Tạo bước ngoặt về cải cách kiểm tra chuyên ngành: Làm thế nào để đến đích?
Đầu năm 2021, với mục tiêu tạo thuận lợi về thủ tục, giảm thời gian và chi phí tuân thủ cho doanh nghiệp; bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân kinh doanh và người tiêu dùng, nâng cao hiệu quả công tác quản lý chất lượng, kiểm tra an toàn thực phẩm đối với hàng hóa nhập khẩu, Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Quyết định số 38/QĐ-TTg phê duyệt đề án “Cải cách mô hình kiểm tra chất lượng, kiểm tra an toàn thực phẩm đối với hàng hóa nhập khẩu”.
Đây chính là một giải pháp để cải cách toàn diện thủ tục kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa nhập khẩu, giải quyết những tồn tại, bất cập lâu nay theo tinh thần của các Nghị quyết số 19/NQ-CP, Nghị quyết số 99/NQ-CP và các Nghị quyết số 02/NQ-CP năm 2019, 2020.
Tại các Nghị quyết trên, Chính phủ đã giao Bộ Tài chính chủ trì xây dựng Đề án cải cách kiểm tra chuyên ngành theo hướng cơ quan Hải quan là đầu mối thực hiện kiểm tra chuyên ngành tại cửa khẩu, bộ quản lý chuyên ngành thực hiện hậu kiểm.
Việc triển khai đồng bộ các giải pháp tại các Nghị quyết mới đáp ứng yêu cầu cải cách toàn diện, làm cho thủ tục kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa nhập khẩu trở nên thuận lợi hơn, hiệu quả hơn hiện nay. Đề án “Cải cách Mô hình kiểm tra chất lượng, kiểm tra an toàn thực phẩm đối với hàng hóa nhập khẩu” được xây dựng để giải quyết những vấn đề nêu trên.
Việc đổi mới phương thức kiểm tra theo Đề án được kỳ vọng sẽ giúp doanh nghiệp giảm chi phí, giảm đầu mối tiếp xúc giữa doanh nghiệp với các cơ quan, tổ chức, đồng thời cũng không phải tham gia vào quá trình kiểm tra chất lượng, kiểm tra an toàn thực phẩm đối với hàng hóa nhập khẩu.
Mô hình mới sẽ giúp Chính phủ tiết kiệm ngân sách thông qua việc cắt giảm thủ tục hành chính, cắt giảm nguồn lực, giảm chi phí cho một bộ máy kiểm tra chất lượng, kiểm tra an toàn thực phẩm cồng kềnh, giảm thời gian thông quan hàng hóa; giúp nâng cao ý thức trách nhiệm của doanh nghiệp trong việc tuân thủ pháp luật về chất lượng, về an toàn thực phẩm của hàng hóa.
Việc xây dựng dự thảo Nghị định là nhiệm vụ rất quan trọng, do đó Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Tài chính (Tổng cục Hải quan) chủ trì xây dựng, đảm bảo cơ sở pháp lý triển khai mô hình mới về kiểm tra chất lượng, kiểm tra an toàn thực phẩm đối với hàng hóa nhập khẩu đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 38/QĐ-TTg.
Hiện nay, dự thảo Nghị định đã cụ thể hóa 7 nội dung cải cách tại Quyết định số 38/QĐ-TTg: cụ thể hóa vai trò đầu mối của cơ quan Hải quan trong kiểm tra chất lượng, kiểm tra an toàn thực phẩm đối với hàng hóa nhập khẩu; áp dụng đồng bộ 3 phương thức kiểm tra cho cả lĩnh vực kiểm tra chất lượng, kiểm tra an toàn thực phẩm nhằm cắt giảm số lô hàng nhập khẩu phải kiểm tra; đơn giản hóa thủ tục kiểm tra chất lượng, kiểm tra an toàn thực phẩm đối với hàng hóa nhập khẩu; thực hiện kiểm tra theo mặt hàng để cắt giảm số lượng các lô hàng phải kiểm tra; áp dụng đầy đủ, thực chất nguyên tắc quản lý rủi ro trong kiểm tra chất lượng, kiểm tra an toàn thực phẩm đối với hàng hóa nhập khẩu để bảo đảm vai trò quản lý nhà nước và nâng cao tính tuân thủ của doanh nghiệp; mở rộng đối tượng được miễn kiểm tra chất lượng, kiểm tra an toàn thực phẩm; ứng dụng tối đa công nghệ thông tin để triển khai mô hình mới.
Với những nội dung cải cách quyết liệt đã được thể chế hóa tại dự thảo Nghị định, theo kết quả đánh giá tác động độc lập của Dự án Tạo thuận lợi Thương mại do USAID tài trợ, khi Nghị định được triển khai thi hành sẽ có tác động tích cực cho doanh nghiệp và nền kinh tế. Ước tính trong một năm tiết kiệm gần 1.376 tỷ đồng (xấp xỉ 59,1 triệu USD) cho doanh nghiệp và 9.285 tỷ đồng (xấp xỉ 399 triệu USD) cho nền kinh tế.
Ông Trần Việt Huy-Trưởng Ban Hải quan và Thuận lợi hóa thương mại, Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam (VLA): Dự thảo Nghị định có tinh thần cải cách tích cực, được doanh nghiệp kỳ vọng
Thứ nhất, dự thảo Nghị định có cách tiếp cận mới, tác động tới nhiều thủ tục hành chính đang thực hiện ở các bộ, ngành. Trước đây, ở nhiều văn bản về quản lý chuyên ngành quy định thủ tục thực hiện trong thời gian từ 2 đến 3 ngày nhưng nếu không xong thì doanh nghiệp vẫn phải chờ. Tại dự thảo Nghị định mới quy định hệ thống chỉ cho phép trong thời gian nhất định, nếu không có phản hồi, hệ thống sẽ tự động xác nhận hoàn thành việc kiểm tra. Chưa nhiều văn bản có sự đột phá như vậy!
Thứ hai, ứng dụng công nghệ thông tin để quản lý. Các nội dung tại Nghị định này được xây dựng trong môi trường 4.0. Các thông tin được công khai, chia sẻ trên để doanh nghiệp nhập khẩu chủ động tra cứu, khai thác và thực hiện các thủ tục. Đặc biệt việc kiểm tra được liên thông, kết nối, chia sẻ thông tin giữa các cơ quan quản lý nhà nước với nhau. Nhờ vậy, đây cũng là công cụ để các cơ quan quản lý đo đếm nhau.
Thứ ba, Nghị định thực hiện kiểm tra theo mặt hàng, không phân biệt nhà nhập khẩu. Đây là vấn đề đã thảo luận nhiều năm nay nhưng nay mới được giải quyết tại dự thảo Nghị định. Như vậy sẽ giảm thời gian thực hiện thủ tục hành chính của cả cơ quan quản lý nhà nước và doanh nghiệp, tiết kiệm nguồn lực xã hội.
Thứ tư, nguyên tắc quản lý rủi ro được áp dụng đầy đủ, có sự phân loại doanh nghiệp tốt, chấp hành pháp luật với doanh nghiệp rủi ro cao. Trước đây chỉ lĩnh vực an toàn thực phẩm mới áp dụng quản lý rủi ro thì nay áp dụng cho cả kiểm tra chất lượng hàng hóa.
Điều này được thể hiện ở những con số khảo sát của VCCI 92% đồng thuận với dự thảo Nghị định, cũng như đánh giá của Dự án Tạo thuận lợi Thương mại do USAID tài trợ USAID đánh giá khi áp dụng mô hình mới sẽ tiết kiệm cho nền kinh tế 399 triệu USD mỗi năm.
Tuy nhiên, đây là chủ trương cải cách mới, có thể sẽ có những ý kiến còn băn khoăn, phần lớn ở cơ quan quản lý nhà nước, do lối mòn, cách làm cũ, không muốn chia sẻ thông tin. Về phần doanh nghiệp, Nghị định này được xây dựng trên nền tảng ứng dụng công nghệ thông tin, quản lý bằng phần mềm công nghệ, chính vì vậy cần phải có một hệ thống tốt. Doanh nghiệp tin rằng, cơ quan Hải quan với kinh nghiệm triển khai hệ thống VNACCS/VCIS sẽ đảm bảo vận hành hệ thống thông suốt.
Ông Nguyễn Văn Hưng, Công ty TNHH Yusen Logistics: Đánh giá cao những quy định mang tính đột phá tại dự thảo Nghị định
Các quy định trong dự thảo đã cụ thể hoá định hướng tại Quyết định số 38/QD-TTg. Trong đó tôi đặc biệt ấn tượng với việc thay đổi quy trình và phương pháp quản lý kiểm tra chuyên ngành, nhất là ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin và quản lý rủi ro. Mặt khác, việc giao cho cơ quan Hải quan là đầu mối trong kiểm tra chuyên ngành thông qua hệ thống một cửa quốc gia cũng là một thay đổi rất tích cực. Điều này giúp cắt giảm các đầu mối liên hệ cho doanh nghiệp khi thực hiện thủ tục hành chính, tập trung hóa dữ liệu để áp dụng quản lý rủi ro và cắt giảm chi phí tuân thủ.
Một mặt hàng có thể được giảm đáng kể số lần bị kiểm tra theo lô, thông tin về hàng hoá và thương nhân chịu trách nhiệm về chất lượng của hàng hoá đó cũng được công bố công khai. Chính sách kiểm tra chuyên ngành áp dụng cho hàng hoá được minh bạch, giúp doanh nghiệp dễ dàng tuân thủ. Qua đó thể hiện nỗ lực rất lớn của ban soạn thảo trong việc tìm hiểu thực trạng, đối thoại với cộng đồng doanh nghiệp và các cơ quan quản lý nhà nước để tìm ra giải pháp pháp lý phù hợp.
Theo tôi, bất kỳ một chính sách mới nào cũng gặp phải các luồng ý kiến trái chiều. Nền kinh tế của chúng ta đã hội nhập sâu vào nền kinh tế toàn cầu, trong khi các quy định hiện tại đã bộc lộ những điều chưa phù hợp nên cải cách là tất yếu. Vì vậy, để có thể đi tới cái đích chung mà Quyết định 38/QĐ-TTg đã đặt ra, ta cần nghiêm túc tiếp thu ý kiến đóng góp của cộng đồng DN với tư cách là đối tượng trực tiếp bị tác động.
Mặt khác, mạnh dạn áp dụng phương thức quản lý tiên tiến của các nước để nhanh chóng đưa quy định của ta tiệm cận với tiêu chuẩn chung của thế giới. Chỉ số cạnh tranh quốc gia và tăng trưởng kinh tế sẽ là thước đo cho quyết tâm cải cách của Chính phủ. Tôi tin tưởng rằng khi đặt mục tiêu cải cách, hiện đại hoá và tạo thuận lợi thương mại lên hàng đầu thì chắc chắn chúng ta sẽ thành công.