Tạo bước đột phá trong thu hút nguồn vốn FDI
Trong nửa đầu năm 2015, dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Việt Nam giảm mạnh (chỉ mới đạt khoảng 23,8%). Như vậy, để đạt con số 23 tỷ USD như mục tiêu đề ra trong cả năm 2015, thì hơn 70% của con số đó phải trông chờ vào những tháng cuối năm. Bài viết đánh giá lại vai trò và tác động của dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đối với nền kinh tế Việt Nam và đưa ra một số đề xuất nhằm góp phần đẩy mạnh thu hút và giữ chân dòng vốn này trong thời gian tới.
Tác động của dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài tới nền kinh tế
Vấn đề thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) có ý nghĩa vô cùng quan trọng đối với một quốc gia, bởi gắn với nguồn vốn FDI là công nghệ, kỹ năng quản lý, khả năng tiếp cận thị trường, bên cạnh đó là tạo công ăn việc làm trực tiếp cho lao động và hàng triệu việc làm gián tiếp khác… góp phần không nhỏ vào quá trình phát triển kinh tế - xã hội. Trong đó, hai kỳ vọng lớn nhất vào doanh nghiệp (DN) FDI đối với nền kinh tế nước ta chính là nâng cao trình độ công nghệ và trình độ của người lao động Việt Nam, bởi theo tính toán của Liên Hợp Quốc, các tập đoàn, công ty xuyên quốc gia nắm giữ tới 80% các phát minh sáng chế của thế giới.
Không thể phủ nhận những vai trò tích cực của các DN FDI đối với nền kinh tế Việt Nam trong gần 30 năm qua. DN FDI đã tăng trưởng nhanh cả về số lượng lẫn quy mô sản xuất kinh doanh. Tính đến ngày cuối năm 2014, Việt Nam có 17.499 dự án còn hiệu lực với tổng vốn đăng ký 250,6 tỷ USD. Theo dự báo năm 2015, vốn đăng ký FDI sẽ đạt khoảng 18 tỷ USD và vốn giải ngân kỳ vọng đạt 12 tỷ USD, sau khi Việt Nam hoàn tất nhiều thỏa thuận đàm phán từ các hiệp định thương mại song phương, đa phương, nhất là hình thành Cộng đồng Kinh tế ASEAN, đàm phán Hiệp định đối tác Kinh tế xuyên Thái Bình Dương (TPP)… Theo đó, nhiều công nghệ mới đã được chuyển giao vào nước ta như: Thiết kế, chế tạo máy, dây chuyền lắp ráp tự động, công nghệ kỹ thuật số, công nghệ nano, khai thác dầu khí… Trong lĩnh vực nông lâm ngư nghiệp, khu vực có vốn đầu tư nước ngoài giúp cho Việt Nam có thêm nhiều giống cây, con có chất lượng, đa dạng hóa các sản phẩm và nâng cao khả năng cạnh tranh cho sản phẩm nông sản Việt Nam trên thị trường, đáp ứng yêu cầu chuyển dịch cơ cấu hàng hóa theo hướng giảm dần tỷ trọng hàng nguyên liệu và sơ chế, tăng tỷ trọng mặt hàng nông lâm thủy sản chế biến có giá trị gia tăng cao.
Đi liền với máy móc hiện đại là quy trình công nghệ tiên tiến để vận hành sản xuất, kinh doanh. Đây là cơ hội tốt cho người lao động Việt Nam tiếp cận với máy móc, thiết bị hiện đại, quy trình công nghệ tiên tiến của thế giới, nâng cao tay nghề, nâng cao trình độ sản xuất và quản lý cho người lao động. Khảo sát mới đây của Viện Khoa học Lao động và các vấn đề xã hội (Bộ Lao động Thương binh và Xã hội) cho thấy, tỷ lệ lao động được đào tạo lại ở các DN FDI ở Việt Nam là 14,43%, trong đó đào tạo mới là 27,35%, đào tạo lại là 0,8%, đào tạo nâng cao là 71,81%. Lao động quản lý được đào tạo trong các DN này chiếm 20-30% số lượng lao động quản lý của DN. Đặc biệt, DN FDI còn tham gia tích cực vào thực hiện mục tiêu tăng trưởng GDP và ngân sách nhà nước, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế Việt Nam theo hướng hiện đại. Tỷ trọng đóng góp của FDI vào GDP liên tục tăng dần qua các năm, đạt khoảng 20% GDP vào năm 2014…
Như vậy, tác động của nguồn vốn FDI đối với nền kinh tế Việt Nam là rất lớn, tuy nhiên, theo đánh giá của giới chuyên gia, những đóng góp mà DN FDI đem lại cho nền kinh tế Việt Nam vẫn chưa đạt được như kỳ vọng. Thậm chí, nguồn vốn này còn có xu hướng sụt giảm trong thời gian gần đây. Theo số liệu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tính đến hết tháng 6/2015, cả nước có 757 dự án FDI mới được cấp giấy chứng nhận đầu tư với tổng vốn đầu tư đăng ký là 3,84 tỷ USD, giảm 21% so với cùng kỳ năm 2014. Bên cạnh đó, còn có 281 lượt dự án đăng ký tăng vốn với tổng số vốn tăng thêm là 1,65 tỷ USD, giảm 17% so với cùng kỳ năm 2014. Như vậy, vốn đầu tư cấp chứng nhận mới và tăng thêm trong 6 tháng đầu năm 2015 đạt 5,49 tỷ USD, giảm 19,8% so với cùng kỳ năm 2014. Nếu so với ba năm gần đây thì vốn cam kết mới trong 6 tháng qua đang ở mức thấp nhất. Cụ thể, thu hút FDI 6 tháng đầu năm của các năm 2012-2014 lần lượt là 6,38 tỷ USD, 10,47 tỷ USD và 6,85 tỷ USD. Trong bối cảnh Việt Nam đang tham gia đàm phán và ký kết các hiệp định thương mại tự do (FTA), mở ra cơ hội thu hút vốn FDI từ các nước có nền kinh tế phát triển thì con số 5,49 tỷ USD vốn cam kết trong nửa đầu năm rõ ràng cách quá xa con số đặt ra trong mục tiêu là 23 tỷ USD.
Chuẩn bị cho giai đoạn “bước ngoặt”
Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Đặng Huy Đông từng thẳng thắn bày tỏ, hiện các dòng vốn FDI từ các nước đang dịch chuyển khá mạnh, song trên thực tế, dòng vốn lại đang “chảy” sang nước khác, còn Việt Nam lại chưa đón bắt được dòng vốn này. Mặt khác, GDP của Việt Nam hiện đang tăng trưởng tích cực, là dấu hiệu tốt để các nhà đầu tư quan tâm nhiều hơn nhưng nếu không có chính sách phù hợp và sự chuẩn bị kỹ càng, Việt Nam có thể dần đánh mất đi cơ hội này.
Thực tế, diễn biến thu hút FDI năm nay rất khó dự đoán khi các nhà đầu tư đang trong tâm thế thăm dò và chờ đợi các hiệp định ký kết. Hiện đang là giai đoạn “bước ngoặt” trong chạy đua thu hút FDI. Do vậy, để các dòng vốn FDI thật sự chảy vào Việt Nam mạnh mẽ hơn trong thời gian tới, bên cạnh các chính sách linh hoạt, nhằm phân tích xu hướng chuyển dịch đầu tư trong khu vực, Việt Nam cần thực hiện có hiệu quả các giải pháp về cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, cải thiện cơ sở hạ tầng, giảm chi phí hoạt động cho DN…
Việc cải cách thể chế gắn liền đơn giản hoá các thủ tục đầu tư cũng đang là việc làm cần cải thiện để thu hút nhà đầu tư nước ngoài. Điểm quan trọng nhất là phải thay đổi tư duy và cách tiếp cận đối với khu vực FDI; cần có một cái nhìn khách quan và công bằng hơn đối với khu vực FDI và phải xem đây như một bộ phận tất yếu của nền kinh tế nước ta, nhất là khi khu vực này đang có một vai trò quan trọng đối với nền kinh tế với tỷ trọng trên 50% giá trị sản xuất công nghiệp, 60-70% tổng kim ngạch xuất khẩu, trên 20% tổng vốn đầu tư toàn xã hội và đóng góp khoảng 20% GDP.
Các địa phương cũng cần khẩn trương tiếp cận thông lệ quốc tế để đón dòng đầu tư, tránh để lỡ mất chu kỳ đầu tư. Đặc biệt, làm sao thông qua chính sách, thông qua hỗ trợ và kích thích các DN trong nước để họ dần lớn mạnh, tận dụng sức lan tỏa của khu vực FDI, gắn kết được về mặt công nghệ, kỹ năng, qua đó “tận thu” được cả các lợi ích trực tiếp và gián tiếp từ khu vực FDI.
Đồng thời với đó, cần mở rộng lĩnh vực, địa bàn và hình thức thu hút vốn FDI, hướng vào những thị trường giàu tiềm năng và các tập đoàn kinh tế hàng đầu, tạo chuyển biến mạnh mẽ về số lượng, chất lượng, hiệu quả nguồn vốn FDI. Muốn vậy, cần thiết phải đẩy mạnh công tác xúc tiến đầu tư, tăng cường công tác nghiên cứu, cập nhật thông tin về xu thế phát triển của thị trường vốn đầu tư trên thế giới và chính sách đầu tư của các nước phát triển, các tập đoàn kinh tế lớn để xúc tiến đầu tư đến từng dự án, từng nhà đầu tư có tiềm năng, có tiềm lực về tài chính và công nghệ cao…
Tài liệu tham khảo:
1. ThS. Trịnh Xuân Thắng (2014), ThS. Hà Thị Thùy Dương (2014), Nâng cao sức lan tỏa của các DN FDI ở Việt Nam;
2. Cục Đầu tư nước ngoài – Bộ Kế hoạch và Đầu tư (2014), Tình hình đầu tư trực tiếp nước ngoài 11 tháng năm 2014;
3. Các website: mpi.gov.vn, khucongnghiep.com.vn, chinhphu.vn, baodautu.vn, nhandan.vn…