó, lĩnh vực thanh toán điện tử, xây dựng và phát triển các tiện ích thanh toán thương mại điện tử và hệ thống quản lý thanh toán thương mại điện tử quốc gia để sử dụng rộng rãi cho các mô hình thương mại điện tử, đặc biệt loại hình thương mại điện tử doanh nghiệp – người tiêu dùng (B2C), doanh nghiệp – doanh nghiệp (B2B), Chính phủ - người dân (G2C) và Chính phủ - doanh nghiệp (G2B) là một trong những mục tiêu quan trọng, nhằm tạo nền tảng, cơ sở hạ tầng thuận lợi cho thương mại điện tử phát triển theo chiều sâu.
Bên cạnh những thuận lợi trên, con đường phát triển thương mại điện tử của Việt Nam vẫn còn gập gềnh và nhiều thử thách. Nguyên nhân chủ yếu do:
(i) Thói quen sử dụng tiền mặt vẫn còn cao. Đây là cản trở lớn nhất đối với thương mại điện tử Việt Nam. Theo đánh giá của Hội Thẻ Việt Nam, 90% doanh số thanh toán thẻ hiện nay là giao dịch tại các máy ATM, trong đó doanh số rút tiền mặt chiếm hơn 85%, doanh số chuyển khoản chiếm gần 14%, doanh số thanh toán tại đơn vị chấp nhận POS chỉ hơn 1,07%.
(ii) Người dân vẫn còn ngần ngại khi sử dụng dịch vụ thanh toán điện tử. Tâm lý khách hàng còn có cảm giác sợ bị lừa, hoặc cảm thấy rủi ro khi mua hàng qua mạng và thanh toán trực tuyến.
(iii) Hiệu lực của chính sách đối với thực tế triển khai còn thấp. Thậm chí còn chưa có các chính sách, cơ chế nhằm khuyến khích, ưu đãi hỗ trợ thanh toán điện tử phổ cập và phát triển thanh toán điện tử.
(iv) Kênh bán lẻ truyền thống và thị trường bán lẻ nông thôn (chiếm hơn 70% thị trường bán lẻ Việt Nam) bị bỏ quên, phần lớn thương mại điện tử và thanh toán điện tử chỉ tập trung và phát triển mạnh ở các đô thị lớn…
(v) Phí giao dịch thẻ tại POS vẫn chưa sát với thực tế. Bởi vì, mức chiết khấu đối với đơn vị chấp nhận thẻ từ 0-0,5% giá trị giao dịch đối với thẻ nội địa, với thẻ quốc tế mức phí này dao động quanh ngưỡng 1,5-2%. Mức chiết khấu này khiến một số điểm bán lẻ thu phụ phí giao dịch, gây tâm lý ngại thanh toán bằng thẻ cho khách hàng, không khuyến khích dịch vụ phát triển.
(vi) Thanh toán tiền mặt sau khi mua hàng online. Tình trạng “nửa vời” này là giải pháp tình thế hợp lý trong những buổi đầu của thương mại điện tử nước ta. Tuy nhiên, về lâu dài, nếu tình trạng này vẫn còn tiếp diễn sẽ gây ra không ít tốn kém và rủi ro cho doanh nghiệp.
(vii) Chậm áp dụng xu hướng thanh toán điện tử mới trên thế giới, ngay cả mPOS – giải pháp chấp nhận thanh toán thẻ thông qua thiết bị di động đến nay cũng chưa được áp dụng rộng rãi ở Việt Nam. Hay như ví điện tử - công cụ thanh toán phổ biến nhất với nhiều tên tuổi lớn trên thế giới như PayPal, Alipay, Google Wallet, Passbook… cũng còn rất xa lạ với người tiêu dùng, thậm chí là với cả doanh nghiệp và hộ kinh doanh cá thể ở Việt Nam. Rất nhiều thương hiệu bán lẻ ở Việt Nam hiện đang lơ là trong việc phát triển cơ sở hạ tầng phục vụ cho khách hàng của mình trên nền tảng di động, chỉ tập trung vào những kênh bán hàng truyền thống khác. Về lâu dài điều này sẽ ảnh hưởng rất nhiều đến thương hiệu cũng như doanh số bán hàng của doanh nghiệp.
Tạo nên những bước chuyển mạnh mẽ
Việt Nam đang ngày càng hội nhập sâu rộng vào thế giới, nhằm góp phần hoàn thiện hạ tầng thanh toán quốc gia, phù hợp với xu thế quốc tế và khu vực, tạo bước chuyển thực sự trong thanh toán điện tử, cần thiết quan tâm tới một số vấn đề sau:
Thứ nhất, để phát triển thương mại điện tử và thanh toán điện tử cần có những giải pháp đồng bộ. Theo đó, cần hoàn thiện cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin; bổ sung hoàn thiện khung khổ pháp lý; đào tạo nguồn nhân lực; đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức của doanh nghiệp và người dân.
Đồng thời, ban hành các chính sách ưu đãi hoạt động thanh toán điện tử như hoàn thuế, khấu trừ thuế cho các giao dịch thanh toán điện tử để thúc đẩy thanh toán qua thẻ, khuyến khích, ưu đãi hỗ trợ dành cho các doanh nghiệp, các hộ và các cá nhân kinh doanh bán lẻ trong triển khai thanh toán điện tử.
Thứ hai, các bộ, ngành cần sớm tăng cường việc trao đổi, bàn cách phối hợp đồng bộ, hiệu quả trên mọi khía cạnh từ cơ chế, chính sách, mô hình kết nối, các tiêu chuẩn kỹ thuật nghiệp vụ, tiêu chuẩn công nghệ… Bên cạnh đó, cần phải đẩy mạnh việc áp dụng công nghệ mới nhất của thế giới vào thanh toán điện tử, thay đổi cách thức hoạt động… giúp doanh nghiệp và người dân tiết kiệm lớn về thời gian, chi phí, nguồn lực cũng như nâng cao hiệu quả chung của kinh tế - xã hội.
Thứ ba, giảm tối đa chi phí cho nhà bán lẻ để tạo thuận lợi cho việc thu hút khách hàng thanh toán qua POS trong giai đoạn trước mắt, tránh tâm lý e ngại phải trả thêm phí trên doanh số thanh toán cho ngân hàng, ảnh hưởng đến lợi nhuận trong bối cảnh cạnh tranh ngày càng khốc liệt hiện nay.
Thứ tư, đẩy mạnh áp dụng thanh toán điện tử trong hệ thống bán lẻ truyền thống và thị trường bán lẻ nông thôn…